.

Hãy nghe dân nói và nói cho dân hiểu

Cập nhật: 23:23, 08/07/2022 (GMT+7)

Phát biểu trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5 - HĐND tỉnh khóa X, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh đã đánh giá: “Hậu quả để lại của hậu Covid-19 là rất nặng nề, là vô cùng nghiêm trọng, một mất mát rất lớn về ngân sách, về con người và về nhân lực, nhất là đối với ngành Y. Vì vậy, đòi hỏi chúng ta phải có sự quyết tâm nhân đôi; phải đoàn kết một lòng, phải có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp thì mới thực hiện tốt được nhiệm vụ khôi phục, phát triển sản xuất - kinh doanh”.

Và để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tạo tiền đề cho Tiền Giang vươn lên nhanh hơn, bền vững hơn trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Danh đã lưu ý các đại biểu HĐND tỉnh phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong các hoạt động xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; tăng cường công tác giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tất cả cùng hướng đến mục tiêu cuối cùng là cuộc sống ấm no của người dân.

Cụ thể như việc ban hành các nghị quyết mang tính lâu dài, có ảnh hưởng, tác động sâu rộng đến đời sống xã hội, đại biểu HĐND tỉnh cần dành thời gian nghiên cứu sâu, thảo luận kỹ để cho ý kiến về sự cần thiết ban hành nghị quyết, vừa đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đồng thời phải phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Các Ban của HĐND tỉnh khi được phân công thẩm tra, các cơ quan soạn thảo, cơ quan trình phải có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng nghị quyết; cần trao đổi thông tin, thảo luận, thống nhất các vấn đề còn có ý kiến khác nhau; cần nghiên cứu, khảo sát, tham vấn ý kiến của các tổ chức, cơ quan và nhân dân hoặc các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp để đảm bảo phù hợp, có tính khả thi cao khi nghị quyết được ban hành, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Đặc biệt với hoạt động tiếp xúc cử tri, đồng chí Nguyễn Văn Danh lưu ý ngoài việc tiếp xúc cử tri theo định kỳ tại nơi ứng cử, đại biểu HĐND tỉnh cần nghiên cứu mở rộng các hình thức tiếp xúc với cử tri như tiếp xúc ở nơi cư trú, nơi làm việc, tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, theo ngành nghề, theo giới...

Khi tiếp xúc cử tri, cần mời đại diện các cơ quan chức năng của tỉnh, của huyện và cơ sở có liên quan tham dự để trực tiếp lắng nghe ý kiến phản ảnh, kiến nghị và góp phần giải đáp thỏa đáng các ý kiến, kiến nghị của cử tri, không nên chỉ dừng lại việc tiếp thu, ghi nhận. Tại các điểm tiếp xúc cử tri, đại biểu HĐND tỉnh nên gặp gỡ cử tri với không khí cởi mở, dân chủ, dành thời gian để cử tri trao đổi, nêu ý kiến, kiến nghị với phương châm: “Nghe cử tri nói” và “Nói cho cử tri hiểu”.

Đặc biệt, Thường trực HĐND tỉnh cần quan tâm theo dõi việc giải quyết của UBND tỉnh, của các ngành chức năng đối với ý kiến, kiến nghị của cử tri. Nếu cơ quan chức năng giải quyết chưa thỏa đáng, thì Thường trực HĐND tỉnh đề nghị giải trình tại phiên họp giám sát kết quả giải quyết trước và sau các kỳ họp; trường hợp ý kiến của cử tri vẫn chưa được UBND tỉnh và các sở, ngành tỉnh giải quyết như đã hứa tại phiên họp giám sát thì đưa vào phiên giải trình, chất vấn tại Kỳ họp của HĐND tỉnh.

Có thể thấy những chỉ đạo sâu sát của Bí thư Tỉnh ủy thể hiện rõ quan điểm của Đảng ta, dân là gốc trong mọi hoạt động, tất cả đều lấy người dân làm trung tâm. là mục tiêu, là động lực cho mọi hoạt động. Bởi trong giai đoạn khó khăn hiện nay, việc huy động sức mạnh tổng hợp của mọi thành phần kinh tế trong nhân dân để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội là rất quan trọng.

Vì thế, mỗi cán bộ, đảng viên trong thực thi trọng trách của mình, cần nằm lòng quan điểm: Trọng dân, gần dân, lắng nghe dân nói và nói cho dân hiểu. Bởi khi người dân đã hiểu, đã thông, đã đồng lòng thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua đúng với tinh thần “ Ý Đảng, lòng dân”.

DUY SƠN

.
.
.