.

Không để dịch bệnh lây lan, bùng phát tại cộng đồng

Cập nhật: 15:24, 23/07/2022 (GMT+7)

Bên cạnh dịch Covid-19, thời gian gần đây số ca mắc sốt xuất huyết, cúm và tay, chân, miệng đang có xu hướng tăng cao tại một số địa phương. Để ngăn chặn nguy cơ dịch lây lan, bùng phát rộng trong cộng đồng, Bộ Y tế yêu cầu ngành y tế các địa phương tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp trong phòng, chống dịch bệnh thuộc khu vực mình phụ trách một cách kịp thời, hiệu quả.

Người dân thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp vệ sinh môi trường, phát quang bờ bụi chống dịch bệnh. (Ảnh HẢI DƯƠNG)
Người dân thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp vệ sinh môi trường, phát quang bờ bụi chống dịch bệnh. (Ảnh HẢI DƯƠNG)

Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 124.095 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 93.144 trường hợp nhập viện và có 40 trường hợp chết. Số ca mắc sốt xuất huyết chủ yếu tập trung tại các tỉnh, thành phố khu vực phía nam và miền trung. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng gấp ba lần, số tử vong tăng 28 trường hợp. Cả nước ghi nhận 39.558 trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng (tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có hai trường hợp tử vong. Số ca mắc tập trung chủ yếu tại khu vực phía nam và một số tỉnh, thành phố khu vực phía bắc. Tiến sĩ Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) cho biết: Tính đến ngày 20-7, tại 28 tỉnh, thành phố khu vực miền bắc ghi nhận tổng cộng 5.389 trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng. Rất may các ca mắc mới đều là các trường hợp tản phát, chưa có địa phương nào ghi nhận ổ dịch tại cộng đồng, trường học, nhà trẻ. Trong tổng số 5.389 trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng có đến 98,2% số trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó chủ yếu là trẻ dưới 2 tuổi. Các ca mắc tay, chân, miệng ở thể nhẹ (phân độ lâm sàng 1, 2a) chiếm đến 99,35% và không có trường hợp tử vong.

Không chỉ bệnh sốt xuất huyết, hay tay, chân, miệng; các ca cúm mùa đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía bắc. Tại Hà Nội, tính từ tháng 1 đến giữa tháng 7-2022 ghi nhận 2.065 trường hợp mắc cúm. Nếu như từ tháng 1 đến tháng 4, số ca mắc ghi nhận khoảng dưới 400 ca/tháng, nhưng từ tháng 5, số ca mắc cúm tăng cao, đặc biệt trong tháng 6, đã ghi nhận 887 trường hợp mắc (tăng 60% so với tháng 5). Số mắc cúm thường tập trung nhiều ở nhóm dưới 3 tuổi (chiếm 44,1%), tiếp đến là nhóm tuổi từ 18 đến 49 tuổi (chiếm 39,7%); nhóm tuổi từ 6 đến 19 tuổi (chiếm 11,8%) và ít nhất là nhóm tuổi hơn 50 tuổi. Hầu hết trường hợp mắc có biểu hiện nhẹ, điều trị ngoại trú, nhưng các trường hợp nhập viện thường là đối tượng nhạy cảm như trẻ em, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền, người già. Theo số liệu báo cáo của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, trong hai tuần đầu tháng 7-2022, bệnh viện đã tiếp nhận khám và sàng lọc cho 1.068 ca nghi nhiễm cúm (chiếm tới 52,8% số lượng bệnh nhân nghi nhiễm cúm tới khám tại bệnh viện trong sáu tháng đầu năm. Số trường hợp bệnh nhân có kết quả test nhanh dương tính với cúm chiếm 35,1% so với số khám sàng lọc bệnh nhân nghi/nhiễm cúm, trong đó bệnh nhân dương tính với cúm A chiếm 97,6%, cúm B chiếm 2,4%. Số trường hợp có chỉ định nhập viện là 71 ca, chiếm 18,9% so với số trường hợp dương tính với cúm, trong đó có hai trường hợp viêm phổi ARDS nhập viện.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mỗi năm Việt Nam ghi nhận từ 600 nghìn đến một triệu ca cúm thường. Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã ghi nhận các trường hợp cúm, số nhập viện gia tăng, trong đó phần lớn là các chủng cúm A không có độc lực cao như: H5N1, H5N6, H5N8, H7N9. Nguyên nhân dẫn đến số ca mắc cúm A tăng thời gian gần đây là do trong hai năm dịch Covid-19, người dân mang khẩu trang nhiều, thực hiện giãn cách, tuân thủ phòng, chống dịch như thường xuyên rửa tay sát khuẩn cho nên số ca cúm ít. Tuy nhiên, sau khi kiểm soát được dịch Covid-19, người dân chủ quan hơn trong phòng, chống dịch như: Không đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Hiện chưa ghi nhận tình trạng tử vong do cúm A, phần lớn các ca đều có triệu chứng nhẹ và vẫn nằm trong sự kiểm soát của ngành y tế.

Để chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, cúm và tay, chân, miệng, nhất là không để tình trạng dịch chồng dịch khi số mắc Covid-19 đang có chiều hướng tăng trở lại những tuần gần đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Hương Liên đề nghị các địa phương tăng cường giám sát, nhất là giám sát trọng điểm, phát hiện các trường hợp mắc, ổ dịch sốt xuất huyết, cúm mùa và tay, chân, miệng. Ngành y tế các địa phương đẩy mạnh giám sát viêm phổi nặng do vi-rút, các chùm ca bệnh cúm tại các bệnh viện và cộng đồng để kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm; tăng cường truyền thông, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh để huy động sự tham gia của người dân trong phòng, chống. Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt công tác phân tuyến điều trị, phân luồng khám sàng lọc để tăng hiệu quả khám, chữa bệnh cho người dân; các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ thuốc, dịch truyền và phương án nhân lực đáp ứng theo dự báo tình hình dịch bệnh trên địa bàn đơn vị mình được phân công, phụ trách...

Các chuyên gia lĩnh vực y tế dự phòng cho rằng, bất kỳ chủng cúm nào cũng nguy hiểm vì đều có khả năng gây biến chứng viêm phổi. Do vậy, khi có dấu hiệu cúm, sốt, ho... người dân không nên chủ quan. Nếu có các triệu chứng nặng nên vào viện để được hỗ trợ, nhất là để được phân lập, xác định chủng vi-rút cúm đang mắc phải để có hướng điều trị kịp thời. Bên cạnh đó để phòng bệnh cúm hiệu quả, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như: Thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng; vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý; thường xuyên đeo khẩu trang khi tới nơi đông người, nhất là khi tiếp xúc với người bệnh.

 

(Theo nhandan.vn)
 

.
.
.