Thứ Tư, 22/06/2016, 11:22 (GMT+7)
.

Trương Can: Hát hay, làm MC cũng hay

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế, ngành Kế toán, Trương Can không theo nghề này, mà ở nhà phụ gia đình chế biến cà phê.

Không như những đồng nghiệp ca hát đa phần trưởng thành từ phong trào văn nghệ quần chúng ở xã (phường, thị trấn) qua các cuộc hội thi, hội diễn, mà Trương Can tự “đặc cách” mình thẳng vào Liên hoan “Thanh niên hát dân ca” do Tỉnh đoàn Tiền Giang tổ chức năm 1999.

2 bài dân ca Lý áo vá quàng và Cái trống cơm cùng với tài diễn xuất, giọng hát trong trẻo, vóc dáng sáng sân khấu của Trương Can đã chinh phục Ban Giám khảo với kết quả cao nhất liên hoan.

Trương Can với vai trò người dẫn chương trình.
Trương Can với vai trò người dẫn chương trình.

Trương Can tâm sự: “Sau khi diễn thành công ở liên hoan này, em tham gia vào nhóm hát của Trung tâm Văn hóa tỉnh, do chị Ngọc Sương phụ trách. Sau đó được Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP. Mỹ Tho mời cộng tác, em tham gia nhiều chương trình hội thi ngành, văn nghệ quần chúng của tỉnh, lãnh được nhiều giải thưởng đơn ca, song ca… Nghề ca hát đã chọn em từ đó. Qua từng chương trình tập dợt rồi biểu diễn, em tự rút ra cho mình nhiều bài học kinh nghiệm và tự trau dồi để phát triển khả năng ca hát của mình…”.

Năm 2001, Trương Can tham gia Liên hoan Hát dân ca do Đài Phát thanh và  Truyền hình Tiền Giang tổ chức, với giai điệu nhộn nhịp của 2 bài dân ca Lý ngựa ô Giồng Riềng (dân ca Kiên Giang) và Lý Trống chầu (dân ca Gò Công), đã đoạt giải Ba và được tuyển chọn cùng một số giọng ca khác tham gia hát Liên hoan Dân ca toàn quốc. Điều bất ngờ đã xảy ra, Trương Can được vinh danh với tấm Huy chương Vàng, đem niềm vui về cho gia đình và vinh dự cho tỉnh nhà. Sau đó Trương Can đoạt giải Ba “Tiếng hát truyền hình tỉnh Bến Tre”…

Từ những thành công trên, Trương Can khá đắt show, biểu diễn cho các chương trình hội thi, hội diễn, các lễ hội, sự kiện… Nghề hát đem lại cho Trương Can niềm vui là được góp sức cho phong trào văn nghệ của tỉnh, được giao tiếp rộng với anh chị em văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh.

Đến năm 2015, bạn bè khuyến khích Trương Can tham gia Cuộc thi “Hát cùng Bolero và Cha cha cha” do Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP. Mỹ Tho tổ chức, Trương Can tham gia dòng nhạc Cha cha cha và đã đoạt giải Nhất.

Những năm gần đây, bạn bè và khán giả quen thuộc thấy Trương Can thường xuyên xuất hiện trên sân khấu nhà hàng và một số chương trình lễ hội, sự kiện trong tỉnh với vai trò MC (người dẫn chương trình). Khi hỏi về điều này, Trương Can tâm sự:

“Đúng là nghề chọn mình. Năm 2013, chị Ngọc Sương nhờ dẫn dùm một chương trình đám cưới, em hết sức bỡ ngỡ bởi chưa từng làm công việc này, cho dù đã đứng sân khấu ca hát không biết bao lần. Được chị Ngọc Sương hướng dẫn và cho cả kịch bản chương trình, cũng chưa yên tâm, em đi xem chị Thanh Duyên (Trung tâm Văn hóa tỉnh) dẫn chương trình đám cưới để học hỏi thêm.

Với kinh nghiệm nhiều năm đứng hát trước đám đông, chất giọng sẵn có, thêm sự chuẩn bị chu đáo…, em đã tự tin bước ra để điều động một nghi lễ đám cưới và không bị sai sót gì. Sau đó em được bạn bè làm MC chia sẻ và phụ dẫn chương trình khi họ bận việc riêng. Nhờ vậy em được nhiều người biết đến trong lĩnh vực mới này…”.

May mắn khác lại đến, đầu năm 2014, Trung tâm Văn hóa tỉnh mở lớp “Người dẫn chương trình”, do các MC chuyên nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, trong đó có MC Thanh Bạch hướng dẫn, Trương Can đăng ký học, từ đó trưởng thành hơn với nghề dẫn chương trình. Trương Can chia sẻ: “Một ca sĩ hát hay chưa phải đã làm MC được.

Người dẫn chương trình ngoài những tố chất có sẵn như ngoại hình, chất giọng, còn phải có cái duyên nói chuyện, biết xử lý những tình huống ngoài kịch bản, có kiến thức, am hiểu về nội dung của ngành nghề, của sự kiện mà mình đang chịu trách nhiệm dẫn dắt chương trình… Nếu MC biết hát sẽ là một ưu điểm, vì có thể “chữa cháy” khi ca sĩ chưa đến kịp…”. 

Hiện anh làm MC cho đám tiệc không có gì đáng lo, mà khi nhận làm MC sự kiện, hội nghị ngành nghề, công ty…. thì phải tư duy, nghiên cứu kỹ đối tượng chương trình của mình là ai, ở đâu, đa số thuộc thành phần gì… để sử dụng ngôn từ, phương ngữ cho phù hợp…

Công việc này đã cho anh nhiều điều lý thú, giúp mở mang kiến thức. Với nghề MC, Trương Can không ỷ lại, tự cao về nghề ca hát mà mình đã có những thành công trước đó, mà luôn lắng nghe góp ý của bạn bè sau những lần anh dẫn chương trình và luôn tìm tòi học hỏi từ những người cùng nghề. “Người làm MC phải đẹp về ngoại hình, trang phục và cả phong cách, giọng nói; luôn làm mới mình để giữ uy tín bản thân và thể hiện sự tôn trọng khán giả” - Trương Can tâm sự.

NGỌC LỆ

.
.
.