Thứ Hai, 21/06/2021, 10:58 (GMT+7)
.

Hướng dẫn tạm thời xử lý các trường hợp tiếp xúc F3, phòng chống dịch Covid-19

(ABO) Ngày 20-6-2021, Sở Y tế Tiền Giang ban hành hướng dẫn tạm thời xử lý các trường hợp tiếp xúc F3, phòng chống dịch Covid-19. Báo Ấp Bắc giới thiệu nội dung hướng dẫn này.

1. Các khái niệm và thuật ngữ sử dụng trong phòng chống dịch

a) Ca bệnh nghi ngờ (hay ca nghi nhiễm, người nghi nhiễm)

- Là người có ít nhất một trong các triệu chứng như: mệt mỏi; đau người, gai người ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác, khứu giác; sốt, ho, đau họng, khó thở hoặc viêm phổi kèm theo yếu tố dịch tễ sau:

+ Từng đến/qua/ở/về từ các quốc gia có ghi nhận ca mắc Covid-19 trong vòng 14 ngày kể từ khi nhập cảnh.

+ Từng đến/ở/về từ nơi có ổ dịch đang hoạt động tại Việt Nam trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh.

+ Có tiếp xúc gần với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ khác trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh.

- Người có test nhanh kháng nguyên dương tính với SARS-CoV-2.

- Người đang cách ly tập trung (F1) mà có các triệu chứng mệt mỏi; đau người, gai người ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác, khứu giác; sốt, ho, đau họng, khó thở hoặc viêm phổi.

b) Ca bệnh xác định (ca dương tính, người nhiễm, người mắc bệnh) là ca bệnh nghi ngờ hoặc bất cứ người nào có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 được thực hiện bởi các cơ sở xét nghiệm do Bộ Y tế cho phép khẳng định.

c) Chùm ca bệnh là tập hợp nhiều người mắc bệnh.

d) Người tiếp xúc gần là người có tiếp xúc trong vòng 2 mét với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát bệnh cho đến khi họ được cách ly y tế. Nếu người bệnh hoặc nghi ngờ không có triệu chứng, thì ngày khởi phát được tính là ngày lấy mẫu bệnh phẩm có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Người tiếp xúc gần bao gồm:

- Người sống trong cùng hộ gia đình, cùng nhà, cùng phòng.

- Người trực tiếp chăm sóc, đến thăm hoặc người điều trị cùng phòng với ca bệnh xác định.

- Người cùng nhóm làm việc hoặc cùng phòng làm việc.

- Người cùng nhóm có tiếp xúc với ca bệnh: nhóm du lịch, công tác, vui chơi, buổi liên hoan, cuộc họp, lớp học, cùng nhóm sinh hoạt tôn giáo, cùng nhóm sinh hoạt các câu lạc bộ...

- Người ngồi cùng hàng và trước sau hai hàng ghế trên cùng một phương tiện giao thông (tàu, xe ô tô, máy bay, tàu thủy...). Trong một số trường hợp cụ thể, tùy theo kết quả điều tra dịch tễ, cơ quan y tế sẽ quyết định việc mở rộng danh sách người tiếp xúc gần đối với hành khách đi cùng một phương tiện giao thông.

e) Ổ dịch

- Ổ dịch: một nơi (thôn, xóm, đội/tổ dân phố/ấp/khóm/đơn vị...) ghi nhận từ 01 ca bệnh xác định trở lên.

- Ổ dịch chấm dứt hoạt động: khi không ghi nhận ca bệnh xác định mắc mới trong vòng 28 ngày, kể từ ngày ca bệnh xác định gần nhất được cách ly y tế.

e) Chuỗi lây nhiễm là đường lan truyền dịch bệnh và mối liên hệ nhân quả giữa ổ dịch với nhau.

g) Các thuật ngữ khác:

(1) F0: Ca bệnh xác định hay người nhiễm bệnh.

(2) Fl: Người tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần với F0 hoặc người nghi nhiễm.

(3) F2:Người tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần với F1.

(4) F3:Người tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần với F2.

(5) F4:Người tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần với F3.

(6) F5: Người tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần với F4.

2. Hướng dẫn xử lý tạm thời các trường hợp

a) Ngay khi xác định có trường hợp F0, F1:

- Địa phương phối hợp chuyển người mắc bệnh đến Bệnh viện dã chiến.

- Địa phương chuyển người nghi nhiễm đến cơ sở cách ly tập trung và tiến hành lấy mẫu để xét nghiệm khẳng định (Realtime RT-PCR).

- Ban Chỉ đạo cấp xã tiến hành truy vết khẩn cấp, lập danh sách và chuyển F1 vào ngay cơ sở cách ly tập trung và tiến hành lấy mẫu để xét nghiệm khẳng định (Realtime RT-PCR).

- Ban Chỉ đạo cấp xã tiến hành truy vết khẩn cấp, lập danh sách F2, quyết định cho cách ly tại nhà 21 ngày và phải theo dõi, giám sát F2 một cách chặt chẽ, không để các F2 rời khỏi nhà. Các thành viên trong nhà không tiếp xúc với nhau, nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì mang khẩu trang, khử khuẩn tay trước và sau mỗi lần tiếp xúc. Trạm Y tế cử cán bộ đến nhà để theo dõi sức khỏe hàng ngày hoặc trong ngày đầu tiên (nếu F2 quá nhiều) và hướng dẫn họ tự theo dõi sức khỏe, báo cáo trạm y tế bằng điện thoại mỗi ngày.

- Ban Chỉ đạo cấp xã: Lập danh sách F3 và hướng dẫn cách ly, tự theo dõi sức khỏe tại nhà, chờ kết quả xét nghiệm F1 và phải theo dõi, giám sát họ một cách chặt chẽ, không để các F3 tự tiện đi lại.

- Người  F3: Tự cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà, kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với F2; theo dõi sức khỏe và báo cáo Trạm Y tế xã ngày 01 lần bằng điện thoại. Khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở... thì điện thoại ngay cho Trạm Y tế xã.

b) Khi có kết quả lần đầu xét nghiệm PCR của F1 dương tính

Chuyển F3 thành F2 và xử lý như F2. Chuyển F4 thành F3 và xử lý như F3.

c) Khi có kết quả xét nghiệm PCR của F1 âm tính (lần đầu)

- Khuyến cáo F3 tiếp tục ở tại nhà, tự theo dõi sức khỏe tại nhà đủ 21 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với F2. Thời gian này, công nhân, cán bộ, công chức, viên chức,… (tạm gọi là người làm việc) được khuyến cáo làm việc tại nhà thông qua các phương tiện công nghệ thông tin.

- Trường hợp F3 có công việc hết sức cần thiết phải ra khỏi nhà đi làm việc trong ngày, thì người làm việc phải làm test nhanh kháng nguyên hàng tuần trong 3 tuần liên tục:

+ Nếu test nhanh kháng nguyên âm tính: được đi làm nhưng phải tuân thủ đúng 5 K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế), hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người khác.

Đối với người làm việc là F3 làm việc trong các công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh (gọi chung là doanh nghiệp) trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp thì lãnh đạo doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch tại doanh nghiệp thông qua các giải pháp 5k, thực hiện test nhanh kháng nguyên cho 20% đối tượng có nguy cơ (bao gồm các F3, những người đi/đến từ vùng dịch…) hàng tuần; khuyến cáo người làm việc hạn chế tiếp xúc với người khác và theo dõi sức khỏe người làm việc, báo cáo kết quả test nhanh kháng nguyên hàng tuần cho Trung tâm Y tế địa phương (nếu trong cụm công nghiệp), hoặc cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Ban Quản lý các khu công nghiệp (nếu trong khu công nghiệp).

+ Nếu test nhanh kháng nguyên dương tính: là người nghi nhiễm, phải xử lý như đã hướng dẫn phần trên.

d) Người đi/về từ vùng dịch (không phải F1, F2, F3)

- Các trường hợp đi/về từ vùng đang có dịch (ngoài tỉnh và trong tỉnh)

+ Trong vùng bị phong tỏa: nguyên tắc chung là không được ra vào vùng này (trừ lực lượng chức năng đã có trang bị phòng hộ theo quy định), nên người cố tình vào hoặc khỏi trốn phong tỏa sẽ bị lực lượng chức năng giữ lại; lực lượng chức năng liên hệ ngay cơ quan y tế địa phương để thực hiện test nhanh kháng nguyên. Nếu dương tính, là người nghi nhiễm, xử lý như đã hướng dẫn phần trên; nếu âm tính, yêu cầu cách ly tại nhà 21 ngày.

+ Ngoài vùng phong tỏa: Người từ vùng đang có dịch đến, về địa phương nếu cư trú (qua đêm hoặc ở lại nhiều ngày) phải cách ly tại nhà 21 ngày; nếu đến, về trong ngày thì không cách ly tại nhà nhưng phải thực hiện 5k, nhất là khai báo y tế bắt buộc hàng ngày và hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người khác khi không cần thiết.

Người làm việc trong các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước thì xử lý như trường hợp F3 (đã hướng dẫn phần trên).

Chú ý:

- Bên cạnh F2, F3 và người đến từ vùng dịch phải cách ly, tự theo dõi sức khỏe tại nhà như đã hướng dẫn phần trên, những người đã hoàn thành cách ly tập trung phải tiếp tục tự cách ly tại nhà ít nhất 7 ngày, ngày thứ 7 lấy mẫu xét nghiệm PCR, nếu âm tính thì không cách ly tại nhà nữa.

- Tất cả các trường hợp liên quan đến vùng dịch, khi có có biểu hiện sốt, ho, khó thở... phải điện thoại báo ngay cho Trạm Y tế xã, hoặc cơ sở y tế gần nhất, không được tự ý đến các cơ sở y tế khám bệnh hoặc để khai báo.

3. Tổ chức thực hiện

Căn cứ Hướng dẫn tạm thời nêu trên, Trung tâm Y tế tuyến huyện nghiên cứu tham mưu áp dụng tại địa phương mình.

Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp huyện có thể xem xét, quy định và áp dụng thêm một số biện pháp xử lý, cách ly nghiêm ngặt hơn hướng dẫn tạm thời này và chịu trách nhiệm về biện pháp do địa phương quyết định.

Trong khi chờ Bộ Y tế có hướng dẫn chính thức, hướng dẫn này tạm thời áp dụng trên địa bàn tỉnh để đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch trong bối cảnh dịch đang lây lan trong cộng đồng, khó kiểm soát nguồn lây nhiễm. Vì vậy, quá trình thực hiện sẽ phát sinh những khó khăn, vướng mắc vì không thể đáp ứng được tất cả các yêu cầu và quyền lợi của các cơ quan, công sở, doanh nghiệp và người dân. Hướng dẫn này có hiệu lực thực hiện kể từ ngày ký ban hành đến khi có quy định mới. Quá trình thực hiện, có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Y tế để được hướng dẫn, giải quyết.

.
.
.