Thứ Sáu, 27/09/2019, 17:19 (GMT+7)
.

Phòng ngừa bệnh tay chân miệng lây lan trong trường học

Môi trường học đường rất dễ làm lây lan và bùng phát các bệnh truyền nhiễm nếu như nguồn lây không được kiểm soát tốt. Nguyên nhân là do học sinh tập trung với mật độ đông và tiếp xúc gần. Hiện nay, khi mà học sinh đã tập trung vào học ở các trường học đã hơn 1 tháng nên việc chủ động triển khai phòng tránh các bệnh truyền nhiễm, trong đó phòng ngừa bệnh tay chân miệng (TCM) lây lan trong trường học là việc làm vô cùng cần thiết.

Truyền thông phòng, chống bệnh TCM tại Trường Mầm non Tuổi Ngọc (TP. Mỹ Tho).
Truyền thông phòng, chống bệnh TCM tại Trường Mầm non Tuổi Ngọc (TP. Mỹ Tho).

BỆNH TCM TẬP TRUNG Ở TRẺ DƯỚI 5 TUỔI

TCM là bệnh truyền nhiễm do vi rút đường ruột gây ra, lây từ người sang người và dễ gây thành dịch. 2 nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackievirus A16 (CA 16) và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh TCM có biểu hiện là những tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí của cơ thể như lòng bàn tay, lòng bàn chân, miệng, đôi khi xuất hiện ở mông, gối…

Bệnh TCM lây truyền qua đường tiêu hóa, chủ yếu là từ nước uống, thức ăn, bàn tay của trẻ hoặc của người chăm sóc trẻ, các đồ dùng, đặc biệt là đồ chơi và vật dụng sinh hoạt hằng ngày như chén, đĩa, muỗng, ly… bị nhiễm vi rút; từ phân, dịch nốt phỏng, vết loét hoặc dịch tiết đường hô hấp, nước bọt.

Theo khuyến cáo của ngành Y tế, để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm lây lan và bùng phát thành dịch trong môi trường học đường, nhà trường và phụ huynh cần quan tâm đặc biệt đến việc chăm sóc sức khỏe cho con trẻ. Tại gia đình, phụ huynh theo dõi sức khỏe của con, khi phát hiện con có dấu hiện sức khỏe bất thường thì đưa ngay đến khám tại cơ sở y tế.

Trẻ em mắc các bệnh truyền nhiễm tuyệt đối phải được chăm sóc tốt và không cho trẻ đến trường trong thời gian yêu cầu cách ly của từng loại bệnh. Đối với trường học, giáo viên lưu ý sớm phát hiện trẻ mắc bệnh để cách ly kịp thời, tránh bệnh lây lan; thực hiện vệ sinh trường lớp thường xuyên. Riêng các lớp bậc học mầm non, giáo viên cần lưu ý vệ sinh đồ chơi và phòng học bằng các dung dịch sát khuẩn.
 

Thời điểm lây truyền của vi rút gây bệnh TCM là vài ngày trước khi phát bệnh, mạnh nhất trong tuần đầu của bệnh và có thể kéo dài vài tuần sau đó.

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo hay đến các nơi vui chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh TCM trong các đợt bệnh này bùng phát.

Một đứa trẻ có thể nhiễm các chủng huyết thanh vi rút khác nhau trong cùng một mùa, do đó có thể bị bệnh TCM nhiều lần. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm, xử lý kịp thời. Các trường hợp biến chứng nặng này thường do tuýp EV71 gây nên.

Bệnh TCM đang xuất hiện ở khắp cả nước, khiến nhiều trẻ mắc bệnh. Nếu bệnh nhân mắc bệnh TCM, nhất là bệnh nhân là trẻ em không được điều trị kịp thời, thì có thể dẫn đến tử vong. Tại Tiền Giang, đến ngày 15-9, toàn tỉnh ghi nhận 1.011 ca mắc TCM, tăng 11,3% so với cùng kỳ. Đối tượng mắc bệnh TCM trên địa bàn tỉnh chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi.

TRUYỀN THÔNG BỆNH TCM TRONG TRƯỜNG MẦM NON

Theo dự báo từ ngành Y tế, hiện nay là thời điểm thuận lợi khiến bệnh TCM bùng phát và diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại các trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn tỉnh. Do đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chủ động tổ chức truyền thông phòng, chống bệnh TCM cho giáo viên và phụ huynh các trường mầm non trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, ngày 23-9, tại Trường Mầm non Tuổi Ngọc (phường 5, TP. Mỹ Tho), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức buổi truyền thông nhằm cung cấp những thông tin cơ bản về bệnh TCM để giáo viên và các bậc phụ huynh chủ động phòng bệnh.

Theo bác sĩ Trương Văn Hà, thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh dễ lây lan và phát triển, trong đó có bệnh TCM. Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh TCM là sốt, tổn thương ở da như rát đỏ, nổi mục nước ở một số vị trí quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông… và làm cho trẻ khó chịu, dễ quấy khóc. Để hạn chế TCM lây lan, các giáo viên khi đón trẻ vào lớp nên quan sát kỹ nhằm nhận biết sớm và cách ly các trường hợp trẻ mắc bệnh TCM.

Bác sĩ Hà khuyến cáo, khi phát hiện trẻ mắc bệnh TCM, phụ huynh không nên cho trẻ đến lớp, tốt nhất là chờ đến khi trẻ hết hẳn bệnh, rồi hãy đưa đến lớp, nhằm tránh lây lan bệnh cho các trẻ khác. Để phòng bệnh, phụ huynh cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống; sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; đảm bảo chế độ dinh dưỡng để trẻ tăng sức đề kháng… Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh TCM cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.

Bên cạnh tuyên truyền đến các giáo viên, phụ huynh về sự lây lan nguy hiểm của bệnh TCM, thì các trường học, nhất là trường mầm non sẽ phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, ngành Y tế để hạn chế tối đa số trẻ mắc bệnh TCM, tạo môi trường học tập, vui chơi lành mạnh cho trẻ. 

THỦY HÀ - THANH HOÀNG

.
.
Liên kết hữu ích
.