Thứ Năm, 09/06/2022, 08:27 (GMT+7)
.

Quấn quá kỹ và kiêng tắm, bé mới sinh bị viêm da nặng

(ABO) Chị Vương Cẩm L., 29 tuổi, nhà ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang mới sinh được một bé trai nặng 3 kg, về nhà được 11 ngày thì thấy bé sốt, bỏ bú, quấy khóc nên đưa đi bệnh viện. Lúc bác sĩ khám thấy bé được mẹ quấn tới ba lớp gồm áo vải, áo len và một chiếc khăn tắm. Khi mở khăn áo để khám, bất ngờ mẹ thấy lưng của bé có nhiều mụn mủ màu vàng đục.

Trong thời gian làm thủ tục nhập cấp cứu, bác sĩ hỏi mẹ về cách chăm sóc bé trong những ngày qua. Mẹ kể bác sĩ nghe là sợ bé bị lạnh nên mặc nhiều áo cho ấm, cả tuần chỉ lau mình sơ sơ ở vùng bẹn, mà không dám tắm cho bé. Bác sĩ giải thích cho chị L.: “Chị chăm sóc cho bé kỹ lưỡng là tốt, nhưng lúc này là mùa nóng, bé ra nhiều mồ hôi, lại bị quấn kín quá, mồ hôi không thoát ra được, lỗ chân lông bị bít tắc, làm tổn thương da rồi bội nhiễm vi trùng”.

Về chuyên môn, da của trẻ sơ sinh rất mỏng manh, chỉ mỏng bằng 1⁄5 so với người lớn và có thể nhìn thấy các mạch máu nằm dưới da bé. Với làn da mỏng manh, cấu trúc da chưa ổn định, da bé rất dễ bị tổn thương bởi các yếu tố từ môi trường bên ngoài, dễ bị nhiễm trùng. Vì vậy khi chăm sóc da cho bé, người chăm sóc nhớ cho bé mặc quần áo bằng các loại vải mềm; không quấn quá chặt, tránh cọ xát, kể cả cọ xát nhẹ trên da bé vì có thể gây tổn thương làn da của trẻ.

Có nên tắm thường xuyên cho bé không? 

Ngay sau khi sinh, da bé được bao phủ bởi một lớp sáp mỏng, đó là một chất sáp trên da bảo vệ em bé khỏi vi trùng trong môi trường. Lớp sáp này nhìn có vẻ không sạch, nhưng nó thật sự rất bình thường. Đây là một điều hoàn toàn tự nhiên, chất sáp có thể che toàn bộ cơ thể bé hoặc chỉ xuất hiện ở các nếp gấp trên cơ thể.

Lớp sáp này sẽ tạo một “mùi trẻ sơ sinh” độc nhất mà ai cũng yêu thích. Thành phần chủ yếu của lớp sáp là nước (chiếm khoảng 80%), phần còn lại là chất béo và protein. Ngoài ra, nó còn chứa các chất miễn dịch, giúp bé chống lại nhiễm trùng. Lớp sáp giúp ngăn ngừa mất nước và giữ ẩm cho da, giúp da bé trở nên mịn màng hơn. Tại bệnh viện, nhân viên bệnh viện sẽ làm sạch nước ối, máu, phân xu sau khi em bé sinh ra, nhưng các nhân viên luôn để lại lớp sáp vì rất có lợi cho bé.

Lần tắm đầu tiên trong đời, người nhà nên đợi khoảng 24 - 48 giờ rồi hãy tắm cho bé. Trong những tháng đầu tiên người nhà nên tắm bé 3 lần mỗi tuần, nếu tắm thường xuyên mỗi ngày có thể làm da bé bị khô. Khi nào rốn rụng thì mới tắm có ngâm nước toàn thân cho bé. Lúc đầu chỉ nên lau cơ thể bé bằng khăn ẩm cho đến khi cuống rốn rụng, thường từ một hoặc hai tuần sau sinh.

Để tiến hành lau mình cho bé, người lau đặt bé nằm ngửa trên một tấm khăn lót hoặc trên giường. Làm ướt một chiếc khăn nhỏ và mềm, vắt bớt nước sau đó lau mặt cho bé. Lau nhẹ mỗi bên mí mắt bằng bông gòn (hoặc một góc của khăn) theo chiều từ trong ra ngoài. Phần xung quanh miệng và dưới cằm nơi sữa và nước bọt của bé chảy ra cũng cần được vệ sinh sạch sẽ. Thông thường sẽ không cần sử dụng xà phòng cho trẻ sơ sinh ở giai đoạn sớm này.

Đề phòng viêm da trong mùa nóng cho trẻ sơ sinh, có hai điều các bà mẹ cần biết là không nên ủ ấm, quấn bé quá kín, nên lau mình và tắm cho bé đúng cách.

Bs NGUYỄN THÀNH ÚC

 

.
.
.