Thứ Tư, 11/09/2013, 08:20 (GMT+7)
.

Trung thu hoài niệm, chạnh lòng và ấm áp…

Những bài đồng dao, những bài ca về chú Cuội - cây đa - chị Hằng… hiếm nghe con trẻ ngân nga. Tết Trung thu tới gần, càng hoài niệm tiếng í ới rủ nhau tìm đoạn trúc hoặc tre, giấy kiếng làm đèn ông sao… Tết Trung thu truyền thống ngày càng chìm trong tiếng vọng, họa hoằn chăng chỉ còn lại qua chương trình truyền hình, đọc trên vài bài báo, nghe đâu đó các anh, các chị tổ chức quyên góp mang quà tặng trẻ em vùng sâu, vùng xa, trẻ em nghèo…

Giữa hai không gian, sống trong hoài niệm và thực tại, Tết Trung thu trăng vẫn tròn vành vạnh, vẫn tỏa sáng từ thành thị đến nông thôn, từ miền ngược đến miền xuôi… Tạo hóa vẫn tuần hoàn theo quy luật của muôn đời. Thế mà chạnh lòng bởi Trung thu truyền thống gắn với những sinh hoạt văn hóa dân gian mai một dần.

Càng đau đáu hơn, Trung thu ngày càng “hiện đại hóa” bởi sự lấn át của các loại đèn điện tử, các loại trò chơi xa lạ, thậm chí bạo lực… Quặn lòng hơn khi người ta “tận dụng” trở thành “ngày hội” tặng quà với mục đích cá nhân, vụ lợi.

Chi đoàn Báo Ấp Bắc vận động tặng quà Trung thu (năm 2008) cho trẻ em nghèo xã Phú Thạnh (Tân Phú Đông). Ảnh: Duy Anh
Chi đoàn Báo Ấp Bắc vận động tặng quà Trung thu (năm 2008) cho trẻ em nghèo xã Phú Thạnh (Tân Phú Đông). Ảnh: Duy Anh

Theo các nhà nghiên cứu, Tết Trung thu ở Việt Nam có nguồn gốc từ nền văn minh lúa nước, khởi nguồn từ đồng bằng sông Hồng. Ấy là thời điểm nông nhàn, tiết trời mát mẻ, dễ chịu, vầng trăng tròn vành vạnh giữa bầu trời thu cao lồng lộng và gió mát mơn man từ những dòng sông…

Tết Trung thu, không chỉ các em nhỏ háo hức với những mâm cỗ bằng chính những hoa trái, sản vật quê hương; rước đèn ông sao, đèn kéo quân, múa lân, múa sư tử…; người lớn cũng đón chờ trong nhiều tâm trạng, mà tựu trung nhất vẫn là cảm giác yên bình, thanh thản sau những ngày lao động, mưu sinh nhọc nhằn.

Vì thế, rất tự nhiên, Tết Trung thu đã trở thành một sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng rất đặc sắc được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đó chính là giá trị nhân văn, nhân bản luôn được lưu truyền và tiếp biến, dù cuộc sống đang diễn ra nhiều thay đổi lớn lao.

Một, hai năm rồi một, hai thập niên… thời gian dần trôi, những giá trị văn hóa Tết Trung thu dần thay đổi, mà biểu hiện rõ nét nhất chính là qua những hình thức sinh hoạt, các sản vật và cái tục tặng quà vốn mang đầy đủ nghĩa tình, vốn cao đẹp...

Hoài niệm chuyện xưa mới thấy chạnh lòng chuyện nay. Sự biến tướng đang trở thành cái cớ để không ít người tặng quà các “sếp”, những người cần cậy nhờ, “giúp đỡ”. Phải chăng người lớn giờ đây lấy ngay đối tượng chính là các em nhỏ vui Tết Trung thu - Tết Nhi đồng để “phải quấy”…

Dạo quanh thị trường, ta dễ nhận thấy bánh Trung thu phục vụ biếu tặng ngày càng nhiều với nhiều mẫu mã bắt mắt, giá cao ngất ngưỡng… Theo thống kê của một số doanh nghiệp lớn, có đến 70%  số lượng bánh Trung thu bày bán trên thị trường phục vụ nhu cầu biếu tặng của các cá nhân, tổ chức…

Như một lẽ tất yếu, người có chức cao, vọng trọng thì quà Trung thu có giá trị theo tỷ lệ thuận… Đây cũng là “cơ hội” cho tiêu cực, tham nhũng phát sinh, phát triển. Vì vậy, việc thực hiện quy chế về tặng quà, nhận quà và nộp lại quà của cơ quan, tổ chức, cá nhân… đã được ban hành nhiều năm qua cần có sự giám sát chặt chẽ, quy định cụ thể, thiết thực hơn nhằm ngăn chặn biến tướng biếu tặng dịp Tết Trung thu và những dịp khác…

Trong sự hoài niệm và chạnh lòng, càng trân trọng biết bao tấm lòng của các tổ chức, cá nhân, các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể; đặc biệt là các bạn trẻ dưới ngọn cờ của Đoàn Thanh niên đã và đang ráo riết chuẩn bị các chuyến đi về vùng sâu, vùng xa, đến với các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn bằng tấm lòng chân thành qua quà Trung thu…

Của cho không bằng cách cho, đó là nghĩa cử cao đẹp, nhẹ nhàng mà nặng trĩu nghĩa tình… Những phần quà Trung thu như vậy ấm áp, thanh thản hơn là những biến tướng về tệ biếu xén quà Trung thu cao xa, “nặng ký” song nặng mùi trục lợi…

Trong bao cảm xúc đan xen của mùa Trung thu năm nay, càng tin tưởng khi đón nhận công văn của UBND tỉnh về việc tổ chức Trung thu năm 2013 với trọng tâm hướng đến trẻ em nơi khó khăn, có hoàn cảnh khó khăn cùng với các hoạt động thiết thực, bổ ích dành cho chủ thể chính: TRẺ EM.

NGƯỜI SÔNG TIỀN

.
.
.