Thứ Năm, 08/07/2021, 15:27 (GMT+7)
.

Tuyệt đối không để mất dấu F0

(ABO) Ngày 7-7, Tổ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid 19 Bộ Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang (CDC) tổ chức tập huấn trực tuyến hướng dẫn thực hành truy vết nguồn tiếp xúc với người có xét nghiệm dương tính với SARS- CoV- 2 theo Quyết định của Bộ Y tế.

Quang cảnh tập huấn tại điểm cầu chính.
Quang cảnh tập huấn tại điểm cầu chính.

Buổi tập huấn được tổ chức trực tuyến với 160 điểm cầu tại 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Điểm cầu chính tại CDC do bác sĩ Trương Công Hiếu, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh thuộc Tổ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế hướng dẫn.

Bác sĩ Trương Công Hiếu của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ một số kinh nghiệm trong huy động lực lượng đoàn thể, cán bộ y tế tham gia truy vết, chủ yếu là nâng cao hiệu quả truy vết F0. Theo đó, nhiều tình huống đặt ra tại các điểm cầu để trao đổi kinh nghiệm và hướng dẫn thực hành trong việc truy vết, tiếp xúc khu vực dân cư nơi có ca F0 với các giả thiết biết được nguồn lây, không biết nguồn lây, người có triệu chứng, người không có triệu chứng để đánh giá mối liên quan dịch tễ, di chuyển.

Qua đó, truy vết dựa theo 7 nguyên tắc, đó là: Càng sớm càng tốt, ngay khi có tin. “Mốc dịch tễ” trước “Người” sau. Dùng đồng thời nhiều lực lượng. Dùng nhiều biện pháp truy vết. Hoàn thành truy vết F1 trong thời gian sớm nhất, truy vết F2 sau khi cơ bản hoàn thành F1. Truy vết F1 từ 3 ngày trước ngày khởi phát đến ngày cách ly bệnh nhân. Người tham gia phải phòng tránh lây nhiễm.

Tiến sĩ Hoàng Thị Quỳnh Diệu, phát biểu khai mạc tập huấn trực tuyến.
Tiến sĩ Hoàng Thị Quỳnh Diệu, phát biểu khai mạc tập huấn trực tuyến.

Thông qua tập huấn truy vết trực tuyến chuyển giao kinh nghiệm cho lực lượng truy vết F0, F1 với 160 điểm cầu, tiến sĩ Hoàng Thị Quỳnh Diệu, Phó Giám đốc CDC cho rằng: Với diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Tiền Giang hiện nay, công tác truy vết F0 là một trong những biện pháp quan trọng, nhanh chóng khoanh vùng nguồn lây, dập dịch thành công thì phải đủ cán bộ chuyên làm nhiệm vụ truy vết và phải có kỹ năng.

F0 có triệu chứng: Trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát bệnh cho đến khi được cách ly y tế. Khởi phát của ca bệnh được tính là ngày có triệu chứng bất thường về sức khỏe đầu tiên xuất hiện mà bệnh nhân cảm nhận được, có thể là: mệt mỏi; đau người, gai người ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác, khứu giác; sốt; ho; đau họng...

F0 không có triệu chứng: F0 biết nguồn lây: Thời gian từ khi F0 tiếp xúc lần đầu với nguồn lây đến khi được cách ly y tế.

F0 chưa xác định nguồn lây: Thời gian từ trước khi xét nghiệm dương tính 14 ngày đến khi được cách ly y tế.

Do đó, việc giám sát, điều tra, truy vết, khoanh vùng cần tuyệt đối không để mất dấu F0. Vì đây là nguồn lây có nguy cơ lớn và trực tiếp lây lan trong cộng đồng, nên phải tăng cường nhân lực tuy vết đáp ứng kịp thời ngăn chặn dịch lây lan.

THANH HOÀNG

.
.
.