Thứ Ba, 03/04/2012, 06:38 (GMT+7)
.

Chủ động giải quyết kịp thời các vụ ngừng việc tập thể

Đó là đề nghị của bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc với Tổ công tác liên ngành tỉnh, huyện Châu Thành và 10 doanh nghiệp của Khu công nghiệp (KCN) Tân Hương (Châu Thành) về tìm kiếm những giải pháp giải quyết các vụ ngừng việc tập thể. Buổi làm việc diễn ra vào chiều ngày 30-3.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, trong 3 tháng đầu năm 2012, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ ngừng việc tập thể, trong đó KCN Tân Hương xảy ra 3 vụ. Tính đến thời điểm hiện nay, tại KCN Tân Hương đã xảy ra 10 vụ ngừng việc tập thể tại 4 doanh nghiệp; trong đó Công ty TNHH Dụ Đức Việt Nam xảy ra 4 vụ,  Công ty TNHH Quảng Việt 3 vụ, Công ty TNHH Freeview 2 vụ, Công ty TNHH Count Vina 1 vụ.

Hầu hết các doanh nghiệp xảy ra ngừng việc tập thể là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, có ngành nghề sản xuất tương đối giống nhau như: gia công hàng may mặc, giày da, túi xách… Các vụ ngừng việc tập thể xảy ra với tính chất, mức độ diễn biến khác nhau, trong đó Công ty TNHH Dụ Đức có số vụ ngừng việc tập thể nhiều nhất, kéo dài và phức tạp.

Qua ngừng việc tập thể, công nhân đưa ra các yêu cầu như: Tăng lương cơ bản; thực hiện những cam kết về quy định thưởng sản lượng; cải thiện chất lượng bữa ăn; tăng các khoản hỗ trợ về xăng, xe, nhà trọ, sinh hoạt phí; định mức giao khoán sản lượng cao; tăng ca làm việc; quy định thưởng chuyên cần không hợp lý và quan hệ ứng xử giữa cán bộ quản lý và người lao động (NLĐ).

Công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Quảng Việt.
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Quảng Việt.

Theo phân tích của Tổ công tác liên ngành tỉnh, nguyên nhân chủ yếu của các vụ ngừng việc vừa qua là do mức thu nhập của NLĐ tại các doanh nghiệp vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của các doanh nghiệp cùng ngành nghề.

Trong khi đó, điều kiện lao động với cường độ cao và thời gian kéo dài; điều kiện đi lại, nhà ở và các phúc lợi công cộng tại KCN cũng như nơi làm việc còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu sinh hoạt của NLĐ.

Ngoài ra, giá cả biến động tăng, khi có điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô đã ảnh hưởng đến đời sống của NLĐ nhưng các doanh nghiệp chưa kịp nắm bắt, điều chỉnh để kịp thời hỗ trợ cho NLĐ.

Trong khi đó, việc tiếp xúc, đối thoại giữa chủ doanh nghiệp và NLĐ không được tổ chức thường xuyên nên tâm tư, nguyện vọng của công nhân chưa được xem xét, giải quyết thỏa đáng, dẫn đến phát sinh tranh chấp lao động.

Trên thực tế, một số công nhân quá khích đã kích động các công nhân khác bỏ việc, có hành vi gây hấn với cán bộ quản lý, điều hành và hăm dọa, uy hiếp tinh thần làm cho công nhân sợ không vào làm việc. Một số cán bộ quản lý cũng có thái độ cư xử không tốt nhưng chưa được doanh nghiệp điều chỉnh, xử lý kịp thời.

Qua nỗ lực giải quyết của các ngành và chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, đến nay, cơ bản các vụ ngừng việc tập thể xảy ra từ ngày 15-3 đã kết thúc và công nhân đều đã trở lại xưởng làm việc. Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng thì các vụ ngừng việc tập thể vẫn có khả năng tái diễn và tác động lây lan đến các doanh nghiệp trong và ngoài KCN.

Do đó, để hạn chế và giải quyết các vụ ngừng việc tập thể một cách kịp thời cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, trong đó việc nắm bắt tình hình, lắng nghe và chủ động giải quyết của lãnh đạo doanh nghiệp là rất quan trọng.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Trần Kim Mai đề nghị các doanh nghiệp cần cập nhật mặt bằng tiền lương chung để xây dựng các chính sách hợp lý về tiền lương, các chính sách hỗ trợ để đảm bảo thu nhập cho NLĐ. Doanh nghiệp cần cải thiện chất lượng bữa ăn; tăng cường tiếp xúc, đối thoại với NLĐ để kịp thời nắm bắt tâm tư và xem xét, giải quyết những yêu cầu chính đáng của NLĐ.

Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là trang bị các thiết bị truyền thông, dành nhiều thời gian cho công nhân lao động được trang bị kiến thức pháp luật.

Doanh nghiệp cần tạo điều kiện cho tổ chức Công đoàn thực hiện nhiệm vụ làm “cầu nối” giữa doanh nghiệp và NLĐ. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng năng lực cán bộ quản lý của đơn vị mình; tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương sau khi đã giải quyết các vụ ngừng việc tập thể xảy ra.

Riêng đối với các cơ quan chức năng, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động để doanh nghiệp và NLĐ hiểu biết đầy đủ; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật lao động.

Cần sớm xây dựng và ban hành quy chế phối hợp giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp để có sự thống nhất về quy trình giải quyết các vụ ngừng việc tập thể. Rà soát việc áp dụng thực hiện các quy định pháp luật về lao động, nhất là trong quản lý và thực hiện các chính sách đối với NLĐ ở các doanh nghiệp.

PHƯƠNG NGHI

.
.
.