Thứ Hai, 25/09/2017, 21:36 (GMT+7)
.

Kiểm soát quyền lực để hạn chế "sân sau"

Vấn đề thời sự tuần qua và việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, kỷ luật và đề nghị kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao trong lợi dụng chức quyền làm trái qui định của nhà nước, gây hậu quả nghiệm trọng. Điều này đặt ra nhiều suy nghĩ về việc kiểm soát quyền lực.

Việc tha hóa, khai thác quyền lực để tạo ra “lợi ích nhóm”, xây dựng những “sân sau” từ lâu đã nghe nói nhiều, nhưng liệu có phải chỉ là những nghi ngờ, đặt vấn đề của dư luận? Không, vấn đề này mới đây đã được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phân tích, mổ xẻ trong phiên họp của Thường vụ Quốc hội ngày 19/9 nhằm đánh giá báo cáo của Chính phủ trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2017.

Theo đó, Ủy ban Tư pháp thống nhất với nhận định của Chính phủ về những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong công tác PCTN thời gian qua và cho rằng, hiện nay việc thực thi pháp luật nói chung và pháp luật về PCTN nói riêng còn chưa nghiêm. Ý thức, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; việc nhũng nhiễu, tiêu cực, “ đặt vấn đề” trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp, thậm chí của các cơ quan nhà nước với nhau vẫn còn xảy ra.

q
Phiên tòa xét xử vụ án Hà Văn Thắm, một vụ án tham nhũng gây chú ý của dư luận. Ảnh: TTXVN

Đặc biệt, việc công khai, minh bạch kết quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức còn hạn chế. Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn vẫn chưa có hiệu quả; việc theo dõi, kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm ngăn chặn việc tẩu tán tài sản còn gặp khó khăn, vướng mắc trong cả quy định của pháp luật và tổ chức thực hiện nhưng chậm được rà soát, sửa đổi cho phù hợp.
Hiệu quả hoạt động của một số cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN chưa đáp ứng yêu cầu. Một số trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi hoặc chiếm đoạt tài sản của người dân, doanh nghiệp…

Đáng chú ý, Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội nhận định: Một số cán bộ, công chức còn có dấu hiệu tiếp tay, bảo kê cho doanh nghiệp. Nếu như trước đây, tình trạng “lợi ích nhóm”, “sân sau” mới chỉ là nghi ngờ của dư luận cử tri nhưng qua một số vụ án lớn được đưa ra xét xử gần đây, qua kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy những vấn đề của cử tri đặt ra là có căn cứ. Cơ quan này cho rằng, trong thời gian tới, định hướng PCTN cần tập trung phát hiện, xử lý, phòng ngừa đối với tham nhũng dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau” bởi đây là xu thế phát triển của kinh tế thị trường; cần có cơ chế  để kiểm soát  quyền lực, tránh việc tha hóa quyền lực của một bộ phận những người có trách nhiệm.

Ngoài ra, theo Ủy ban Tư Pháp việc tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu rất yếu. Số vụ, việc tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử còn ít, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng; tiến độ xử lý một số vụ, việc còn để kéo dài.. Việc xử lý người có hành vi tham nhũng, người bao che cho hành vi tham nhũng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong nhiều trường hợp chưa nghiêm .

Từ thực tế trên, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kiểm tra về công tác bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước để trả lời dư luận cử tri về tình trạng bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không đúng quy định, bổ nhiệm lãnh đạo nhiều hơn công chức, bố trí người thân vào những vị trí dễ phát sinh tham nhũng.

Mặt khác Quốc hội, Chính phủ sớm xây dựng quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi người trong toàn xã hội; tiếp tục hoàn thiện các quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là các nội dung kiểm tra, giám sát, xác minh việc kê khai, tránh nhiệm giải trình việc tăng, giảm tài sản, các khoản chi tiêu, giao dịch có giá trị lớn; quy định rõ chế tài xử lý đối với người kê khai tài sản không trung thực. Hoàn thiện quy định và hệ thống cơ sở hạ tầng, có lộ trình, thời hạn cụ thể để hoàn thành mục tiêu thanh toán không sử dụng tiền mặt. Có như thế thì việc kê khai, kiểm soát tài sản cán bộ mới thực sự hiệu quả. Đặc biệt cần có cơ chế kiểm soát tốt quyền lực để hạn chế việc lợi dụng chức quyền tạo "lợi ích nhóm" từ  những "sân sau".

SƠN PHẠM


 

.
.
.