Thứ Năm, 27/08/2015, 07:48 (GMT+7)
.

Huyện Cai Lậy: Phong trào "TDĐKXDĐSVH" đi vào đời sống xã hội

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở huyện Cai Lậy đã thực sự đi vào đời sống.

Không chỉ giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, phong trào còn khơi dậy tinh thần đoàn kết, động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất - kinh doanh để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn ở cơ sở và địa phương.

Biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu ở ấp Hiệp Quới, xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy.
Biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu ở ấp Hiệp Quới, xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy.

Trong công tác tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) được lãnh đạo huyện Cai Lậy chú trọng, qua đó làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tại các khu dân cư, người dân tích cực thi đua lao động sản xuất - kinh doanh giúp nhau phát triển kinh tế; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; đề cao ý thức phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội... Ban Chỉ đạo phong trào các cấp trong huyện thường xuyên được củng cố, kiện toàn, nêu cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phối hợp, làm nòng cốt để phong trào phát triển rộng khắp.

Tập trung cho mục tiêu phát triển kinh tế, người dân trong huyện đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất - kinh doanh và các mô hình tương trợ, giúp nhau giảm nghèo hiệu quả.

Các ban, ngành, đoàn thể còn vận động được trên 63 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội như xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, hỗ trợ quà cho hộ nghèo, gia đình chính sách nhân các dịp lễ, tết... Qua đó, đã có 10.000 hộ thoát nghèo, nâng đến cuối năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 4,55%.

Hàng rào cây xanh của các hộ dân ở ấp 3, xã Thạnh Lộc.
Hàng rào cây xanh của các hộ dân ở ấp 3, xã Thạnh Lộc.

Chuyển biến trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” còn là ý thức của người dân trong giữ gìn cảnh quan môi trường, hăng hái đóng góp để cùng Nhà nước thực hiện nhiều công trình phúc lợi xã hội phục vụ lợi ích cộng đồng.

Cụ thể, người dân đã hiến 349.000 m2 đất, hơn 48 tỷ đồng và 61.000 ngày công lao động để mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng; lắp đặt gần 7.000 bóng đèn đường qua thực hiện mô hình “Tuyến đường thắp sáng”; xây dựng 421 cổng rào an ninh trật tự để chủ động phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh trật tự địa bàn.

Tại các khu dân cư, tỷ lệ hộ dân có hàng rào cây xanh đạt 84%, 94,38% hộ có cột cờ đúng quy cách, 100% hộ dân có điện sử dụng, 98,52% hộ có nước sạch sinh hoạt. Công chức, viên chức và người lao động luôn đề cao ý thức xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa gắn với phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, xây dựng người cán bộ, công chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”, cơ quan xanh - sạch - đẹp, an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ...

Phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao cơ bản đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, rèn luyện thân thể của người dân. Các thiết chế văn hóa được tập trung đầu tư xây dựng, đến cuối năm 2014 toàn huyện có 115 ấp có trụ sở ấp văn hóa; 4 nhà văn hóa xã; 23 sân bóng đá, bóng chuyền; 75 CLB Thể dục dưỡng sinh; 15 CLB Võ thuật; 25 CLB Đờn ca tài tử, là nơi sinh hoạt, luyện tập của các thành viên, góp phần nhân rộng phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao quần chúng.

15 năm qua, triển khai thực hiện phong trào, Ban Chỉ đạo huyện luôn xác định lấy xuất phát điểm từ mỗi gia đình làm yếu tố, động lực trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và lấy hiệu quả, chất lượng làm tiêu chí để bình xét các danh hiệu văn hóa. Việc bình xét được thực hiện dân chủ, công khai, tạo sự đồng thuận cao; việc thẩm tra các danh hiệu văn hóa nghiêm túc, đúng quy định.

Hàng năm, huyện Cai Lậy có 100% hộ gia đình đăng ký xây dựng “Gia đình văn hóa”, trong đó có trên 90% hộ đạt 3 tiêu chuẩn. Huyện cũng đã ra mắt 115/126 ấp văn hóa, 4/16 xã văn hóa, 2 xã văn hóa nông thôn mới và 111/113 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa.

Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện đã biểu dương, khen thưởng trên 19.000 lượt tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa, 14.000 điển hình “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” và hàng ngàn tập thể, cá nhân tiêu biểu trên tất cả lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Những kết quả khả quan qua 15 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là sự nỗ lực của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền và người dân huyện Cai Lậy. Phong trào đã thật sự khơi dậy ý thức tự giác của mỗi cá nhân, gia đình, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong việc giữ gìn, phát huy truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, ý chí tự lực tự cường... nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ.

TRƯỜNG GIANG

.
.
.