Thứ Ba, 13/09/2022, 09:22 (GMT+7)
.

Tiền Giang nỗ lực phòng, chống sốt xuất huyết

Cập nhật số liệu mắc và tử vong do sốt xuất huyết (SXH) Dengue qua phần mềm Thông tư 54 của Bộ Y tế cho thấy, đến tuần 36 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang ghi nhận 5.427 ca mắc SXH (tăng trên 275% so với cùng kỳ năm 2021) và đã có 4 ca tử vong. Theo Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang hiện có số trường hợp mắc và tử vong do SXH đứng hàng thứ 9 trong khu vực 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam.

HUYỆN GÒ CÔNG TÂY CẦN CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG SXH

Ghi nhận hoạt động giám sát công tác phòng, chống SXH của Đoàn công tác Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tiền Giang thực hiện tại Trung tâm Y tế huyện Gò Công Tây ngày 7 và 8-9-2022 cho thấy, đến ngày 31-8, số ca mắc SXH của huyện ghi nhận 231 ca, tăng 115,8% so với năm 2021 và không có ca tử vong. Huyện Gò Công Tây là địa phương có số ca mắc SXH trên 100 ngàn dân thấp thứ 3 của tỉnh Tiền Giang.

Theo đó, đoàn công tác đã đến Trạm Y tế các xã Long Bình, Vĩnh Hựu làm việc với lãnh đạo UBND các xã, thành viên thực hiện công tác phòng, chống SXH của trạm y tế và địa phương. Đoàn đã đi kiểm tra thực địa việc phòng, chống SXH tại 30 hộ gia đình của ấp Hòa Phú, xã Long Bình.

Kết quả chỉ số vật chứa nước có lăng quăng (BI) cao hơn 7 lần chỉ số quy định của Bộ Y tế và không đạt các chỉ số về HI, CI… theo quy định. Đoàn đề nghị địa phương làm lại ngay chiến dịch diệt lăng quăng tại ấp Hòa Phú.

Qua 2 ngày làm việc, Đoàn công tác của Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh ghi nhận những nỗ lực của ngành Y tế huyện Gò Công Tây trong công tác dự phòng cũng như điều trị bệnh nhân SXH.

Tuy nhiên, nhận định kết quả giám sát thực địa tại các địa phương, đoàn công tác chỉ ra những hạn chế trong công tác phòng, chống SXH như chỉ số lăng quăng trong các vật chứa nước linh tinh xung quanh nhà còn quá nhiều; ý thức dọn dẹp vệ sinh môi trường của người dân chưa cao và không thường xuyên; nguồn nhân lực trong công tác kiểm tra, giám sát còn thiếu…

Đoàn công tác Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh phối hợp với CDC Tiền Giang giám sát lăng quăng tại nhà hộ dân ở ấp Hòa Phú, xã Long Bình, huyện Gò Công Tây vào ngày 7-9-2022.
Đoàn công tác Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh phối hợp với CDC Tiền Giang giám sát lăng quăng tại nhà hộ dân ở ấp Hòa Phú, xã Long Bình, huyện Gò Công Tây vào ngày 7-9-2022.

Để nâng cao hiệu quả các hoạt động phòng, chống SXH trong thời gian tới, Thạc sĩ Tạ Quốc Đạt, Trưởng đoàn công tác của Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh yêu cầu ngành Y tế huyện Gò Công Tây tiếp tục tăng cường giám sát bệnh nhân SXH các tuyến, xử lý ổ dịch kịp thời, đúng quy định của Bộ Y tế.

Đồng thời, việc tham mưu cho UBND các cấp phải thật cụ thể trong phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, địa phương cũng như trong tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường; tăng cường hoạt động truyền thông nhằm phát huy tính chủ động, tích cực của người dân trong công tác phòng, chống SXH.

Song song đó, tăng cường tổ chức tập huấn công tác truyền thông cho các đoàn thể trong công tác giám sát, ra quân chiến dịch diệt lăng quăng, phòng SXH với phương châm “Khi đến nhà phải kiểm tra không bỏ sót vật chứa nước lớn, nhỏ và khi ra khỏi nhà phải sạch lăng quăng”, có như thế thì việc tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng mới đạt hiệu quả cao, nhằm chống lãng phí nguồn lực và kinh phí phòng, chống SXH của địa phương, khi không phải làm lại các chiến dịch phòng, chống SXH nhiều lần.

Ngoài ra, ngành Y tế huyện Gò Công Tây đẩy mạnh công tác truyền thông trong thu dung, điều trị cho bệnh nhân SXH theo các hướng dẫn của Bộ Y tế; đồng thời, bảo đảm công tác vật tư, hóa chất, thuốc cho công tác phòng, chống dịch SXH.

DỊCH SXH ĐANG DIỄN BIẾN PHỨC TẠP

Từ thời điểm cuối tháng 4-2022 đến nay, dịch bệnh SXH đã xuất hiện trên quy mô toàn tỉnh. Theo CDC Tiền Giang, hiện số ca mắc SXH của tỉnh đang ở ngưỡng báo động, dự đoán số ca mắc sẽ còn tiếp tục tăng cao và dễ lây lan trên diện rộng nếu không khẩn trương, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống hiệu quả.

Tính đến tuần 36, huyện Cái Bè tiếp tục là địa phương ghi nhận nhiều ca mắc SXH nhất tỉnh Tiền Giang, với 1.438 ca và cũng là địa phương dẫn đầu của tỉnh về số ca mắc SXH trên 100 ngàn dân, kế tiếp là huyện Cai Lậy xếp thứ 2 và TX. Cai Lậy xếp thứ 3. Số ca mắc SXH trong toàn tỉnh tuần qua tiếp tục vượt đường cong  chuẩn và các huyện Cái Bè, Tân Phước, Cai Lậy và TX. Cai Lậy vượt đường cong chuẩn.

Trong tuần có TP. Mỹ Tho và các huyện Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây vượt đường trung bình chuẩn và TX. Gò Công chạm đường trung bình chuẩn. Về cấp xã, có 37 xã thuộc 7 huyện vượt đường cong chuẩn, tập trung nhiều tại TX. Cai Lậy, huyện Cai Lậy và Cái Bè; có 30 xã thuộc 9 huyện vượt đường
trung bình chuẩn.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Thanh Nhơn, Phó Giám đốc CDC Tiền Giang đề nghị các huyện, thị, thành có các xã vượt đường cong chuẩn và đường trung bình chuẩn về SXH theo dõi và xử lý dịch theo quy định. Đối với hộ dân, bác sĩ Nhơn khuyến cáo mọi người cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH cho bản thân và gia đình. Khi có dấu hiệu mắc SXH, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ theo dõi xử lý kịp thời, tránh tình trạng tự ý điều trị ở nhà vì dễ gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

THỦY HÀ - THANH HOÀNG

.
.
.