Chủ Nhật, 06/05/2012, 08:09 (GMT+7)
.

Điều đọng lại qua hội thi tuyên truyền lưu động năm 2012

Qua 4 đêm thi diễn, với 10 kịch bản mang màu sắc khác nhau đã thu hút lượng khán giả đáng kể, góp phần tuyên truyền 2 đề tài lớn: Xây dựng nông thôn mới và an toàn giao thông.

Hội thi lần này xuất hiện nhiều gương mặt trẻ đầy triển vọng như: Kim Thoa, Ngọc Thạch, An Khương (Chợ Gạo); Đặng Thị Tính (Cái Bè); Ngọc Trầm (Gò Công Đông)… Ngoài những tác giả kịch bản quen thuộc như: Trà Mi, Ngọc Lệ, Hoàng Ly…, còn xuất hiện các tác giả mới đáng khích lệ như: Lê Hậu (Cái Bè), Mỹ Linh (Châu Thành)…

Một nét mới trong sử dụng phương tiện là phần lớn các đội tận dụng phim đèn chiếu hình ảnh trực quan để hỗ trợ cho phần tuyên truyền thêm hấp dẫn nhằm tăng hiệu ứng. Chỉ tiếc là có đơn vị lạm dụng phương tiện này chiếu luôn những đoạn video clip diễn kịch làm giảm hiệu quả sáng tạo.

Một cảnh trong kịch bản “Ngày mai sẽ vui hơn” của Đội Tuyên truyền lưu động huyện Chợ Gạo.
Một cảnh trong kịch bản “Ngày mai sẽ vui hơn” của Đội Tuyên truyền lưu động huyện Chợ Gạo.

Bên cạnh những kết quả mang lại, qua hội thi cũng bộc lộ nhiều vấn đề đáng quan tâm. Điều bức xúc đầu tiên là có chương trình lắp ráp những tiểu phẩm cũ mà vẫn được Ban tổ chức trao giải cao, chọn công diễn.

Hội thi Tuyên truyền lưu động (TTLĐ) năm  nay diễn ra từ ngày 20 đến 26-4 theo 3 cụm, với khoảng 80 diễn viên và nhạc công của 10 huyện (thị, thành) tham gia.

Đêm 28-4, sau cuộc họp rút kinh nghiệm, Ban tổ chức hội thi đã tổ chức công diễn 2 chương trình của Cai Lậy, TX. Gò Công và trao 10 giải chương trình: Giải I: Cai Lậy; đồng giải II: TP. Mỹ Tho và TX. Gò Công; đồng giải III: Chợ Gạo, Gò Công Đông và Tân Phước cùng 2 giải thuyết trình, 7 giải diễn viên xuất sắc...

Mặt khác, giải thưởng cá nhân nặng về phần diễn viên (10 đơn vị có 7 diễn viên xuất sắc), trong khi đó mỗi chương trình đều có từ 2 - 3 tuyên truyền viên nhưng không có giải thưởng “Tuyên truyền viên xuất sắc”. Điều này chưa phản ánh đúng tính chất của hội thi là “tuyên truyền lưu động”.

Về kịch bản, như đã đề cập, có tác giả mới, song trong 10 chương trình, Ban tổ chức chọn được 1 (xin nhấn mạnh chỉ có 1) kịch bản trội nhất để trao giải nhằm khuyến khích lực lượng sáng tác.

Thiết nghĩ, hiện nay các đội TTLĐ đang bị áp lực của các kênh giải trí truyền hình, sau một ngày lao động mệt nhọc, khán giả chỉ muốn nằm nhà để xem tivi, cho nên việc khuyến khích tác giả có những kịch bản hay, tuyên truyền viên giỏi, trực quan hấp dẫn để thu hút người xem là việc cần khích lệ.

Về thành phần Ban giám khảo đến 5 vị, nhưng không có một vị nào là đạo diễn sân khấu, vì vậy kết quả thẩm định, chấm giải khiến có nhiều đội chưa (không) “tâm phục, khẩu phục”. Đây cũng là yếu tố làm cho buổi họp rút kinh nghiệm và tổng kết hội thi có phần tẻ nhạt…

Hội thi tuyên truyền lưu động hay thông tin lưu động là hoạt động có tính định kỳ nhằm đánh giá hoạt động và góp phần nâng cao chất lượng loại hình này. Đối với các đơn vị tham gia, bên cạnh nhận thức đúng đắn vẫn còn suy nghĩ đáng quan tâm, đó là ứng phó để không bị trừ điểm thi đua. Có lẽ đây là vấn đề đáng ray rứt…

NGUYỄN THỊ TÁM

.
.
.