Thứ Năm, 22/11/2012, 13:14 (GMT+7)
.

70 năm “Dế mèn phiêu lưu ký”

Tác phẩm đầu tay của nhà văn Tô Hoài, được viết ra khi ông mới 17 tuổi. Hơn 70 năm qua kể từ khi in những trang đầu tiên trên báo Tân Dân, “Dế mèn phiêu lưu ký” vẫn tiếp tục hấp dẫn bạn đọc nhỏ tuổi.

Cuộc hội thảo kỷ niệm 71 năm tác phẩm đặc biệt này vừa được Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức với sự tham dự của nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu lão thành và các thế hệ bạn đọc.
 

93 tuổi, sức khoẻ mấy năm nay không được tốt, nhưng nhà văn Tô Hoài vẫn có mặt tại buổi kỷ niệm “mừng thọ” tác phẩm đầu tay và nổi tiếng của mình.

Ông nhớ lại: “Năm tôi 17 tuổi, các ông mở cái tủ sách Truyền bá, bảo tôi viết cái truyện gì đăng cho chỗ ấy. Thế là tôi viết Con Dế mèn, khoảng 30 trang. Cụ Vũ Đình Long cho in trên Tân Dân. Mấy ngày sau, cụ ấy gọi tôi về Hà Nội, bảo bán chạy lắm, trả tôi năm đồng nhuận bút (hồi đó ba đồng mua được một tạ gạo) và bảo tôi viết tiếp. Tôi về viết tiếp, nối vào truyện Con Dế mèn thành Dế mèn phiêu lưu ký”.

Nhà văn Vũ Nho kể: “Trong ký ức của tôi, cuộc Đấu võ của Dế Trũi với Bọ Muỗm, của Dế Mèn với Bọ Ngựa là một cuộc đấu tuyệt vời. Khi ấy, tôi đâu có biết nhà văn Tô Hoài, cũng chẳng biết tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký. Tôi chỉ biết cuộc đấu võ trích trong sách Tập đọc ấy gây cho mình cảm giác thích thú, vì tính cách kiêu ngạo, hống hách, thù dai của mấy nhân vật ấy chẳng khác mấy với những tay choai choai trong bọn trẻ chúng tôi”.

Nhà văn Vũ Nho có lẽ là một bạn đọc thuộc thế hệ tuổi nhỏ đầu tiên đọc “Dế mèn phiêu lưu ký”. Theo ông, tác phẩm không chỉ hấp dẫn, cuốn hút bạn đọc bởi nội dung tiến bộ, tích cực mà còn hấp dẫn bởi nghệ thuật quan sát, miêu tả tinh tế của một nhà văn bậc thầy tài năng chín sớm.

Còn theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Dế Mèn mang theo lý tưởng của chàng trai phủ Hoài bên sông Tô lên đường làm một cuộc trường chinh của tuổi trẻ.

Giã từ cái hang chật hẹp buổi đầu đời, giã từ hai ông anh nhát sợ và lụ khụ, Dế Mèn có trong lòng lời dặn dò khích lệ của mẹ, kết bạn tri âm với Dế Trũi, đi tìm bạn bè cùng chí hướng kết liên thành một khối thống nhất tiến tới một ngày mai tươi sáng. Có thử thách hoạn nạn càng tôi rèn chí khí. Sống độc lập từ nhỏ Dế Mèn không ngại xông pha vào những nơi chốn lạ, cốt sao được đi đó đi đây, mở mang tầm nhìn.

Cái thời của Dế Mèn đối với lớp trai trẻ đang tìm một hướng đi đúng đắn có ích cho cuộc đời mình thì đi là một thôi thúc giục giã. “Đi bạn ơi đi, sống đủ đầy / Sống trào sinh lực bốc men say / Sống tung sóng gió thanh cao mới / Sống mạnh dù trong một phút giây” (Tố Hữu). Dế Mèn mang chở nỗi háo hức đó của tác giả, của một thế hệ thanh niên, và từ trang văn Dế Mèn đã truyền được cho nhiều thế hệ bạn đọc tinh thần lên đường ấy.

Nhà văn Tô Hoài có lần từng nói, ông viết Dế Mèn với khát khao lý tưởng đi tìm một thế giới đại đồng. Và cuốn sách của ông đã “chu du” gần 40 nước, được trẻ em khắp nơi trên thế giới thích thú và say mê. Đây có lẽ cũng là tác phẩm mà suốt gần 71 năm qua, hầu như năm nào cũng được tái bản. Đồng thời, tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa và có thể coi là “bạn đồng hành” của các thế hệ học sinh Việt Nam trong suốt 7 thập kỷ qua.

Tại buổi kỷ niệm này, NXB Kim Đồng trưng bày những ấn bản “Dế mèn phiêu lưu ký” do Nhà xuất bản Kim Đồng cùng một số các nhà sưu tập sách cá nhân thực hiện. Bên cạnh đó là triển lãm 14 minh họa được rút tỉa từ các ấn bản Dế mèn phiêu lưu ký khác nhau do nhiều họa sĩ thực hiện như: Trương Qua, Ngô Mạnh Lân, Thành Chương và Tạ Huy Long…

(Theo nhandan.com.vn)

.
.
.