Thứ Sáu, 02/12/2016, 20:55 (GMT+7)
.

Thể thao phong trào- điểm sáng của huyện thuần nông

Những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, phong trào thể dục - thể thao (TDTT) trên địa bàn huyện Gò Công Tây đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

CLB Thể dục dưỡng sinh huyện đạt giải tại Hội thi thể thao Người cao tuổi.
CLB Thể dục dưỡng sinh huyện đạt giải tại Hội thi thể thao Người cao tuổi.

Theo thống kê của Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Gò Công Tây, phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn huyện có những bước phát triển mạnh mẽ. Qua điều tra năm 2016, toàn huyện có 13.786 gia đình thể thao, chiếm tỷ lệ 41,83% so với hộ gia đình. Số người tập luyện thể thao thường xuyên là 53.728 người, chiếm tỷ lệ 33,57% dân số toàn huyện. Huyện hiện có 41 câu lạc bộ (CLB) và hội TDTT quần chúng gồm: 11 CLB thể dục dưỡng sinh, 2 CLB quần vợt, 1 hội quần vợt, 20 CLB võ thuật, 2 CLB cầu lông, 1 CLB phòng chống đuối nước, 2 CLB thể dục thẩm mỹ…

Số liệu thống kê của trung tâm cho thấy các CLB thể thao đã thu hút trên 34.000 lượt hội viên tham gia tập luyện. Sự phát triển tích cực của các CLB thể thao đã mang lại diện mạo mới, là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn phát triển cũng như đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT của đông đảo nhân dân. Một số xã có phong trào TDTT phát triển mạnh như: Thị trấn Vĩnh Bình, xã Thạnh Trị, xã Đồng Sơn, xã Đồng Thạnh…

Về công tác xã hội hóa, trong năm qua, huyện Gò Công Tây đã liên tịch cùng các ngành như Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Công an huyện,… tổ chức nhiều hội thao và các giải thể thao cấp huyện; đồng thời tham gia thi đấu các giải thể thao, hội thao cấp tỉnh. Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện vừa tổ chức thành công Giải Việt dã năm 2017 với 300 vận động viên (VĐV) tham dự, qua đây tuyển chọn VĐV xuất sắc tham dự Giải Việt dã Báo Ấp Bắc lần thứ 34 - năm 2017.

Năm qua, nhân dân và các ngành đã hỗ trợ cho hoạt động TDTT cấp huyện và dự đấu cấp tỉnh với kinh phí hơn 230 triệu đồng; riêng về cơ sở vật chất phục vụ cho tập luyện và thi đấu TDTT do cơ quan tự trang bị luôn được bảo quản duy trì sử dụng. Tại xã Bình Nhì và xã Đồng Sơn hiện có 2 hồ bơi tư nhân đang hoạt động có hiệu quả, góp phần thiết thực vào công tác phổ cập bơi, phòng chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn huyện… Qua đó, cho thấy công tác xã hội hóa hoạt động TDTT của huyện ngày càng phát triển và đi vào nền nếp, góp phần tích cực vào việc xây dựng và phát triển phong trào TDTT trên địa bàn huyện.

Để duy trì và phát triển phong trào TDTT, hàng năm, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động TDTT ở cấp huyện và cơ sở nhằm tạo không khí phấn khởi cho nhân dân. Qua đó, góp phần phục vụ nhu cầu luyện tập TDTT của người dân và tạo không khí vui tươi, cổ vũ lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội. Một số giải nổi bật được tổ chức và duy trì hàng năm như: Giải Việt dã truyền thống cấp huyện, Giải Taekwondo các lứa tuổi cấp huyện, Hội thao dân tộc lễ cầu an đình Bình Phú, Giải Bóng đá truyền thống cấp huyện, Lễ phát động chạy nhân Ngày Olympic sức khỏe… Ngoài ra, để thúc đẩy sự phát triển của phong trào TDTT, hàng năm các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động huyện… thường xuyên tổ chức các giải thi đấu, hội thao thu hút nhiều công nhân, viên chức, lao động, hội viên, đoàn viên và quần chúng nhân dân tham gia.

Đây cũng là dịp giúp Trung tâm TDTT huyện phát hiện, tuyển chọn các VĐV có tố chất để bồi dưỡng, rèn luyện, đại diện huyện tham gia thi đấu các giải cấp tỉnh. Trong năm 2016, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện đã tuyển chọn và cử 100 VĐV tham gia các giải thể thao cấp tỉnh với thành tích đạt được gồm: 4 Huy chương (HC) Vàng, 11 HC Bạc, 17 HC Đồng và nhiều giải khuyến khích.

Bà Nguyễn Thị Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Gò Công Tây cho biết: Năm qua, được sự quan tâm của lãnh đạo huyện và ngành dọc cấp trên, sự liên tịch chặt chẽ của các ngành hữu quan, đặc biệt là sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, công chức sự nghiệp TDTT từ huyện đến cơ sở nên hoạt động TDTT trên địa bàn đạt hiệu quả cao, góp phần phục vụ đời sống văn hóa - thể thao cho các đối tượng trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số vướng mắc cần tháo gỡ là: Kinh phí phục vụ hoạt động TDTT cấp cơ sở còn hạn chế; cán bộ làm công tác TDTT cơ sở còn kiêm nhiệm nhiều việc và luôn bị biến động về nhân sự nên ảnh hưởng đến việc xây dựng và phát triển phong trào TDTT chung cho toàn địa bàn huyện.

HOÀNG AN

.
.
.