Thứ Tư, 25/05/2016, 15:45 (GMT+7)
.

Đờn ca tài tử: Vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu

Năm 2016, ngành Văn hóa chưa cập nhật mới về số lượng câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm và lực lượng tài tử tham gia sinh hoạt đờn ca tài tử (ĐCTT) trên địa bàn toàn tỉnh. Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay nhu cầu về ca hát nói chung và ĐCTT nói riêng đang là món ăn tinh thần rất cần thiết cho mọi tầng lớp từ nông dân đến công nhân, viên chức, lao động, không phân biệt ngành nghề, giới tính hay tuổi tác…

Chính vì vậy, ngoài các CLB ĐCTT có tổ chức của Nhà nước ở các Trung tâm Văn hóa từ tỉnh đến xã, phường thì các tụ điểm cà phê tư nhân, các nhóm ĐCTT tự phát tại xóm, ấp nở rộ với phương thức xã hội hóa hoặc kinh doanh giải khát lấy thu bù chi.

Một buổi sinh hoạt ĐCTT  ở điểm  Thu Hiền.
Một buổi sinh hoạt ĐCTT ở điểm Thu Hiền.

CLB ĐCTT của các Trung tâm Văn hóa có quyết định thành lập, có ban chủ nhiệm, có danh sách thành viên, có kế hoạch hoạt động và địa phương quản lý; các tụ điểm của tư nhân do người chủ điều động họ tự quy định ngày sinh hoạt và giới yêu thích đờn ca tự rủ nhau tìm đến, ai biết ca thì đăng ký ca. Nơi đây cũng có MC giới thiệu, có dàn đờn cơ bản là một guitar cổ (nơi nào “mạnh” thì có thêm cây kìm hay sến, hoặc cò…), dàn âm thanh các nơi này đều hay để thu hút “khách mộ điệu”.

Có người đến để thưởng thức và tặng hoa cho những giọng ca hay, trong hoa có ít “ngân lượng” khuyến khích tinh thần cho vui; có người đến để ca một bản ngắn, một bài vọng cổ góp vui… Một người có thể tham gia sinh hoạt nhiều tụ điểm, nơi nào thích thì đến thường xuyên hơn.

Ở điểm sinh hoạt Thu Hiền (Điểm ĐCTT và dạy đờn ca của Thầy đờn Mười Phong - số 40, Thái Sanh Hạnh, khu phố 6, phường 9, TP. Mỹ Tho), lực lượng đờn ca “mạnh” hơn các nơi khác, dàn đờn lúc nào cũng có 2 cây hòa với nhau.

Chị Hiền cho biết: Chỗ của chị sinh hoạt định kỳ thứ tư và chủ nhật, do anh Mười Phong là thầy dạy đờn và từng công tác ở Đoàn Nghệ thuật tổng hợp (NTTH) Tiền Giang nên bạn biết đờn đến chơi nhiều như anh Hóa ở phường 2, anh Rô ở Bình Đức, anh Cương ở Đạo Thạnh…

Ngoài 2 cây đờn chính Thanh Vân và Mười Phong, các anh em kể trên nếu có mặt thì thay nhau đờn cho buổi sinh hoạt mà không lấy tiền bồi dưỡng, có khi nguyên ban nhạc cổ của đoàn NTTH xuống chơi và đờn rất hay. MC đến điểm của chị Thu Hiền giới thiệu không nhận tiền bồi dưỡng (các điểm khác một tay đờn bồi dưỡng từ 150 - 200 ngàn đồng/đêm và MC cũng phải thuê).

Ở đây, ngoài những tay đờn hay còn có nhiều giọng hát chuẩn như : Tài tử Kim Loan, Minh Thiết, Thu Thanh, Ánh Hồ…, các giọng ca hay của ngành Công an: Thanh Bình, Thanh Cảnh, đôi khi có cả NSƯT Kiều Quốc Tâm; thỉnh thoảng có những đôi Việt kiều về quê ghé qua: Vợ chồng anh Lợi ở Pháp, anh Võ Biểu, chị Hồng Gấm ở Úc, anh chị Loan ở Na Uy…, họ cho rằng được nghe đờn ca và được ca, họ thấy ấm áp tình người, tình quê hương gắn bó hơn, đi xa thấy nhớ nên cứ có dịp về thì họ tìm đến.

Anh Phạm Minh Trí (tài xế Công ty đông lạnh Việt Phú) theo học đờn ở đây hơn 1 năm cho biết, nếu thứ tư hoặc chủ nhật không chạy xe, anh dành thời gian xuống sinh hoạt, được hát ca sau cả ngày ngồi cầm “vô lăng” xe, tinh thần phấn chấn hơn, linh hoạt hơn.

Ở xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho, có điểm ĐCTT máy lạnh ở Nhà hàng Khách sạn Trung Lương do anh Năm Minh làm chủ. Anh cho biết:

“Tôi rất đam mê ca hát và tham gia sinh hoạt rất nhiều điểm ĐCTT. Thấy mình có sẵn phòng tiệc của nhà hàng nên tổ chức sinh hoạt cho vui. Tui nhờ anh Tám Danh đờn guitar cổ, mỗi đêm bồi dưỡng 150 ngàn đồng. Mỗi khách tới chơi, một suất nước uống tự chọn đồng giá 20 ngàn đồng. Mới sinh hoạt 4 lần (mỗi tuần 1 lần vào tối thứ ba), khách đến có đêm 100 người. Tôi thích ca hát nên tổ chức cho vui, hy vọng duy trì lâu dài, chứ thật ra không đủ chi phí cho phục vụ, MC”.

Còn một hình thức sinh hoạt ĐCTT tự phát trong xóm ấp, anh chị em tự gom lại thành nhóm 5, 10 người ngồi quanh bàn tròn, hay bộ ván cùng đờn ca. Hoặc tập hợp đờn ca khi có đám tiệc…

Nhờ những CLB, tụ điểm và nhóm ĐCTT hình thành tự do mà ai thích hát cũng được hát, cho nên không ít anh, chị em tìm nơi học ca vài bài lý, bản ngắn và 2 hoặc 4 câu vọng cổ… để đến các tụ điểm ca cho thỏa mãn cái ham thích đậm đà bản sắc này.

Gọi là ĐCTT, nhưng theo quan sát của chúng tôi, số lượng yêu thích thì nhiều nhưng rất ít người thật sự am hiểu về ĐCTT. Có người biết đờn vọng cổ và bản ngắn cải lương, còn bài bản tài tử thì chưa hiểu tới; người ca thì ít người biết ca bài bản của tài tử; đa phần chỉ hát bài bản cải lương và vọng cổ nhịp 32 nhưng có người ca vẫn chưa vững nhịp. Từ đó cho thấy số lượng và chất lượng vẫn chưa được cân bằng.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở VH-TT&DL thì UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy Nghệ thuật ĐCTT giai đoạn 2016 - 2020” với kinh phí đầu tư 1,6 tỷ đồng cho việc mở các lớp tập huấn, tổ chức biểu diễn ĐCTT thứ sáu hàng tuần ở Rạp hát Thầy Năm Tú, tổ chức Liên hoan ĐCTT cấp tỉnh.

Đề án trên cũng đã được phê duyệt và thực hiện ở giai đoạn 2012 - 2015 đầu tư cho các lớp dạy ĐCTT đã  thu hút nhiều học viên ở mọi ngành nghề và mọi lứa tuổi trong tỉnh tham gia; ngoài ra còn có các cuộc thi sáng tác lời mới trên lồng bản của bài bản ĐCTT, phát hành tập bài hát ĐCTT, tổ chức  các cuộc liên hoan ĐCTT…

Ở một góc nhìn khác, chúng ta thấy rằng ĐCTT luôn được sự hưởng ứng của mọi tầng lớp trong xã hội, đó là món ăn tinh thần không thể thiếu, nó như dòng máu nóng lưu chảy trong từng trái tim của người Nam bộ nói chung và người Tiền Giang nói riêng.

Phong trào ĐCTT đang nở rộ góp phần phát huy và lưu giữ dòng âm nhạc dân tộc, sinh hoạt ĐCTT là nét văn hóa độc đáo, lâu đời của vùng sông nước.

NGỌC LỆ

.
.
.