Thứ Năm, 11/05/2023, 17:22 (GMT+7)
.

Thúc đẩy chiến dịch K=K để sớm chấm dứt đại dịch AIDS

Ngày 11-5, tại Hà Nội, bên lề Hội nghị lần thứ 49, Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, Lao, Sốt rét đã phối hợp với Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức sự kiện bàn về vai trò quan trọng của chiến dịch Không phát hiện = Không lây truyền (K=K) trong việc sớm chấm dứt đại dịch AIDS.

Sự kiện có chủ đề “K=K là công cụ cân bằng trong lĩnh vực sức khỏe”, sự kiện tập trung vào cung cấp thông tin và thảo luận thông điệp K=K đóng vai trò quan trọng trong việc xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử về HIV, từ đó giúp các cá nhân thoải mái hơn khi xét nghiệm HIV, kết nối với dịch vụ chăm sóc và duy trì trong điều trị HIV.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Kate Thompson, Trưởng phòng Cộng đồng, Quyền và Giới, Quỹ Toàn cầu, nhấn mạnh: “Không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của thông điệp K=K. Nó không chỉ là một can thiệp y tế công cộng. Nó sẽ giúp giải quyết những quan niệm sai lầm, sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV. Nó cũng ủng hộ cho quyền của mỗi cá nhân và vai trò tiên phong của những người nhiễm HIV trong các nỗ lực dự phòng lây nhiễm HIV”.

U=U (Undetectable = Untransmittable: Không phát hiện = Không lây truyền) là một can thiệp và phương pháp tiếp cận dựa trên bằng chứng quan trọng trong Ghi chú thông tin về HIV năm 2022 của Quỹ Toàn cầu, một trong 22 chương trình thiết yếu quan trọng để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng đặt ra trong Chiến lược Quỹ Toàn cầu 2023-2028.

Các đại biểu tại sự kiện thúc đẩy chiến dịch K=K để sớm chấm dứt đại dịch AIDS.
Các đại biểu tại sự kiện thúc đẩy chiến dịch K=K để sớm chấm dứt đại dịch AIDS.

Theo PGS,TS Nguyễn Thị Liên Hương-Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam: “K=K là một thông điệp dựa trên bằng chứng khoa học nên cần được lan tỏa rộng rãi hơn nữa để mọi người hiểu được lợi ích của việc điều trị ARV, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV. Đó cũng là giải pháp để thực hiện mục tiêu “Kết thúc dịch AIDS vào năm 2030”.

Sự kiện này sẽ cung cấp một nền tảng cho lãnh đạo cấp cao của Quỹ Toàn cầu, các thành viên Hội đồng Quỹ Toàn cầu và các quốc gia nhận tài trợ để học hỏi về các ví dụ điển hình nhất về các chính sách và chương trình về K=K đã tác động đến loại bỏ sự kỳ thị và thúc đẩy quan hệ đối tác giữa chính phủ, tổ chức xã hội và các cơ quan quốc tế. Nó cũng sẽ cung cấp một không gian để đối thoại về việc áp dụng và triển khai K=K, đồng thời hỗ trợ các thành viên Hội đồng quản trị Quỹ Toàn cầu và các tổ chức trong việc tích hợp và đẩy mạnh K=K trong các chiến lược y tế và HIV quốc gia và khu vực.

Tiến sĩ Cedric Pulliam, Giám đốc chính sách công toàn cầu của Chương trình tiếp cận dự phòng toàn cầu cho rằng: “Chúng ta phải đầu tư vào việc tiếp cận điều trị HIV, chăm sóc và hỗ trợ để đạt được và duy trì tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện cho tất cả mọi người. Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu ưu tiên K=K trong cuộc chiến chống lại HIV. Giờ là thời điểm biến U=U thành hiện thực cho mọi người”.

Sự kiện này là cơ hội để Quỹ Toàn cầu thể hiện vai trò lãnh đạo của mình trong việc hỗ trợ lan tỏa chiến dịch K=K và huy động thêm hỗ trợ cho các quốc gia thành viên ký kết lời kêu gọi hành động đa phương K=K và tích hợp K=K như một công cụ chính sách công bằng y tế vào các chiến lược y tế và HIV của mỗi quốc gia.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.