Thứ Bảy, 08/01/2022, 19:48 (GMT+7)
.

Chấp nhận Covid-19, coi Covid như cúm mùa, được không?

(ABO) Hiện nay, chúng ta đang tháo dỡ cách ly, mở cửa toàn xã hội, đưa cuộc sống người dân về trạng thái bình thường mới, đồng nghĩa với việc chấp nhận Covid-19 luôn tồn tại và có thể bùng phát ở một số khu vực vào những thời điểm nhất định, nhưng không làm tăng quá mức số lượng bệnh nhân nặng phải nhập viện và giảm tỷ lệ tử vong. Vậy chúng ta coi Covid-19 như cúm mùa được không?

Đây là câu hỏi mà các chuyên gia đã cố gắng tìm câu trả lời từ khi đại dịch bước vào năm thứ ba, 2022.

Hàng triệu người trên toàn cầu đang hy vọng rằng, việc phát triển vắc xin Covid-19 thành công có thể tiêu diệt bệnh Covid-19, loại trừ chúng ra khỏi cuộc sống của chúng ta trong vòng 1 năm. Nhưng suốt 2 năm qua, các nhà khoa học và các Chính phủ trên thế giới đã áp dụng mọi biện pháp ngăn chặn, từ cực đoan nhất cho tới buông lỏng nhất, dịch Covid-19 vẫn tồn tại và luôn biến đổi chống lại mọi giải pháp của con người. Giờ đây, đã đến lúc các chuyên gia cảnh báo rằng virus có thể ở bên chúng ta mãi mãi - nhưng nó không phải lúc nào cũng là một bệnh dịch chết người.

Tiến sĩ John Brownstein, Giám đốc đổi mới tại Bệnh viện Nhi Boston giải thích : “Loại Covid-19 này sẽ ở lại đây. Việc tiêu diệt loại coronavirus mới này về cơ bản là không thể".

Tiến sĩ Paul Offit, Giám đốc Trung tâm Giáo dục vắc xin và giáo sư nhi khoa tại Khoa Truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia, đồng tình và nói thêm rằng, ông cũng "không chắc chúng ta sẽ thực sự loại bỏ được loại virus này...  Nó không giống như bệnh sởi, nơi bạn có được khả năng miễn dịch khử trùng suốt đời. Nhưng ngay cả khi virus tồn tại xung quanh, vắc xin mới và thuốc mới để chống lại virus có nghĩa là nó không có khả năng gây bệnh nặng trong tương lai. Offit dự đoán rằng" "Cuối cùng, nó sẽ gây ra ít ca tử vong hơn so với bệnh cúm".

Theo các chuyên gia, Covid-19 có thể trở thành một căn bệnh theo mùa, giống như bệnh cúm. Các nhà virus học gọi đây là một căn bệnh "đặc hữu" - một căn bệnh thường xuyên lưu hành trong chúng ta. Trong những năm và nhiều thập kỷ tới, nhiều người sẽ tiếp xúc với nó khi còn nhỏ và phát triển một số khả năng miễn dịch, điều này sẽ bảo vệ họ sau này chống lại bệnh hiểm nghèo.

Tuy nhiên, dù biết rằng chúng ta phải chung sống suốt đời với Covid-19 như tình trạng một cặp vợ chồng “đồng sàng dị mộng”, chúng ta cũng không thể lơ là mất cảnh giác, mà phải càng áp dụng nhiều biện pháp càng tốt, chẳng hạn vừa tiêm chủng, vừa thực hiện nguyên tắc 5K, không tập trung nơi đông người...

Tuy nhiên, nếu áp dụng quá nhiều biện pháp, xã hội sẽ bị đông cứng, các chuỗi cung ứng, chuỗi sinh hoạt xã hội đứt gãy. Khi nới lỏng giãn cách, tỷ lệ mắc bệnh sẽ tăng, nếu siết trở lại ca nhiễm sẽ giảm nhưng ảnh hưởng xã hội sâu sắc.

Stephen S. Morse, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Columbia, nói: "Ngay từ sớm, khi virus phân bố hạn chế hơn nhiều, chỉ ở một quốc gia, có lẽ đã có thể ngăn chặn đại dịch ... nếu thế giới hành động sớm hơn một cách có phối hợp”. Morse nói thêm: “Chúng tôi bác bỏ các coronavirus ở người như một bệnh 'cảm lạnh thông thường' hoặc 'bệnh giống cúm'. Nhưng chúng đã ở với chúng ta một thời gian đủ dài và phát triển thành coronavirus đặc hữu. "Cúm" đặc hữu cũng là một đại dịch theo nghĩa là nó càn quét toàn cầu hằng năm”.

Tuy nhiên, bà nói tiếp, những đợt tái phát do virus có thể sẽ không nghiêm trọng như lần đầu tiên.

Các chuyên gia khuyến cáo người dân nâng cao ý thức và tuân thủ quy tắc phòng, chống dịch. Trong trạng thái bình thường mới, mọi người có thể đi lại, sinh hoạt nhưng phải đảm bảo nguyên tắc 5K. Các cơ quan, tổ chức, nhà máy, xí nghiệp... triển khai phương án phòng, chống dịch nhằm đảm bảo sản xuất, làm việc an toàn, không để dịch bùng phát. Những người vì lý do sức khỏe chưa được tiêm vắc xin hoặc những người tuổi cao, có bệnh nền... nên hạn chế đi lại, hạn chế tiếp xúc, đặc biệt là những nơi đông người.

Mấy ngày qua, Chính phủ đưa ra các giải pháp trong công tác phòng, chống dịch gồm: Xã hội hóa nguồn lực phòng, chống dịch, vắc xin, thuốc điều trị Covid-19, tập trung bao phủ vắc xin từ nay đến hết quý 1-2022 phải tiêm đủ 3 mũi cho người thuộc diện tiêm chủng; chủ động sản xuất, nhập khẩu thuốc đặc hiệu và đề cao ý thức nhân dân.

Bước sang năm mới 2022, với những giải pháp sống chung với Covid-19, chúng ta hy vọng rằng Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu như cúm mùa, nó sẽ không trở thành sát thủ kinh hoàng như các đợt dịch trong năm qua. Chúng ta vừa sống chung với Covid-19, vừa cảnh giác bằng các biện pháp hiệu quả như vắc xin, khẩu trang và thuốc điều trị.

BS. NGUYỄN THÀNH ÚC


 

.
.
.