Thứ Sáu, 29/06/2012, 11:23 (GMT+7)
.

Những cung bậc cảm xúc từ một hội diễn văn nghệ cấp cơ sở

Nằm trong chương trình Hội thi “Tổ chức hoạt động nhà văn hóa các xã (phường, thị trấn) tỉnh Tiền Giang” năm 2012, phường 4 (TX. Gò Công) tiếp tục tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng lần thứ VII - năm 2012 nhằm nâng cao năng lực sáng tác, biểu diễn và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Hội diễn lần này thật sự là ngày hội, với sự tham gia của 8 đội văn nghệ quần chúng (gồm 5 đội văn nghệ của khu phố và 3 trường học, trong đó có sự tham dự của trường Trung cấp Nghề khu vực Gò Công), với 39 tiết mục đơn ca, song ca, ca cổ, tốp ca, múa, ca múa, kịch và chập cải lương,

Hội diễn được tổ chức trong 3 đêm 20, 21 và 22-6, đã tạo ra sự vui tươi, phấn khởi trong cộng đồng dân cư.

Tiết mục tốp ca “Bốn ngàn năm rực rỡ gấm hoa” do Đội văn nghệ trường Trung cấp Nghề khu vực Gò Công biểu diễn.
Tốp ca “Bốn ngàn năm rực rỡ gấm hoa” do Đội văn nghệ trường Trung cấp Nghề khu vực Gò Công biểu diễn.

Qua các đêm thi diễn, hội diễn văn nghệ chỉ mang tính chất và quy mô quần chúng, nhưng chất nghệ thuật trong biểu diễn của các diễn viên đã thật sự gây cảm hứng cho người xem qua phong cách biểu diễn tự nhiên, thể hiện sự tự tin, làm chủ sân khấu (như đội văn nghệ trường Trung cấp Nghề khu vực Gò Công). Các diễn viên nhập vai tốt, thu hút được sự quan tâm theo dõi của người xem (qua phần trình bày của đội văn nghệ khu phố 4).

Về phong cách biểu diễn, nếu như đội văn nghệ khu phố 2 tập hợp được nhiều học sinh THPT toát lên vẻ ngây thơ, hồn nhiên, đậm chất học trò thì đội văn nghệ khu phố 5 với đặc điểm là khu phố còn mang nhiều dáng dấp nông thôn, đã thể hiện đậm nét tính nông dân chất phác trong trang phục, cũng như trong phong cách biểu diễn. Từ đó, các đội đã góp phần tô điểm cho chương trình hội diễn đa dạng sắc màu và nội dung phong phú.

Với kinh phí hỗ trợ hạn hẹp từ 500.000 - 700.000 đồng cho mỗi đội, nhưng các đội (nhất là đội văn nghệ của các khu phố) đã có rất nhiều cố gắng khắc phục khó khăn để thuê mướn đạo cụ, trang phục đẹp, đảm bảo hài hòa các yếu tố truyền thống và hiện đại cho chương trình (như đội văn nghệ khu phố 2 và khu phố 3). Nhiều đội đảm bảo yêu cầu đủ 4 nhóm thể loại, nhất là thể loại múa, ca múa, múa minh họa vốn đòi hỏi tính nghệ thuật cao dù biên đạo là “cây nhà lá vườn” cũng đã xây dựng nhiều tiết mục được dàn dựng công phu, sinh động, nhịp nhàng và đẹp mắt.

Về thể loại kịch, đơn vị trường Tiểu học P.4 thể hiện đậm nét tính nhân văn và có tính giáo dục cao trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Riêng đội văn nghệ khu phố 1 đã phản ánh thực trạng đời sống xã hội và mục tiêu của cuộc vận động xây dựng phường lành mạnh không có tệ nạn mại dâm, ma túy bằng tiểu phẩm, đã góp phần tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức phòng, chống tệ nạn ma túy trong cộng đồng xã hội.

Nhiều đội văn nghệ có xây dựng chủ đề và có bố cục chương trình hợp lý (như đội văn nghệ trường Trung cấp Nghề khu vực Gò Công, trường Mầm non và khu phố 2). Nét mới tại hội diễn lần này là hầu hết các đội đều có người dẫn chương trình riêng của đội mình, được biên tập hoàn chỉnh. Riêng về cấu trúc chương trình của đội văn nghệ trường Tiểu học P.4 và trường Trung cấp Nghề khu vực Gò Công có sự chuyển đoạn, chuyển cảnh của từng tiết mục một cách chặt chẽ.

Nhìn chung, chương trình của các đội được đầu tư dàn dựng theo cấu trúc hợp lý, phù hợp với chủ đề riêng của từng đội. Từ đó đã góp phần đáng kể vào sự thành công của hội diễn. Nói một cách tổng quát, hội diễn lần nầy đã có sự quan tâm lãnh đạo, tập dợt công phu của tất cả các đội văn nghệ. Nhiều đội có chương trình rất đều, quy tụ đông đảo nhiều diễn viên, kết hợp hài hòa các lứa tuổi (như trường Tiểu học P.4, trường Trung cấp Nghề khu vực Gò Công), thể hiện được chất trẻ trung, vui tươi, sinh động và nhiều màu sắc.

Cũng qua Hội diễn văn nghệ quần chúng lần VII - năm 2012, các đội văn nghệ quần chúng đã đưa khán giả quay về với những năm tháng hào hùng của dân tộc Việt Nam qua tiết mục ca múa “Dòng máu Lạc hồng”; thể hiện lòng yêu nước nồng nàn với biển, đảo quê hương qua ca khúc “Gần lắm Trường sa” hay để lại cho người xem cảm xúc dâng trào về Tổ quốc mến yêu qua tiết mục ca múa “Bốn ngàn năm rực rỡ gấm hoa”.

Kết quả qua 3 đêm hội diễn, Ban tổ chức đã trao giải I cho đội văn nghệ trường Tiểu học P.4, giải II cho trường Trung cấp Nghề khu vực Gò Công, giải III đồng hạng cho khu phố 1 và khu phố 3; đồng thời còn trao tặng nhiều giải tiết mục với tổng giá trị tiền thưởng trên 6 triệu đồng. Phần thưởng lớn hơn là sự cổ vũ nhiệt tình, niềm tin yêu chân thành của đông đảo quần chúng vào những giá trị nghệ thuật và sức lan tỏa tích cực vào cuộc sống mà các đội đã cống hiến cho khán giả.

Sau 3 năm kể từ ngày ra mắt phường văn hóa (ngày 16-1-2001), P.4 đã 2 lần tổ chức liên hoan văn nghệ quần chúng. Lần thứ ba vào năm 2004, liên hoan văn nghệ được nâng cấp lên thành hội diễn cho đến năm 2012 là lần thứ bảy.

Việc nâng cấp liên hoan lên thành hội diễn và được tổ chức liên tục qua các năm được ví như là sự thăng hoa của từng nốt nhạc, là khúc nhạc trôi chảy của từng lời ca, tiếng hát yêu đời, yêu cuộc sống thắm tươi của người dân phường 4.

PHẠM DANH HIẾU
 

.
.
.