Thứ Tư, 18/04/2012, 13:47 (GMT+7)
.

Sách - đọc, cảm nhận, chia sẻ và…

Khi trích dẫn, nêu luận cứ, chứng cứ, căn cứ… người ta thường lấy ra từ sách. Tỷ như “Sách xưa chép rằng…”; vậy nên đương nhiên ta biết rằng sách ra đời rất sớm và tồn tại mãi mãi như câu châm ngôn “Sách là tri thức”.

Ngày nay, dù công nghệ thông tin phát triển vượt bậc, người ta chế tạo ra nhiều sản phẩm, công cụ đọc sách, song khi được tặng một quyển sách, đặc biệt là do chính tác giả ký tặng thì trân trọng và quý hóa làm sao. Dẫn nhập đôi điều như vậy để xin hầu chuyện qua vài tình huống đọc, cảm nhận và chia sẻ cùng sách, nhất là trong thời buổi văn hóa đọc bị mai một.

Nỗi oan tựa sách

Anh bạn đi học dài hạn tận thủ đô mang về khoe với đồng sự quyển sách “Thú ăn chơi người Hà Nội”. Bất ngờ vị lãnh đạo đến, bắt gặp. Mới lướt qua tên sách, ông ta phán một câu: “Cậu đi học không tìm sách tốt mà đọc, đọc chi cái chuyện ăn chơi ngoài ấy”. Không chỉ mất hứng, anh bạn còn cảm thấy bị hàm oan.

Quyển sách tác giả viết về “thú ăn chơi” chính là: Ăn - văn hóa ẩm thực với những món đặc sản, truyền thống; tỷ như bún chả, bún than, bún ốc, phở Hà thành… Còn chơi thì theo cái nghĩa “chơi cho lịch mới là chơi”, tỷ như chơi sách, chơi tranh, chơi đồ cổ…

Nỗi oan về sách của anh may mà được đồng sự chia sẻ, nhất là cùng cảm nhận, bởi anh bạn này là người đi học khóa tiếp theo. Còn vị lãnh đạo kia, mãi đến sau mới ngộ ra mình “phán oan” cấp dưới. Thôi thì, âu cũng là một tình huống cùng nhau đọc, cảm nhận, chia sẻ cùng sách.

Đọc sách là một thói quen tốt. Ảnh: tiengiang.gov.vn
Đọc sách là một thói quen tốt. Ảnh: tiengiang.gov.vn

Sách mới mà sớm… chết!

Tại một hội nghị, có vị cán bộ lãnh đạo phát biểu như than phiền (đại ý) là: Có dịp đến các cơ quan từ tỉnh đến cơ sở phát hiện sách được phát, sách mua vẫn còn trong bao, chưa rọc những trang còn dính… đó là bằng chứng sống về đọc và sử dụng sách còn lãng phí (từ ngân sách - dù nhỏ).

Trong đó đặc biệt là sách về pháp luật, về hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ… Vị cán bộ lãnh đạo này kết một câu khá sâu sắc, thậm chí gay gắt: Sách mới mà sớm… chết!

CLB sách

Trong thời gian chờ giải quyết công việc, ghé vào một quán cà phê rồi vô tình nghe - thấy một nhóm bạn trẻ bàn luận rôm rả về một cuốn sách. Lòng cảm thấy vui, quên đi phiền muộn. Tối về xem tivi, có chương trình giới thiệu CLB sách với cách làm tương tự như trường hợp đã chứng kiến. Niềm vui lâng lâng, dù chương trình tivi đã gần nửa đêm.

Cả hai tình huống thôi thúc viết bài này nhằm khuyến nghị việc tổ chức các CLB do bạn trẻ thực hiện với sự gợi mở và bảo trợ của những người làm sách và tổ chức Đoàn. Những cuốn sách hay, bổ ích cho từng giới, nhất là giới trẻ được phổ biến hơn sau khi các thành viên cùng đọc và chia sẻ với nhiều góc độ cảm nhận.

Đặc biệt là những cuốn sách triết luận, sách chuyên ngành… khó đọc một mạch, cần nghiền ngẫm để hiểu, để thấm thía… nâng tâm hồn, bồi bổ kiến thức. Có lẽ chừng ấy gợi mở cũng cho thấy cần nhân mô hình, góp phần xây dựng văn hóa đọc xứng đáng trong xã hội hiện tại.

Câu chuyện về sách - đọc, cảm nhận, chia sẻ… chắc chắn không mới và không thể nào khẳng định hết mặt tích cực, song vẫn còn nhiều tình huống “nực cười” về văn hóa đọc, về sự lãng phí sách, về sự lấn lướt của các phương tiện, loại hình đối với văn hóa đọc.

Xin tạm kết thúc bằng một câu nói đáng suy gẫm để cùng tham khảo: “Lười đọc, lười suy nghĩ cũng là một biểu hiện của suy thoái”.

NGƯỜI SÔNG TIỀN
 

.
.
.