Thứ Ba, 27/11/2012, 14:37 (GMT+7)
.

Niềm đam mê cây kiểng của một nghệ nhân

Đến với nghệ thuật trồng và ghép bonsai từ năm 1985 bằng lòng say mê, yêu thích, anh Nguyễn Văn Tiếp (ấp Ngãi Lợi, xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành) là một trong những nghệ nhân khởi đầu phong trào chơi cây kiểng bonsai ở xã.

Thời gian đầu, anh rất khó tìm được tài liệu nghiên cứu, anh đi học hỏi, tham khảo kinh nghiệm của những nhà vườn có cây cảnh đẹp.

Anh tìm đến các nhà vườn trong và ngoài tỉnh tìm mua các loại cây như: kim quýt, mai chiếu thủy, cần thăng, sung… có dáng đẹp; sau đó dựa vào dáng ban đầu của cây cùng với trí tưởng tượng phong phú, mắt thẩm mỹ, sáng tạo và đôi tay khéo léo, anh sửa chữa, cấy ghép, cắt tỉa lại để tạo dáng cho cây theo chủ đề.

Để trau dồi thêm nghề nghiệp, năm 2004 anh đã đăng ký và tham dự lớp kỹ thuật bonsai của Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh, được cấp bằng công nhận với học lực khá giỏi. Sau khi kết thúc khóa học, anh đến làm việc cho cơ sở hoa kiểng bonsai tại quận Thủ Đức; qua đó kiến thức và tay nghề càng nâng cao, tạo điều kiện cho anh xây dựng vườn kiểng có giá trị cao.

Từ người sưu tầm, theo đuổi nghệ thuật cây cảnh bonsai vì lòng yêu thích, những năm gần đây anh chuyển qua kinh doanh cây cảnh bonsai. Trong vườn bonsai của anh thường xuyên có từ 60 - 70 tác phẩm hoàn chỉnh, trong đó có nhiều loại có giá hơn 20 triệu đồng/cây và hơn 200 cây nguyên liệu đang trong quy trình ươm, cắt sửa.

Hàng năm, vườn kiểng bonsai mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng, giúp anh nuôi dưỡng niềm đam mê đối với nghệ thuật bonsai và mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Ngoài việc trồng kiểng kinh doanh, anh còn tham dự nhiều hội thi, tham gia trưng bày sản phẩm vào các dịp lễ, hội ở trong và ngoài tỉnh, cụ thể: tham gia hơn 20 lần tại hội hoa xuân, trưng bày các ngày lễ lớn trong tỉnh. Hơn 10 lần tham gia trưng bày tại TP. Hồ Chí Minh, tham dự giải hoa kiểng Đồng bằng sông Cửu Long… qua đó anh đã nhận được 3 huy chương bạc, 2 huy chương đồng và nhiều giải thưởng khác.

  TRUNG TÍN

.
.
.