Thứ Ba, 14/06/2022, 20:08 (GMT+7)
.
BSCK2 VÕ THANH NHƠN, PHÓ GIÁM ĐỐC CDC TIỀN GIANG:

Tiền Giang đang triển khai tiêm vắc xin Covid-19 nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho nhóm đối tượng ưu tiên

(ABO) Theo Bộ Y tế, vắc xin phòng Covid-19 chính là "chìa khóa" quan trọng nhất trong phòng, chống dịch và là nền tảng để thích ứng an toàn, hiệu quả. Bác sĩ chuyên khoa 2 (BSCK2) Võ Thanh Nhơn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tiền Giang đã có những trao đổi xoay quanh vấn đề tổ chức tiêm chủng cho trẻ em và tiêm nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh.

BSCKII Võ Thanh Nhơn, Phó Giám đốc CDC Tiền Giang
BSCK2 Võ Thanh Nhơn, Phó Giám đốc CDC Tiền Giang

* Phóng viên (PV): Xin bác sĩ cho biết, tình hình tiếp nhận và tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến thời điểm này?

* BSCK2 Võ Thanh Nhơn: Đến thời điểm này, Tiền Giang đã được Bộ Y tế phân bổ 4.055.170 liều vắc xin phòng Covid-19 các loại và tỉnh đã thực hiện được 4.177.923 mũi tiêm. Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên của Tiền Giang đã tiêm đủ liều cơ bản là trên 109,6%. Tỷ lệ trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi đã tiêm mũi 1 là 103,4% và tiêm đủ 2 mũi là 100,1%. Tỷ lệ trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi toàn tỉnh đã được tiêm mũi 1 chiếm trên 51,6% và mũi 2 là 0,4%. Toàn tỉnh đã có trên 81% người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại (mũi 3). Hiện tỉnh đang triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho nhóm đối tượng ưu tiên.

* PV: Vì sao cần tiêm vắc xin phòng Covid-19 nhắc lại lần 2 (mũi 4), thưa bác sĩ?

* BSCK2 Võ Thanh Nhơn: Giống như nhiều loại vắc xin khác, những người đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 đầy đủ và đúng hạn sẽ được bảo vệ tốt nhất. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của biến thể Omicron và sự giảm dần khả năng bảo vệ sau tiêm vắc xin theo thời gian (đặc biệt là đối với một số nhóm đối tượng nguy cơ). Do đó, nhằm tăng cường miễn dịch phòng bệnh Covid-19 cho những người đã được tiêm chủng, Bộ Y tế đã chỉ đạo về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho người dân.

Tiêm chủng là biện phát hiệu quả nhất bảo vệ trẻ em.
Tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất bảo vệ trẻ em.

* PV: Bác sĩ cho biết đối tượng nào được tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 4?

* BSCK2 Võ Thanh Nhơn: Ngày 9-5-2022, Bộ Y tế đã có Văn bản 2357/BYT-DP chỉ đạo về việc triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) như sau:

Đối tượng tiêm là người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covdi-19 gồm cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân các khu công nghiệp.

Vắc xin sử dụng là vắc xin mRNA (của hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất), vắc xin do Astra Zeneca sản xuất, vắc xin cùng loại với mũi 3; khoảng cách ít nhất là 4 tháng sau mũi 3. Người đã mắc Covid-19 sau tiêm mũi 3 sẽ hoãn tiêm mũi trong thời gian ba tháng sau khi mắc Covid-19.

* PV: Vào ngày 20-4, Tiền Giang đã bắt đầu chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn. Đến nay, kết quả thực hiện việc tiêm chủng cho nhóm đối tượng này có dấu hiệu chậm hơn so với tiến độ mong muốn, đâu là nguyên nhân, thưa bác sĩ?

* BSCK2 Võ Thanh Nhơn: Đã có hơn 89 ngàn trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi toàn tỉnh đã được tiêm mũi 1 vắc xin phòng Covid-19, chiếm trên 51,6% tổng số trẻ trong độ tuổi. Trong đó 3 huyện có tỷ lệ tiêm vắc xin cho nhóm tuổi này cao nhất là Tân Phước 66,7%, Gò Công Đông 65,6% và Cai Lậy 63%; huyện Cái Bè có tỷ lệ thấp nhất với 36,6%. Đã có 678 trẻ được tiêm mũi 2, chiếm tỷ lệ 0,4%.

Tiến độ tiêm vắc xin cho nhóm đối tượng này có chậm so với yêu cầu. Một phần là do có khoảng 30 ngàn trẻ là F0 dưới 3 tháng; khoảng 11% trẻ phụ huynh không đồng ý tiêm vì tình hình dịch bệnh hiện nay đã ổn và phụ huynh có sự lo lắng về phản ứng sau tiêm vắc xin đối với trẻ.

* PV: Bác sĩ có chia sẻ gì về những điều lo lắng trên của phụ huynh?

* BSCK2 Võ Thanh Nhơn: Trong các thử nghiệm trước khi FDA phê duyệt và sau khi đưa vào sử dụng cho thấy, hầu hết các tác dụng phụ là nhẹ đến trung bình và không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào liên quan đến tiêm chủng được báo cáo, không có sự kiện nghiêm trọng liên quan đến tiêm chủng được ghi nhận. Phản ứng toàn thân trong 7 ngày sau khi tiêm chủng chiếm 86,2%, đại đa số là nhẹ đến trung bình.

Các phản ứng thường ít xảy ra hơn ở trẻ từ 5 - 11 tuổi so với những người từ 16 - 25 tuổi. Các phản ứng sau liều thứ hai nhiều hơn sau liều đầu tiên, khởi phát trung bình từ 1 - 2 ngày sau khi tiêm chủng và hết trung bình sau 1 - 2 ngày.

Viêm cơ tim là một tác dụng ngoại ý hiếm gặp và nghiêm trọng có liên quan đến vắc xin Covid-19 dựa trên mRNA; tỷ lệ báo cáo về viêm cơ tim do vắc xin xuất hiện cao nhất ở nam giới từ 12 - 29 tuổi. Đến nay, hiếm gặp viêm cơ tim ở trẻ từ 5 - 11 tuổi và diễn biến lâm sàng nhẹ.

Từ đánh giá trên cho bằng chứng chắc chắn về lợi ích của việc tiêm chủng ở trẻ từ 5 - 11 tuổi đối với việc phòng ngừa triệu chứng Covid-19 đã được xác nhận. Trong đó, giảm 91% khả năng mắc Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) khi tiêm đủ 2 liều vắc xin. Như vậy, tiêm phòng là biện pháp quan trọng để bảo vệ trẻ em chống lại Covid-19 và giảm sự lây truyền SARS-CoV-2 trong cộng đồng.

Hiện nay, dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cũng như trong cả nước đã cơ bản ổn với số ca mắc thấp và ca chuyển nặng, tử vong ít. Đây là hiệu quả của việc bảo vệ bằng vắc xin. Tuy nhiên, dịch ổn chứ không phải đã hết, dịch Covid-19 có thể quay trở lại bất cứ lúc nào, trong trường hợp đó thì vắc xin là liệu pháp bảo vệ, phòng ngừa dịch bệnh hữu hiệu nhất.

* PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

THỦY HÀ (thực hiện)

 

.
.
.