.
BÀI DỰ THI GIẢI BÁO CHÍ NGUYỄN ĐỨC CẢNH

Người bác sĩ trong tâm bão Covid-19

Cập nhật: 08:21, 19/07/2022 (GMT+7)

(ABO) Ngành Y tế tỉnh Tiền Giang quyết định triển khai Trung tâm Hồi sức cấp cứu Covid-19 khi dịch bùng phát. Bác sĩ CKI Trần Mai Nhiên, Phó Trưởng khoa Nội B, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang được điều động về làm Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Trung tâm Hồi sức cấp cứu Covid-19.

Bs Mai Nhiên được chủ tịch nước khen tặng.
BS Mai Nhiên được Chủ tịch nước khen tặng.

Ngày 28-7-2021 tại Trung Tâm Hồi sức cấp cứu Covid-19, Nhiên và một số bạn đã có mặt sớm nhất, chạy đôn chạy đáo lãnh dụng cụ, lãnh dịch truyền, lãnh thuốc, mượn băng ca, mượn xe tiêm, mượn trang thiết bị.

Chiều 29-7-2021 trời mưa rất to. 14 giờ, Trung tâm bắt đầu khai trương nhận bệnh. Những ngày đầu Nhiên phải đối mặt trăm công nghìn việc, nhiều bệnh nhân nặng nhập viện. Các em điều dưỡng liên tục báo: “Chị Nhiên ơi, lầu một full (chật kín bệnh nhân) rồi”.

Hôm sau “lầu hai full nữa”. Rồi đến lầu ba cuối cùng cũng không còn giường trống. Nhân lực chỉ có mười người, chăm sóc hàng trăm bệnh nhân nặng không phải dễ. Mà Covid-19 diễn biến nhanh lắm, mới vừa nói chuyện tươi tỉnh với bác sĩ, chút xíu là thở không nổi, toàn thân xụi lơ! Mọi người chích thuốc, truyền nước biển cho bệnh nhân lầu một vừa xong, phải chạy lên lầu ba làm tiếp, cấp cứu xong bệnh nặng lầu ba, vội chạy xuống lầu một nhận bệnh. Ai cũng ráng. Bộ đồ bảo hộ kín mít, mồ hôi ướt đẫm, không kịp thay.

Rồi đồng đội bị F0. Nghỉ.

Bắt đầu lo.

Đồng đội khác bị F1. Nghỉ.

Thế là thiếu nhân lực.

Bệnh viện bổ sung thêm điều dưỡng, cũng đỡ đần một phần công việc. Rồi đồng đội lại tiếp tục bị F0, F1. Nghỉ. Lại thiếu nhân lực.

Thật may mắn, Bộ Y tế đã cử một đoàn bác sĩ và điều dưỡng giỏi từ các bệnh viện trung ương về hỗ trợ cho Tiền Giang, trực tiếp giúp Trung tâm Hồi sức cấp cứu Covid-19 điều trị các ca nặng, là chỗ dựa vững chắc cho Nhiên và các bạn tự tin đối đầu với cơn bão Covid-19.

Trong một buổi sáng giao ban kíp trực, Nhiên nghe các em báo cáo tử vong trong đêm tăng hơn hôm qua, không khí nặng nề bao trùm cuộc họp. Ai cũng im lặng, nhìn nhau với đôi mắt mệt mỏi, phờ phạc vì mất ngủ và cũng vì thất vọng.

Làm sao cứu được người bệnh? Làm sao giảm tỷ lệ tử vong? Trái tim người thầy thuốc đau thắt vì lực bất tòng tâm. Nhiên động viên mọi người đừng nản chí: “Lúc này mà nản chí, buông xuôi sẽ đánh đổi bằng tính mạng người bệnh nhiều hơn nữa. Các bạn hãy cố lên, đồng tâm hiệp lực vì bệnh nhân”.

Nhiên lo nhất là tinh thần của các anh chị điều dưỡng. Họ làm việc trực tiếp với bệnh nhân, nên nguy cơ lây nhiễm cao nhất, có nhiều cái thiệt thòi nhất, công việc kiêm nhiệm đủ thứ, từ hộ lý thay tã, đổ bô, vệ sinh cho tới bảo mẫu mớm ăn, đút sữa… đều làm tất.

Nhiên chú ý quan tâm từng em, có gì khó khăn là Nhiên giải quyết liền. Những bác sĩ, điều dưỡng chẳng may lây nhiễm Covid-19, Nhiên đau như chính mình mắc bệnh. Nhiên thường xuyên điện thoại thăm hỏi, hỗ trợ tinh thần lẫn vật chất trong khả năng cho các bạn.

Một hôm điều dưỡng L. trực xong đến bảy giờ sáng ra trực, bỗng em nhận được tin ba của em vừa mất. Lúc đó, em không biết tính gì, nghĩ gì, chỉ biết ngồi khóc, nước mắt giàn giụa, nhưng cũng chẳng thể nào về chịu tang ba trong lúc dầu sôi lửa bỏng như thế này. Bác sĩ Nhiên đến bên cạnh em, động viên an ủi, rồi sắp xếp để L. được về nhà.

Lúc đó em nản chí lắm. Em nói với Nhiên là mình không còn động lực để tiếp tục làm ở đây nữa, chịu tang ba em xong, em muốn về bệnh viện cũ. Bác sĩ Nhiên chỉ biết an ủi thôi. Vậy mà không ngờ em quay lại Trung tâm Hồi sức cấp cứu Covid-19 sau khi an táng ba xong. Em nói mình cảm nhận được sự thương yêu chân thành của các bạn đồng nghiệp dành cho mình, nghĩ đến bệnh nhân, nghĩ đến tấm lòng của bác sĩ Nhiên, nên quyết định trở lại “chiến” tiếp.

Tôi gặp anh Nguyễn Hữu D., nhà ở thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, bệnh nhân rất nặng được cứu sống tại Trung tâm Hồi sức cấp cứu Covid-19 Tiền Giang. Anh đã khỏi bệnh được bốn tháng rồi mà cũng còn yếu. Giọng nói đứt quãng vì hụt hơi, hai chân đi lững thững bước từng bước chậm chạp, không còn như xưa.

Anh kể cho tôi nghe là anh bị sốt, ho bảy ngày, tới chừng thở không nổi thì gia đình chở thẳng vào Trung tâm Hồi sức cấp cứu Covid-19. Bác sĩ Nhiên lúc đó đã khám và nhận anh D. vào viện. Thấy anh D. thở hước, hai mắt trợn ngược trắng dã, môi tím tái, ngay lập tức bác sĩ Nhiên ra y lệnh cho anh được đặt nội khí quản, thở máy. Trong quá trình thở máy, tình trạng anh D. diễn biến thất thường, có hai lần ngưng tim hoàn toàn.

Lần đầu Nhiên phải xoa bóp tim bằng tay để giúp tim đập lại. Lần thứ hai tim đột ngột ngừng đập, bác sĩ Nhiên chạy đến đứng bên giường bóp tim cho bệnh nhân, rồi ra y lệnh cho các em điều dưỡng chích thuốc hồi sức cấp cứu khẩn cấp vào tĩnh mạch.

Chưa có ca nào mà dùng thuốc hồi sức nhiều như thế, hàng trăm ống được bẻ ra, để đầy khay tiêm thuốc, bơm liên tục cho anh D. Trên màn hình Monitor theo dõi, sóng điện tim đang nằm ngang đẳng điện như một định mệnh đã an bài, chợt xuất hiện một cơn sóng nẩy lên một nhịp, rồi hai nhịp, rồi…

Bs Mai Nhiên và những hình ảnh hài hước không quên.
BS Mai Nhiên và những hình ảnh hài hước không quên.

Cô điều dưỡng la lên “Có tim rồi! Tim đập lại rồi bác sĩ ơi”. Mọi người thở phào. Sức mạnh sinh tồn của anh D. thật kỳ diệu, anh ấy ổn dần và khỏe mạnh luôn. Trước khi chia tay để xuất viện, anh D. nói: “Tôi trở về từ cõi chết. Không có các bác sĩ thì tôi theo ông theo bà rồi. Bây giờ dù còn yếu chút xíu, nhưng sống được là một phép màu. Các bác sĩ và điều dưỡng ở đây đã sinh ra tôi lần thứ hai”.

Chị Hồng Q., nhà ở TP. Mỹ Tho, có thai được hơn tám tháng, bị mắc Covid-19, nằm theo dõi tại khu cách ly Sở Y tế. Vào viện được vài ngày thì chị Q. bị thở mệt, oxy trong máu giảm còn 90%. Bác sĩ Nhiên được mời đến hội chẩn.

Nhiên biết là những sản phụ bị Covid-19 mà suy hô hấp như Q. thì rất nặng, nếu không can thiệp sớm thì có thể mất cả mẹ lẫn con. Nhiên đề nghị mổ cấp cứu bắt con. Ca mổ thành công. Con trai chị được đưa sang khoa Nhi, còn chị Q. thì đưa sang Trung tâm Hồi sức cấp cứu Covid-19 và được bác sĩ Nhiên trực tiếp chăm sóc và điều trị.

Khi vào Trung tâm Hồi sức cấp cứu Covid-19, Q. lo lắng quá mức, sợ mình không sống được nên tỏ ra buồn chán, không nói chuyện với ai, kể cả những người thân yêu như chồng của mình. Các cô điều dưỡng đến đo huyết áp, nhiệt độ cho Q., mà Q. không trả lời các câu hỏi của điều dưỡng. Nhiên khám cho Q., Q. cũng trả lời nhát gừng bằng gật hoặc lắc đầu, chứ không nói.

Nhiên hiểu được tâm lý của bệnh nhân, nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến sự suy sụp tinh thần lẫn sức khỏe, có khi nguy hiểm đến tính mạng. Nhiên gọi điện thoại bàn với chồng của Q. là hãy động viên vợ. Nhưng Q. đang nằm viện, không thể gặp chồng, lại không có điện thoại trong người. Lúc đó Nhiên đã bỏ tiền túi ra nhờ người mua tặng điện thoại cho Q., rồi kêu chồng Q. gọi vào.

Nghe giọng nói của chồng, Q. có vẻ khá hơn và từ từ chịu tiếp xúc với mọi người. Ai cũng nói nhờ bác sĩ Nhiên chịu khó và biết cách xử lý khéo léo nên đã giúp chị Q. lấy lại được tinh thần lẫn sức khỏe. Sau đó cả hai mẹ con đều khỏe mạnh và xuất viện.

Rồi trận dịch cũng qua đi, Nhiên được trở về với chồng con, tiếp tục công việc như xưa. Chỉ có một thay đổi nhỏ mà ai cũng tiếc, nhưng Nhiên thì không tiếc. Đó là Nhiên bị lưu ban một năm lớp chuyên khoa 2, vì không kịp làm luận văn tốt nghiệp trong lúc đi chống dịch. Bác sĩ Nhiên nói: “Năm nay không học, thì năm sau học lại, chứ nếu không tham gia cứu chữa bệnh nhân thì mãi mãi không bao giờ có cơ hội giành lại được tính mạng của người bệnh Covid-19 như thời gian vừa qua”.

Ngày 27-2-2022 tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt 150 đại biểu thầy thuốc, cán bộ, công chức ngành Y tế tiêu biểu cả nước, trong đó có bác sĩ Trần Mai Nhiên.

Cầm món quà của Chủ tịch nước trao tặng, Nhiên cảm thấy nhớ rất nhiều và mang ơn tất cả các bạn đồng nghiệp, tất cả các bệnh nhân đã cùng Nhiên trải qua những giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời, những giây phút căng thẳng giành lấy cuộc sống của từng người bệnh, để hôm nay mọi người đã vượt qua cơn bão Covid-19, cuộc sống trở lại bình thường mới, an toàn và hạnh phúc, thành công này có một phần đóng góp của tất cả các thầy thuốc ở tuyến đầu chống dịch.

           BS. NGUYỄN THÀNH ÚC

 

 

        


 

 

.
.
.