.

Hoàn tất thả muỗi mang Wolbachia tại TP. Mỹ Tho

Cập nhật: 10:03, 04/11/2022 (GMT+7)

Thạc sĩ - Bác sĩ Lương Chấn Quang, Phó Trưởng khoa Kiểm soát phòng ngừa bệnh tật Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho biết, giai đoạn thả muỗi trong khuôn khổ Dự án Wolbachia khu vực phía Nam tại 8 phường của TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang (viết tắt Dự án Wolbachia) đã hoàn thành.

KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU NHƯ DỰ KIẾN

Sau 30 tuần triển khai thả muỗi vằn mang Wolbachia, Dự án Wolbachia đã tổ chức 2.571 điểm thả trứng muỗi mang Wolbachia tại 8 phường (từ phường 1 đến phường 8) của TP. Mỹ Tho. Thạc sĩ - Bác sĩ Lương Chấn Quang cho biết, sau thời gian thả muỗi, các số liệu cho thấy tỷ lệ muỗi vằn mang Wolbachia tại thực địa đã đạt tiêu chí để có thể ngừng thả muỗi. Theo thời gian, lượng muỗi vằn mang Wolbachia được kỳ vọng sẽ tăng dần trong quần thể, sau đó duy trì ổn định mà không cần thả thêm. Do đó, Dự án Wolbachia đã hoàn thành giai đoạn thả muỗi và bước sang giai đoạn theo dõi quần thể muỗi vằn mang Wolbachia và tỷ lệ sốt xuất huyết Dengue ở cộng đồng.

Thả muỗi vằn mang Wolbachia.
Thả muỗi vằn mang Wolbachia.

Theo Thạc sĩ - Bác sĩ Lương Chấn Quang, trong thời gian tới, Dự án Wolbachia sẽ tiến hành xác định tỷ lệ quần thể muỗi vằn mang Wolbachia ở TP. Mỹ Tho trong vòng 6 tháng sau khi hoàn tất phóng thả muỗi; xác định tính an toàn và hiệu quả trong phát triển tự nhiên của muỗi vằn địa phương mang Wolbachia tạo ra trong môi trường; xác định tỷ lệ quần thể muỗi vằn mang Wolbachia dài hạn trong vòng từ 6 tháng đến 18 tháng sau khi hoàn tất phóng thả muỗi và ước tính tỷ lệ mắc mới sốt xuất huyết trong khu vực thả muỗi.

Trong thời gian tới, Dự án Wolbachia sẽ tiếp tục thu muỗi từ các bẫy hiện đang đặt tại một số hộ dân nhằm theo dõi tỷ lệ muỗi vằn mang Wolbachia trong quần thể muỗi địa phương. Đồng thời, Dự án Wolbachia sẽ phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang tiếp tục theo dõi tình hình mắc sốt xuất huyết tại các địa bàn thả muỗi.

Dự báo các ca mắc sốt xuất huyết vẫn có thể phát sinh sau khi thả muỗi; bởi vì cần có thời gian để tỷ lệ Wolbachia tăng dần, thiết lập ổn định trong quần thể muỗi vằn và cũng có thể do người dân di chuyển tới các khu vực có nguy cơ cao về sốt xuất huyết Dengue mà chưa thả muỗi Wolbachia. Tuy nhiên, số ca mắc được kỳ vọng sẽ giảm đáng kể khi mật độ muỗi vằn mang Wolbachia tăng lên.

PHƯƠNG PHÁP PHÒNG SỐT XUẤT HUYẾT TỰ NHIÊN

Phương pháp Wolbachia không phải là một biện pháp chống dịch sốt xuất huyết khẩn cấp, mà là một giải pháp tự nhiên, lâu dài và bền vững trong phòng, chống sốt xuất huyết, bổ sung vào các phương pháp phòng, chống sốt xuất huyết hiện có. Do đó, người dân được khuyến cáo tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết khác.

Wolbachia là một loài vi khuẩn tự nhiên, có mặt trong khoảng 50% các loài côn trùng, bao gồm một số loài quen thuộc như ruồi giấm, bướm và chuồn chuồn. Phương pháp Wolbachia của WMP đưa vi khuẩn Wolbachia vào muỗi vằn, tác nhân lây truyền một số loại bệnh như sốt xuất huyết, zika, chikungunya và sốt vàng.

Phương pháp Wolbachia tự duy trì, an toàn và có hiệu quả kinh tế đã được triển khai tại 11 quốc gia trong thập niên vừa qua, tiếp cận được hơn 10 triệu người. Hiệu quả của phương pháp này trong phòng, chống sốt xuất huyết đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu trên thực địa.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, phương pháp thả muỗi vằn mang Wolbachia xuất phát từ một thử nghiệm ngẫu nhiên theo tiêu chuẩn vàng ở Yogyakarta (Indonesia) cho thấy tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết ở các khu vực có muỗi vằn mang Wolbachia đã giảm 77% so với các khu vực đối chứng.

Sau khi hoàn thành việc thả muỗi mang Wolbachia ở phía bắc Queensland (Australia), bệnh sốt xuất huyết không còn là mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng ở khu vực này. Tại thung lũng Aburra ở Colombia, sau khi quần thể muỗi mang Wolbachia được thiết lập trong cộng đồng dân cư 3 triệu người, tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết trong giai đoạn 2020 - 2021 là thấp nhất trong vòng 20 năm.

Một nghiên cứu đối chứng cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết thấp hơn 69% ở những vùng lân cận với tỷ lệ Wolbachia cao nhất so với những vùng lân cận không thả muỗi. Một phân tích của các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Cambridge cho thấy, tỷ lệ mắc sốt xuất huyết và chikungunya giảm đáng kể sau khi triển khai thả muỗi mang Wolbachia quy mô lớn ở Rio de Janeiro (Brazil) ngay cả khi mức độ thiết lập quần thể muỗi mang Wolbachia khác nhau trong khu vực.

THỦY HÀ

 

.
.
.