Thứ Năm, 07/05/2015, 14:50 (GMT+7)
.

Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khu vực Đông Nam bộ và ĐBSCL

Ngày 4-5, tại Tiền Giang, Hội Nhà văn khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đến dự có Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và hơn 60 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam của 2 khu vực.

Nhà thơ Hữu Thỉnh tặng hoa chúc mừng các hội viên mới của Hội Nhà văn Việt Nam (được kết nạp trong năm 2015), trước khi đi vào nội dung chính của Đại hội.
Nhà thơ Hữu Thỉnh tặng hoa chúc mừng các hội viên mới của Hội Nhà văn Việt Nam (được kết nạp trong năm 2015), trước khi đi vào nội dung chính của Đại hội.

Tại Đại hội, đã thông qua dự thảo Văn kiện trình Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX, bao gồm: Dự thảo Báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ VIII và phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ IX với chủ đề “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị, góp phần xây dựng con người và văn hóa Việt Nam”; dự thảo Điều lệ Hội Nhà văn Việt Nam (sửa đổi) Khóa IX; dự thảo Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Khóa VIII;

Đồng thời đóng góp nhiều ý kiến vào các văn kiện trình đại hội của 2 khu vực và tiến hành bầu đoàn đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam Khóa IX thông qua hình thức bỏ phiếu kín (khu vực miền Đông Nam bộ có 15 đại biểu, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 25 đại biểu).

Phát biểu chào mừng Đại hội, ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang đánh giá cao sự phát triển của phong trào văn học 2 khu vực trong thời gian qua. Ông nhấn mạnh:

“…Đội ngũ sáng tác văn học khu vực ĐBSCL và miền Đông Nam bộ đã lao động sáng tạo một cách say mê, nghiêm túc, cần mẫn, năng động và tạo được phong trào sáng tác rộng khắp, thật sự gắn bó và trưởng thành trong sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Cùng với khả năng mở rộng các loại đề tài, bao quát nhiều mặt khác nhau của đời sống con người và xã hội, đội ngũ nhà văn đã cố gắng bám sát, khám phá và miêu tả những mặt cơ bản của đời sống dân tộc, tìm thấy và khẳng định cái tốt đẹp, anh hùng trong chiến đấu, lao động và học tập của nhân dân; nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật cao, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức và phong cách thể hiện đã xuất bản, được độc giả nhiệt tình đón nhận…”.

MINH CHÂU

.
.
.