Thứ Tư, 06/01/2021, 15:55 (GMT+7)
.

'Công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19 chưa có điểm kết thúc'

Từ nay đến Tết Nguyên đán 2021, các tỉnh, thành phố phải tổ chức đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trước mắt, lâu dài.

Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Công cuộc phòng chống đại dịch chưa có điểm kết thúc. Gần đây, sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 đòi hỏi ngành y tế và các lực lượng có liên quan phải có sự quyết tâm cao hơn nữa trong đại chiến cam go này, để bảo vệ cho nhân dân được hưởng một cái Tết bình an là mục tiêu trước mắt và lâu dài.

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra tại Hội nghị y tế toàn quốc nhằm đánh giá những kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm và định hướng phát triển của toàn ngành trong thời gian tới, do Bộ Y tế tổ chức ngày 6-1-2021, tại Hà Nội.

Đạt 2 chỉ tiêu chủ yếu

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định năm 2020 của mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn quân và toàn dân, công tác y tế đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Việt Nam là một điểm sáng trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong năm qua ngành y tế đã thực hiện đạt hai chỉ tiêu chủ yếu được Quốc hội và Chính phủ giao trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020: 28 giường bệnh trên vạn dân; 90,85% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Nhiều thành tựu y tế Việt Nam vẫn được giữ vững như Việt Nam cũng duy trì 14 năm liên tiếp đạt mức sinh thay thế, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuổi thọ trung bình đạt 73,7 tuổi, tăng 0,1 tuổi so với năm 2019.

Chương trình Sức khoẻ Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bước đầu triển khai có hiệu quả. Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2020, tầm vóc người dân được cải thiện, chiều cao trung bình của thanh niên nam đạt 168,1cm (tăng 3,7 cm so với năm 2009); nữ đạt 156,2cm (tăng 2,6cm so với năm 2009). Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi dưới 5 tuổi của Việt Nam là 19,6%, được coi là mức thấp theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế tiếp tục được cải thiện. Nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến được ứng dụng thành công như Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện ca đại phẫu tách hai bé gái dính liền phần bụng chậu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện liên tiếp 23 ca ghép tạng trong 13 ngày. Đề án khám chữa bệnh từ xa được ban hành, trong 45 ngày đã kết nối được 1.000 điểm khám chữa bệnh từ xa, đến nay con số này nâng lên hơn 1.500 cơ sở y tế trên cả nước. Năng lực mạng lưới y tế cơ sở được nâng lên do được đào tạo, chuyển giao kỹ thuật từ y tế tuyến trên...

Theo Bộ Y tế, năm 2020 cũng là năm cải cách hành chính mạnh mẽ như ứng dụng công nghệ thông tin trong dự phòng, khám, chữa bệnh. Bộ Y tế được xếp thứ 4 trong số các Bộ, ngành về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, là một trong hai Bộ đạt tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 100%.

"Thủ tướng chỉ đạo không để người dân mù mờ về giá cả. Vì thế, ngành y tế tiến hành nhanh, huy động tối đa lực lượng xây dựng, vận hành, khai trương Cổng công khai y tế. Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế công khai tất cả hoạt động liên quan đến ngành, từ mua sắm, giá cả dược phẩm, trang thiết bị, dịch vụ y tế. Qua đó, người dân có thể tự tra cứu trên mạng, trên thiết bị điện thoại thông minh,” Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng

Đến nay, Việt Nam cơ bản ngăn chặn và kiểm soát được dịch COVID-19, điều trị có hiệu quả các ca bệnh nặng, hiểm nghèo, được các tổ chức quốc tế và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Trong năm vừa qua, ngành y tế đã khống chế thành công một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm quay trở lại: bạch hầu khu vực Tây Nguyên, bệnh Whitmore ở miền Trung, bệnh sốt mò ở một số tỉnh miền Bắc, không để xảy ra dịch chồng dịch.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết năm 2020 Việt Nam là điểm sáng phòng chống COVID-19 thành công. Đạt được nhiều thành tựu trong khoa học công nghệ, Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên giải trình tự gene virus SARS-CoV-2, là 1 trong 5 quốc gia sản xuất được sinh phẩm chẩn đoán kháng thể, chủ động được sinh phẩm chẩn đoán kháng thể, chủ động được sinh phẩm chẩn đoán, sản xuất thành công máy thở đáp ứng nhu cầu điều trị phòng, chống dịch COVID-19. Việt Nam cũng là một trong ít quốc gia trong ASEAN thử nghiệm vắcxin COVID-19 trên người.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Ngoài Nano Covax đang được tiêm thử nghiệm lâm sàng, sắp tới, còn 2 loại vắcxin đi vào thử nghiệm lâm sàng. Ngày 21 - 22-1, vắcxin Covivac do Viện Vắcxin và Sinh phẩm y tế (IVAC) sản xuất sẽ được thử nghiệm lâm sàng trên người. Theo kế hoạch, IVAC phối hợp Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE), Đại học Y Hà Nội, thử nghiệm lâm sàng vắcxin này. Tháng Ba, Việt Nam sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng loại vắcxin phòng COVID-19 thứ 3.

Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá có được những kết quả trên là nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa các Bộ, ban ngành dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia. Bên cạnh đó, lực lượng quân đội đã tham gia ngay từ phút đầu tiên trong việc ngăn chặn, cách ly từ Tết Canh Tý đến nay. Gần 10.000 chiến sỹ cắm chốt, có chiến sỹ 6 tháng chưa được về nhà… Sự tham gia của nhiều lực lượng trong truy vết, cách ly, phong tỏa… và nhiều các bộ ngành đã làm nên chiến thắng trong cuộc chiến này.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay công cuộc phòng chống đại dịch chưa có điểm kết thúc; sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao hơn nữa trong đại chiến cam go này, để bảo vệ cho nhân dân được hưởng một cái Tết bình an là mục tiêu trước mắt và lâu dài. Do đó, từ nay đến Tết Nguyên đán 2021, các tỉnh, thành phố phải tổ chức đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trước mắt, lâu dài.

Theo ông Long, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành y tế vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập là chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và khả năng tiếp cận dịch vụ y tế còn sự chênh lệch khá lớn giữa các tuyến và giữa các vùng, miền. Dịch bệnh COVID-19 luôn có nguy cơ bùng phát; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao ở hầu hết các vùng miền; Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế một số nơi thiếu, chưa đạt tiêu chuẩn; Phân bổ nhân lực y tế chưa hợp lý giữa các vùng, các tuyến; Chi phí khám, chữa bệnh ngày càng tăng nhưng mức đóng bảo hiểm y tế chưa được điều chỉnh...

Vì vậy, năm 2021, ngành y tế sẽ tiếp tục tập trung nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng để ứng phó với các tình huống khẩn cấp và sự cố y tế công cộng, bảo đảm an ninh y tế, an toàn thực phẩm; Tăng cường và đổi mới mạnh mẽ y tế cơ sở trong tình hình mới hướng tới thực hiện bao phủ sức khỏe toàn dân.

Trong công tác khám chữa bệnh, ngành y tế sẽ nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh phục vụ người dân hướng tới sự hài lòng của người bệnh; Triển khai quyết liệt chuyển đổi số ngành y tế; Ứng dụng khoa học công nghệ; Tăng cường công tác quản lý dược, thực phẩm, trang thiết bị y tế; Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về công tác dân số trong tình hình mới...

(Theo https://www.vietnamplus.vn/cong-cuoc-phong-chong-dai-dich-covid-19-chua-co-diem-ket-thuc/688135.vnp)

.
.
.