Thứ Sáu, 03/08/2012, 11:01 (GMT+7)
.

Dư âm từ hội thi, liên hoan kỷ niệm ngày thương binh - liệt sĩ

Tháng qua, đã có nhiều hoạt động văn hóa -  nghệ thuật kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) như: Chương trình biểu diễn tri ân của nghệ sĩ Đào Vũ Thanh; hội thi hát karaoke; cuộc thi ảnh nghệ thuật… Nổi bật là Hội thi Tiếng hát CNVC-LĐ lần thứ XVII và Liên hoan Nghệ thuật quần chúng tỉnh Tiền Giang năm 2012 với 2 đề tài lớn: Biển, đảo và ca ngợi anh hùng liệt sĩ, người có công trong 2 cuộc kháng chiến…

Múa “Tình đồng chí” (TP. Mỹ Tho) gây xúc động người xem trong Liên hoan Nghệ thuật quần chúng.
Múa “Tình đồng chí” (TP. Mỹ Tho) gây xúc động người xem tại Liên hoan Nghệ thuật quần chúng.

Hội thi Tiếng hát CNVC-LĐ đã thu hút 44 LĐLĐ huyện (thành, thị) và các Công đoàn ngành, cơ quan trực thuộc trên địa bàn tỉnh, với 100 tiết mục dự thi của gần 400 diễn viên và nhạc công. Đã có 54 tập thể và cá nhân được tặng giải thưởng.

So với những năm trước, Hội thi Tiếng hát CNVC-LĐ lần này được dàn dựng khá công phu và lực lượng tham gia đông hơn. Do chấm giải chương trình nên các đơn vị tham gia đã biên tập chương trình hội thi có chủ đề rõ ràng.

Đề tài “Biển, đảo yêu thương” được rất nhiều đơn vị tập trung dàn dựng. Hình ảnh người lính hải quân thường xuyên xuất hiện làm “nóng” sân khấu và nhiều bài hát về Trường Sa, Hoàng Sa làm xúc động lòng người. Đó là các giai điệu: Tổ quốc nhìn từ biển, Tiếng hát nơi đảo xa, Huyền tích Trường Sa, Gần lắm Trường Sa

Bên cạnh đó, các đơn vị có nhiều tiết mục ca ngợi giai cấp công nhân và người lao động, với những ca khúc: Công đoàn ca, Bài ca lao động, Bài ca xây dựng… và nhiều ca khúc tự biên ca ngợi ngành nghề của mình.

Mỗi đơn vị một sắc thái khác nhau, rất nhiều tiết mục ca múa được dàn dựng công phu, hoành tráng, trang phục đẹp, tạo hiệu ứng tốt từ phía người xem. Có thể kể: Tốp ca múa của LĐLĐ TP. Mỹ Tho với “Tổ quốc yêu thương”, sáng tác Hoàng Việt và “Công đoàn ca”, tác giả Đỗ Hồng Quân, dàn dựng Công Danh; hay ca múa “Huyền tích Trường Sa” của đơn vị TX. Gò Công, do Thanh Hiền dàn dựng…

Đêm 24-7, Liên hoan Nghệ thuật quần chúng (NTQC) tỉnh Tiền Giang năm 2012 khai mạc tại Trung tâm VH-TT huyện Châu Thành, với sự tham gia của 10 huyện (thị, thành) và Sở GD-ĐT. Khác với Hội thi Tiếng hát CNVC-LĐ, Liên hoan NTQC không chấm giải chương trình, các tiết mục dự thi không chỉ đơn ca, song ca, tốp ca và ca múa mà còn mở rộng thêm thể loại múa độc lập, kịch ngắn, chập cải lương.

48 tiết mục được trên 200 diễn viên, nhạc công thể hiện bằng những giai điệu, sắc màu khác nhau. Nhiều tiết mục ca múa rất hoành tráng và đạt chất lượng cao, thể hiện hòa âm phối khí hay, diễn viên giỏi và người dàn dựng có ý tưởng tốt.

Đặc biệt là 2 tác phẩm múa: “Người mẹ đất Long Hưng” của huyện Châu Thành đã được Phương Trâm (đoạt giải diễn viên xuất sắc) và tốp nam nữ biểu diễn khá tốt, nội dung ca ngợi Anh hùng Nguyễn Thị Thập; hay phần biểu diễn của Thùy Dương, Bảo Huy cùng nhóm nữ của TP. Mỹ Tho trong tác phẩm múa “Tình đồng chí”.

Hai diễn viên trẻ này đã phối hợp nhuần nhuyễn, bằng ngôn ngữ múa đã lột tả tình cảm đồng đội lúc nguy nan, bị đói, khát giữa rừng vắng… Tiết mục này đã đoạt nhiều giải thưởng: Giải A, giải tiết mục xuất sắc nhất, giải diễn viên xuất sắc cho Bảo Huy.

Và trong 11 đơn vị tham gia liên hoan, chỉ có 5 kịch bản nhưng duy nhất kịch bản “Nghĩa tình dâng mẹ” (TX. Gò Công) là đạt yêu cầu về cấu tứ kịch bản, nội dung chủ đề 27-7 đã được Ban tổ chức khen thưởng.

Đơn vị huyện Chợ Gạo lại chọn đề tài an toàn giao thông, khiến người xem không rõ kịch bản ở thể loại kịch bản sân khấu hay thông tin tuyên truyền, giống như một cung đàn lỗi nhịp, làm giảm đi cái đẹp đa sắc màu của liên hoan.

Hội thi “Tiếng hát CNVC-LĐ lần thứ XVII” và Liên hoan NTQC tỉnh Tiền Giang năm 2012 đã kết thúc với nhiều ấn tượng khó phai. Có nhiều đơn vị “tự thân vận động” không thuê mướn thầy dạy hát, biên đạo, đạo diễn nhưng vẫn tạo sức hút cho khán giả như: Gò Công Tây, Tân Phú Đông, TX. Gò Công, Cái Bè, Tân Phước…

Một số gương mặt mới với thành tích khá tốt ở Hội thi Tiếng hát CNVC-LĐ như: Thanh Danh (TX. Gò Công), đôi song ca Hoàng Linh - Ngọc Trầm (Gò Công Đông), Thanh Thảo (Gò Công Đông), Thanh Tuấn (Cai Lậy). Hay ở Liên hoan NTQC có: Kim Tính (Cái Bè), Bảo Huy (TP. Mỹ Tho), Phương Trâm (Châu Thành)…

Điều đáng khích lệ là sự xuất hiện dàn nhạc của Sở GD&ĐT với sáo trúc, đàn bầu, guitar, organ, trống... đã tạo sự hòa quyện tâm hồn giữa diễn viên và nhạc sĩ (từ lâu hội diễn chỉ sử dụng nhạc dĩa) nên Ban tổ chức đã trao giải thưởng cho dàn nhạc của Sở GD&ĐT là xứng đáng.

Tuy nhiên, 2 cuộc hội thi và liên hoan đã diễn ra liền kề làm cho phần lớn lực lượng cán bộ phụ trách chuyên môn của các huyện (thành, thị) không khỏi lúng túng và vất vả trong việc chọn lựa diễn viên, tập dợt, chọn tác phẩm dự thi…

Khoảng 60% diễn viên và các tiết mục đã dự thi “Tiếng hát CNVC-LĐ” lại tiếp tục có mặt trong Liên hoan NTQC. Điều này thể lệ cuộc thi không cấm, nhưng thiết nghĩ nếu như 2 ngành cùng phối hợp tổ chức chung hội thi, các đơn vị tham gia sẽ xây dựng chương trình với thời lượng dài hơn một chút, có đầy đủ các thể loại: ca, múa, kịch… thì tin rằng hội thi sẽ rầm rộ hơn và giá trị giải thưởng được nâng lên cho xứng đáng với công sức đầu tư dàn dựng; đồng thời tiết kiệm được kinh phí tổ chức.

ÁI QUỲNH

.
.
.