.

Lõi kinh tế dựa vào nông nghiệp

Cập nhật: 21:16, 03/02/2024 (GMT+7)

Khi bàn về vai trò nông nghiệp trong nền kinh tế, rất khó để tìm ra sự đồng thuận giữa các nhà lập chính sách cũng như các quốc gia trên thế giới do sản phẩm và lĩnh vực nông nghiệp có ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định của mỗi nước liên quan đến an ninh lương thực; khoảng cách giàu nghèo giữa đô thị và nông thôn; bảo vệ môi trường; ổn định xã hội và chính trị.

Sự phát triển của ngành nông nghiệp tạo ra cơ hội việc làm và tăng thu nhập người dân nông thôn. Ảnh: H.P
Sự phát triển của ngành nông nghiệp tạo ra cơ hội việc làm và tăng thu nhập người dân nông thôn. Ảnh: H.P

Tuy vậy, có điểm chung về xu thế chính sách nông nghiệp qua bốn giai đoạn cụ thể: Thúc đẩy sản xuất lương thực và thực phẩm vì mục tiêu an ninh lương thực sau Thế chiến thứ 2; gia nhập thị trường khi nguồn cung dư thừa do sản xuất được thúc đẩy; công nghiệp hóa nông nghiệp ở từng quốc gia để cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước; cuối cùng là xu thế phát triển bền vững do thử thách về thất bại thị trường (độc quyền, thông tin bất đối xứng, ngoại tác và sản phẩm công), cần can thiệp của nhà nước và bất cập về công nghiệp hóa tác động đến môi trường.

Lõi kinh tế dựa vào nông nghiệp là cách tiếp cận dựa vào vai trò của nông nghiệp và xu thế phát triển bền vững mà Việt Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần quan tâm bao gồm:

Kinh tế nông nghiệp dựa vào lợi thế so sánh về sản phẩm và hệ sinh thái nông nghiệp: Lợi thế so sánh của Việt Nam là có đến sáu vùng sinh thái nông nghiệp nên sản phẩm nông nghiệp rất đa dạng, trong đó có nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực có giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ đô la Mỹ như gạo, trà, cà phê, cao su, hạt điều, trái cây, lúa – gạo, cá, tôm,… Giá trị xuất khẩu hàng nông nghiệp và nông sản chế biến năm 2023 đạt gần 55 tỉ đô la Mỹ.

Lợi thế so sánh của Việt Nam là có đến sáu vùng sinh thái nông nghiệp nên sản phẩm nông nghiệp rất đa dạng.

Quan trọng hơn, sự phát triển của ngành nông nghiệp tạo ra cơ hội việc làm và tăng thu nhập người dân nông thôn, đặc biệt là người thuộc nhóm dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các vùng sinh thái khác nhau của cả nước.

Trong tương lai, tiếp cận theo hướng phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn dựa vào tính đa dạng của sản phẩm nông – lâm – ngư, khai thác sản phẩm nông nghiệp làm nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp chế biến, cộng với thúc đẩy liên kết và tương tác qua lại trong từng tiểu vùng và giữa tiểu vùng với nhau là cơ hội để Việt Nam tham gia vào xu thế chung của thế giới về sản phẩm nông nghiệp xanh, ít phát thải khí nhà kính…

Kinh tế nông nghiệp trong tương tác với công nghiệp và dịch vụ: Dựa vào tác động của nông nghiệp đến phát triển công nghiệp và dịch vụ, nhất là công nghiệp chế biến nông sản và dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp và phát triển dịch vụ du lịch.

Theo học thuyết đàn nhạn bay, quá trình phát triển này sẽ trải qua bốn bước: trước tiên là các sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu Việt Nam đi ra thị trường quốc tế; tiếp đến ngành công nghiệp thâm nhập vào để phục vụ cho ngành nông nghiệp, nhất là những lĩnh vực đã có thương hiệu được biết đến nhiều; từ đó tạo ra thêm nhiều sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng công nghiệp và công nghệ cao để tiếp tục vươn ra thị trường thế giới. Và sau cùng, khi thị trường xuất khẩu được nhân rộng thì sẽ càng thu hút được sự tham gia của công nghiệp một cách sâu và rộng hơn để nâng cấp chuỗi giá trị của sản phẩm nông nghiệp, cũng như tạo điều kiện để các ngành dịch vụ khác phát triển.

Nghị quyết số 19 của Trung ương Đảng đã đưa ra quan điểm và tầm nhìn chiến lược về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân thông minh. Tuy vậy, vấn đề khó khăn là làm sao để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển trên nền tảng những định hướng chiến lược kể trên để tạo ra thêm cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn, nhất là khi hiện vẫn còn tồn tại tình trạng canh tác manh mún với hơn 13 triệu mảnh ruộng của trên 10 triệu hộ nông dân.

Để giải quyết vấn đề này, cần tiến hành đồng bộ và lồng ghép các giải pháp và chính sách với nông nghiệp, gồm: i) Không gian phát triển lõi kinh tế nông nghiệp: thông qua quy hoạch không gian và tích hợp ngành để hình thành các chương trình và dự án cụ thể; ii) Chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải gắn liền với chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp; iii) Thiết kế chính sách cần tiếp cận: thị trường – thể chế/mô hình liên kết sản phẩm hoặc lĩnh vực nông nghiệp cụ thể để liên tỉnh thực hiện; iv) Nguồn lực thực hiện cần quan tâm đến sự tham gia bốn nhà (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông). Nên lấy chỉ số về cơ hội việc làm và tăng thu nhập của nông dân làm thước đo tác động chính sách về lõi kinh tế dựa vào nông nghiệp; tiếp cận cơ chế đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với các chương trình và dự án đầu tư của nhà nước cho nông nghiệp và nông thôn; lồng ghép các chính sách đất đai, lao động, tài chính, khoa học công nghệ vào các chương trình phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Cuối cùng là liên kết vùng và cơ chế hoạt động Hội đồng vùng phải giảm được sự chồng chéo và tăng tính liên kết về chính sách kết hợp với quyền ra quyết định đối với các chương trình và dự án, nguồn lực ưu tiên để thực hiên thành công cách tiếp cận lõi kinh tế dựa vào nông nghiệp như mô tả trên.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.