Thứ Ba, 09/01/2018, 16:33 (GMT+7)
.

Khi trẻ mắc bệnh thủy đậu, không nên chọc các nốt đậu bóng nước

Vừa qua, phòng khám nhi tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân là bé Trần Tấn S. (7 tuổi, nhà ở xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho), bị nổi nhiều nốt đậu bóng nước ở vùng vai, cổ. Bác sĩ khám và chẩn đoán bé S. bị bệnh thủy đậu.

Phụ huynh không nên chọc các nốt  đậu bóng nước khi trẻ mắc bệnh thủy đậu.
Phụ huynh không nên chọc các nốt đậu bóng nước khi trẻ mắc bệnh thủy đậu.

Theo bác sĩ khám và điều trị cho bé S., bệnh thủy đậu là một trong những bệnh nhiễm siêu vi. Đây là bệnh hiếm có thuốc điều trị đặc hiệu. Về chuyên môn, thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virut Varicella zoster gây ra. Bệnh thường nhẹ nhưng rất dễ lây. Sau một thời gian ủ bệnh khoảng 14 - 15 ngày, thì sẽ phát bệnh.

Dấu hiệu đầu tiên để nhận biết bệnh thủy đậu là nổi ban. Ban nổi không theo một trình tự nhất định mà có thể nổi nhiều ở da thân mình, da đầu, trong các kẽ chân tóc, với những nốt đỏ giống như ban sởi, vài giờ sau sẽ thành nốt đậu bóng nước.

Các nốt đậu bóng nước nổi rất nhanh và nổi làm nhiều đợt, cách nhau 2 - 3 ngày. Đến ngày thứ 4 - 6, các nốt đậu bóng nước đóng vẩy. Vẩy có màu nâu sẫm. Một tuần sau, vẩy bong và không để lại sẹo.

Mức độ nặng nhẹ của bệnh thủy đậu liên quan tới số lượng nốt đậu bóng nước. Nốt đậu bóng nước càng nhiều, thì bệnh càng nặng, vì phản ứng miễn dịch hoạt động ngoài tầm kiểm soát của cơ thể, gây ra những biến chứng nguy hiểm. Nếu được điều trị sớm trong vòng 24 giờ đầu tiên khi phát hiện các nốt đậu bóng nước bắt đầu nổi, thì bệnh sẽ mau khỏi và ít gây biến chứng.

Khi trẻ mắc bệnh thủy đậu, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế, để được khám bệnh sớm. Phụ huynh cũng cần chú ý đến việc chăm sóc trẻ mắc bệnh thủy đậu.

Đặc biệt là phụ huynh tuyệt đối không dùng bất cứ vật nhọn nào để chọc cho các nốt đậu bóng nước vỡ ra, kể cả kim vô khuẩn, vì rất dễ dẫn đến nhiễm trùng cơ hội. Tắm rửa cho trẻ hằng ngày bằng xà bông sát trùng, không tắm bằng nước lá cây và nước gốc rạ, vì sẽ làm các nốt đậu bóng nước bị nhiễm vi trùng, vi nấm, thuốc bảo vệ thực vật... Phụ huynh nên tuân thủ cho trẻ mắc bệnh thủy đậu uống thuốc theo toa bác sĩ.

Để phòng ngừa bệnh thủy đậu, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm ngừa thủy đậu, vaccine chống thủy đậu được áp dụng đối với các đối tượng như sau: Tất cả trẻ em từ 12 - 18 tháng tuổi, tiêm 1 lần. Trẻ em từ 19 tháng tuổi đến 13 tuổi chưa từng bị thủy đậu lần nào cũng tiêm 1 lần. Trẻ em trên 13 tuổi và người lớn chưa từng bị thủy đậu lần nào thì tiêm 2 lần, nhắc lại cách nhau từ 4 - 8 tuần.

BS NGUYỄN THÀNH ÚC

.
.
.