Thứ Bảy, 04/07/2020, 07:53 (GMT+7)
.
Phó Chủ tịch Thường trực VFF Trần Quốc Tuấn:

Kỳ vọng làn gió mới cho bóng đá Việt Nam

Liên quan đến vị trí Giám đốc kỹ thuật (GĐKT) và kế hoạch tổ chức AFF Suzuki Cup 2020 cũng như một số sự kiện quốc tế có đại diện Việt Nam tham dự, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn trả lời phóng viên (PV) xoay quanh các vấn đề này.

Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn bóng đá Việt Nam Trần Quốc Tuấn.
Phó Chủ tịch Thường trực VFF Trần Quốc Tuấn.

* PV: Thưa ông, ông có thể đánh giá về những đóng góp của GĐKT Jürgen Gede trong thời gian hợp tác với VFF?

* Phó Chủ tịch Thường trực Trần Quốc Tuấn: Trước tiên cần khẳng định, trong 4 năm làm việc vừa qua, ông Jürgen Gede với tư cách là GĐKT của VFF đã có những đóng góp hết sức quan trọng với quá trình phát triển của bóng đá Việt Nam, đặc biệt là sự thay đổi về nhân sự cũng như cách thức tổ chức đội tuyển trẻ chuẩn bị cho sự kiện quốc tế.

Bóng đá trẻ Việt Nam cũng đạt được một số thành tích hết sức ấn tượng, đặc biệt là Đội tuyển U19 của chúng ta đã vào đến Vòng bán kết, giành quyền tham dự Vòng chung kết U20 World Cup tại Hàn Quốc năm 2017. Đó là một thành tích ấn tượng hết sức to lớn. Sự thành công ấy mang về cho bóng đá Việt Nam rất nhiều thuận lợi về lực lượng. Nhiều cầu thủ sau kỳ World Cup này đã trưởng thành và có đóng góp vào thành công của Đội tuyển U23 cũng như Đội tuyển quốc gia.

Đứng trước những nhiệm vụ và thách thức mới, VFF quyết định sẽ lựa chọn một người đáp ứng các tiêu chí cụ thể để tiếp tục giúp bóng đá Việt Nam trong quá trình phát triển, ngoài việc hoạch định kế hoạch phát triển bóng đá trẻ Việt Nam, còn chú trọng công tác đào tạo đội ngũ huấn luyện viên bóng đá trẻ. Tân GĐKT Yusuke Adachi là một huấn luyện viên, giảng viên đến từ nền bóng đá Nhật Bản được VFF kỳ vọng và tin tưởng sẽ đáp ứng được các yêu cầu mới.

* PV: Ông có thể cho biết thêm về tân GĐKT Yusuke Adachi?

* Phó Chủ tịch Thường trực Trần Quốc Tuấn: Có thể nói, vai trò của GĐKT khác với huấn luyện viên, do vậy phải tính toán, lựa chọn người phù hợp với những yêu cầu ngày càng cao của bóng đá Việt Nam. Thực tế, nhu cầu phát triển bóng đá trẻ của các trung tâm đào tạo đang diễn ra khá mạnh mẽ, điều này đòi hỏi phải tìm ứng viên không chỉ có khả năng hoạch định, mà cần có thêm kinh nghiệm. Ông Yusuke Adachi từng trải qua nhiều vị trí từ huấn luyện viên đào tạo trẻ của Nhật Bản, GĐKT một số Liên đoàn bóng đá châu Á, tham gia vào chương trình bóng đá trẻ tầm quốc gia Nhật Bản, tham gia sự kiện World Cup với vai trò chuyên gia kỹ thuật một cách chính thức của FIFA.

Trong suốt thời gian làm việc ở AFC, với vai trò giảng viên bằng chuyên nghiệp (Pro), ông Adachi đã tham gia giảng dạy lớp huấn luyện viên Pro đầu tiên của Việt Nam, được các huấn luyện viên trong nước đánh giá rất cao. Qua tìm hiểu, đánh giá và cân nhắc, VFF nhận thấy sự hiện diện của ông Adachi với vai trò GĐKT sẽ giúp VFF chủ động hơn về việc tổ chức các hệ thống đào tạo hiện nay. Các câu lạc bộ rất cần sự chủ động trong nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt các huấn luyện viên bằng B, A, Pro nhằm đáp ứng tiêu chí  phát triển bóng đá chuyên nghiệp của AFC.

PV: Xin ông cho biết, nhiệm vụ của ông Adachi có gì khác so với ông Jürgen Gede?

Phó Chủ tịch Thường trực Trần Quốc Tuấn: Ngoài công việc hoạch định, tổ chức, lên kế hoạch cho các đội tuyển trẻ Việt Nam, ông Adachi sẽ chịu trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực cho bóng đá trẻ Việt Nam, đặc biệt là hệ thống huấn luyện viên trẻ, GĐKT cho các câu lạc bộ và trung tâm bóng đá; phối hợp, nâng cao chất lượng, cập nhật thông tin quốc tế cũng như những phương pháp hiện đại tiên tiến nhất hiện nay để bóng đá Việt Nam có bước tiếp cận ngắn hơn đối với sự phát triển bóng đá quốc tế.

* PV: Theo ông, sự phối hợp của ông Adachi, Huấn luyện viên Park Hang-Seo và Huấn luyện viên Philippe Troussier trong thời gian tới như thế nào?

* Phó Chủ tịch Thường trực Trần Quốc Tuấn: Có thể nói, đây là giai đoạn bóng đá Việt Nam được đầu tư, trên cơ sở có những bước nhảy bậc tiếp cận bóng đá quốc tế. Thành công của Đội tuyển quốc gia, Đội tuyển U23, Đội tuyển trẻ… giúp VFF có kỳ vọng rất lớn vào sự phát triển trong thời gian sắp tới, hướng đến mục tiêu cao hơn, đặc biệt là vòng loại World Cup 2026. Điều này tạo động lực cho chúng ta phải có giải pháp phù hợp trong giai đoạn mới.

Một mặt xây dựng các cầu thủ nằm trong lứa tuổi, một mặt tiếp tục có sự phát triển ổn định bóng đá trẻ. Kết quả đạt được trong thời gian qua là do VFF đã xây dựng kế hoạch định hướng tập trung công tác bóng đá trẻ, từ năm 2015. Để tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch này, ngoài việc các trung tâm bóng đá trẻ ngày càng phát triển mở rộng, bóng đá Việt Nam vẫn cần những chuyên gia giỏi, có kinh nghiệm để cùng VFF tạo nên một tập thể và cùng hoạch định công việc hiệu quả nhất. VFF đánh giá cao sự chuyên nghiệp của các ê-kíp chuyên gia đang làm việc tại các đội tuyển quốc gia, như nhóm của ông Troussier; Huấn luyện viên Park Hang-Seo cùng những trợ lý đến từ Hàn Quốc…

Về phần đào tạo, hoạch định chung, chúng tôi kỳ vọng và đặt nhiệm vụ với ông Adachi. Đây là nhân tố mà VFF có niềm tin sẽ giúp bóng đá Việt Nam phát triển, ổn định và bền vững. VFF kỳ vọng và đặt niềm tin vào GĐKT Adachi sẽ mang đến cho bóng đá Việt Nam làn gió mới.

* PV: Thưa ông, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng thế nào đến kế hoạch của GĐKT?

* Phó Chủ tịch Thường trực Trần Quốc Tuấn: Hiện diễn biến dịch Covid-19 vẫn phức tạp, đường bay quốc tế chưa khôi phục nên các chuyên gia chưa thể vào Việt Nam. Hiện tại, bộ phận điều hành VFF vẫn giữ liên lạc chặt chẽ với ông Adachi. Hy vọng, dịch Covid-19 trên thế giới sớm được kiểm soát và ông Adachi có mặt ở Việt Nam để có thể triển khai công việc của mình.

* PV: Chuyển sang một vấn đề khác cũng quan trọng và dư luận quan tâm, xin ông cho biết AFF Cup 2020 dự định thay đổi thể thức và Việt Nam có cơ hội đăng cai?

* Phó Chủ tịch Thường trực Trần Quốc Tuấn: Vấn đề tổ chức AFF Cup 2020 là nhiệm vụ quan trọng của AFF. Trong cuộc họp trực tuyến gần đây, Hội đồng AFF đã thảo luận và hy vọng cuối tháng 10, đầu tháng 11 hoạt động bóng đá quốc tế diễn ra bình thường. Hội đồng cũng xác định những tình huống xấu có thể xảy ra và đề xuất: Nếu tất cả các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á không kiểm soát tốt dịch Covid-19 thì phải có giải pháp cụ thể. Phương án xấu nhất, đề xuất giải tổ chức ở một hoặc hai quốc gia đã kiểm soát dịch bệnh tốt và được Chính phủ cho phép tổ chức các hoạt động thể thao nói chung, bóng đá nói riêng. Hiện AFF đã thành lập tổ đặc biệt để theo dõi, cập nhật tình hình và đưa ra giải pháp để có hướng xử lý, ứng phó kịp thời.

Cũng xin nói thêm, dịch Covid-19  đang tiếp tục ảnh hưởng đến hệ thống thi đấu, đặc biệt là vòng loại World Cup, AFC Champions League, AFC Cup… AFC dự kiến tháng 10 các giải cấp câu lạc bộ của châu Á sẽ diễn ra với phương thức tập trung; trận đấu của vòng loại World Cup kỳ vọng được diễn ra theo lịch của FIFA. Hy vọng với sự kiểm soát, khống chế của các nước châu Á, kế hoạch này sẽ được diễn ra, đồng nghĩa AFF Cup 2020 diễn ra bình thường.

* PV: Xin ông cho biết kế hoạch chuẩn bị của các đội tuyển quốc gia trong thời gian tới?

* Phó Chủ tịch Thường trực Trần Quốc Tuấn: Sự ảnh hưởng của Covid-19 không chỉ liên quan đến Việt Nam mà với các nước trong khu vực, châu lục và thế giới. Tuy nhiên, Thường trực Ban Chấp hành VFF luôn theo sát và chỉ đạo bộ phận điều hành xây dựng và báo cáo các kế hoạch theo từng kịch bản để có sự chủ động, đặc biệt là chuẩn bị cho các trận đấu tiếp theo của vòng loại World Cup 2022, AFF Cup 2020 và xa hơn là SEA Games 2021 tổ chức tại Việt Nam. Kế hoạch hoạt động của các đội tuyển quốc gia luôn có sự hỗ trợ của Hội đồng Huấn luyện viên quốc gia, nhằm có sự chuẩn bị tốt nhất.

Liên quan đến quá trình chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2022, VFF đã có kế hoạch cho Đội tuyển Việt Nam thi đấu giao hữu quốc tế, dự kiến ngày 8-10 sẽ đá với Kyrgyzstan để chuẩn bị cho trận đấu với Malaysia cũng như hai trận đấu tiếp theo vào ngày 17-11 và 23-11.

Ngày 1-7, Đội tuyển U22 quốc gia đã tập trung ngắn hạn nhằm giúp Huấn luyện viên Park Hang Seo có sự kiểm tra, đánh giá và trong thời gian tới sẽ tiếp tục một số đợt tập trung ngắn hạn khác. Ngoài ra, theo dự kiến, tháng 12-2020, Đội tuyển U22 Việt Nam sẽ sang Pháp tập huấn và thi đấu giải giao hữu Toulon (trước đây dự kiến tổ chức vào tháng 6). Đây là giải đấu hết sức giá trị dành cho lứa cầu thủ dự Olympic, các cầu thủ của Đội tuyển U22 Việt Nam sẽ có cơ hội thi đấu với các đội châu Âu, châu Mỹ, qua đó có sự chuẩn bị cho vòng loại U23 châu Á (AFC quyết định diễn ra vào tháng 10-2021) cũng như SEA Games 2021.

* PV: Xin cảm ơn ông!

CAO TƯỜNG (thực hiện)

.
.
.