Thứ Tư, 15/06/2016, 13:11 (GMT+7)
.

Xây dựng NTM: Nhìn lại hoạt động của các trung tâm văn hóa-thể thao xã

Cơ sở vật chất văn hóa là 1 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Để hoàn thành tiêu chí này, 1 xã cần hàng tỷ đồng đầu tư, nâng cấp nhà văn hóa - khu thể thao, 5 phòng chức năng (trung tâm văn hóa - thể thao) xã và nhà văn hóa - khu thể thao ấp. Dù tốn hàng tỷ đồng đầu tư nhưng các công trình văn hóa, thể thao và các phòng chức năng xã hoạt động kém hiệu quả đã gây lãng phí không nhỏ cho ngân sách Nhà nước.

Nhà văn hóa và các phòng chức năng xã hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí không nhỏ ngân sách Nhà nước.
Nhà văn hóa và các phòng chức năng xã hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí không nhỏ ngân sách Nhà nước.

Thường xuyên đóng cửa, vắng vẻ là những gì mà chúng tôi nhìn thấy ở các trung tâm văn hóa - thể thao xã. Thế nhưng, để có công trình văn hóa, thể thao xã đạt chuẩn theo yêu cầu trong xây dựng NTM cần nguồn vốn đầu tư không phải nhỏ.

Chúng tôi ghé vào khu trung tâm văn hóa - thể thao xã Long An (huyện Châu Thành) vào một ngày đầu tháng 6, hình ảnh bắt gặp đầu tiên là nhà văn hóa và các phòng chức năng im ỉm “cửa đóng, then gài”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, không khí này không chỉ ở hôm nay mà đây là chuyện gần như thường ngày ở công trình văn hóa, thể thao khá quy mô này.

Anh Huỳnh Quốc Vị, công chức Văn hóa Xã hội xã cho biết, Nhà Văn hóa xã được xây dựng năm 2010 với kinh phí khoảng 1,3 tỷ đồng (gồm trang thiết bị). Để đạt tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa, năm 2013, 5 phòng chức năng (hành chính, thông tin truyền thanh, thư viện, tập thể thao, trung tâm học tập cộng đồng hoặc câu lạc bộ) cùng với các trang thiết bị được xây dựng với kinh phí khoảng 800 triệu đồng.

Ở công trình hàng tỷ đồng này, anh Vị cho hay mỗi năm Nhà văn hóa xã diễn ra khoảng 3 cuộc hội diễn văn nghệ, một số buổi giao lưu đờn ca tài tử, hội thi và hội nghị. Còn các phòng chức năng, ngoài Đài truyền thanh xã có cán bộ phụ trách riêng và hoạt động đều đặn, các phòng khác hoạt động rất hạn chế. “Ngay cả thư viện cũng rất ít người đến đọc sách, báo. Những người đến đọc chủ yếu là cán bộ xã đến tìm hiểu kỹ thuật và học sinh” - anh Vị nói.

Cửa cổng mở nhưng bên trong lại không có người là hình ảnh thường thấy ở Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Thanh Bình (huyện Chợ Gạo). Chị Nguyễn Thị Kiều sống gần Trung tâm cho biết, thỉnh thoảng Trung tâm mới diễn ra hội diễn văn nghệ; khoảng 1 - 2 tháng tổ chức giao lưu hát với nhau 1 lần và tổ chức các hội thi vào các ngày lễ. Thường xuyên nhất là tổ chức hội nghị.

Tại xã Tam Bình (huyện Cai Lậy), con đường Miếu Bà như đẹp thêm khi đi qua khu trung tâm văn hóa - thể thao xã mới toanh khang trang nằm trên khuôn viên rộng 1.700 m2. Được biết, để đạt chuẩn xã NTM, Tam Bình được tỉnh đầu tư 4,1 tỷ đồng xây dựng Nhà văn hóa xã và các phòng chức năng vào cuối năm 2014.

Ngoài ra, Nhà Văn hóa xã còn được đầu tư 200 triệu đồng các thiết bị bên trong như âm thanh, ánh sáng... Gần 1 năm rưỡi đi vào hoạt động, ngoài tổ chức 3 hội diễn văn nghệ và các hội nghị, thỉnh thoảng làm nơi tập luyện văn nghệ, thể thao, giao lưu đờn ca tài tử, thời gian còn lại khu văn hóa, thể thao xã này cũng nằm trong tình trạng đóng cửa.

Ông Đặng Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Tam Bình nhìn nhận, dù có nhiều nỗ lực trong việc tạo hoạt động cho Nhà Văn hóa và các phòng chức năng xã nhưng vẫn chưa tương xứng với chức năng của nó. Cụ thể, để phục vụ cho nhu cầu đọc sách, báo của người dân, xã đã hợp đồng 1 người phụ trách thư viện mở cửa hoạt động 2 ngày trong tuần.

Thế nhưng, số người đến đọc cũng rất ít. Nguyên nhân chủ yếu là do kinh phí hoạt động hạn chế (mỗi năm ngân sách cấp cho Nhà Văn hóa xã 16 triệu đồng), cán bộ quản lý Nhà Văn hóa và các phòng chức năng xã là cán bộ kiêm nhiệm; phần lớn thanh niên trên địa bàn đều đi làm ăn xa… Nhà Văn hóa và các phòng chức năng xã còn như vậy thì các nhà văn hóa - khu thể thao ấp càng khó khăn hơn.

Để đạt tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa cho Tân Hội Đông (huyện Châu Thành) được công nhận đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2015, tỉnh và huyện đã cho đầu tư Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã trên diện tích 2.500 m2 với kinh phí trên 6 tỷ đồng.

Thế nhưng từ khi Tân Hội Đông được công nhận đạt chuẩn NTM đến nay, Trung tâm vẫn chưa thể đưa vào hoạt động do một số công trình phụ như điện, cứng hóa mặt sân Trung tâm… chưa hoàn thành. Bà Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch UBND xã Tân Hội Đông cho biết, huyện đang cho xúc tiến các công trình chưa hoàn thành còn lại và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 6 này.

Để đạt yêu cầu của tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa, 1 xã phải có nhà văn hóa - khu thể thao xã và 5 phòng chức năng cùng các trang thiết bị kèm theo với kinh phí đầu tư lên đến vài tỷ đồng. Do đó, đây được xem là một trong những tiêu chí khó thực hiện.

Trong đợt kiểm tra 12 xã đăng ký lên NTM năm 2016 vừa qua, nhiều xã vẫn chưa hoàn thành tiêu chí này. Thế nhưng, những công trình văn hóa, thể thao này khi đi vào hoạt động lại không tương xứng với kinh phí đã đầu tư.

Theo các xã đã đạt chuẩn NTM, vấn đề đặt ra là dù biết hoạt động của các trung tâm văn hóa - thể thao xã khó hiệu quả, dễ gây lãng phí nhưng các cấp, các ngành vẫn phải đầu tư nếu muốn một xã nào đó được công nhận đạt chuẩn NTM. Đây không chỉ là vấn đề riêng ở Tiền Giang mà các tỉnh, thành khác cũng đang gặp phải. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trình trạng trên.

Nhưng theo các cán bộ văn hóa xã hội xã, ngoài thiếu kinh phí hoạt động, cán bộ kiêm nhiệm phụ trách trung tâm văn hóa - thể thao xã, hiện nay các phương tiện giải trí, thông tin hiện đại xâm nhập đến từng xóm ấp, từng gia đình. Người dân có thể tiếp cận thông tin, giải trí bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu nên họ ít có nhu cầu tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ do xã tổ chức.

Làm gì để các trung tâm văn hóa - thể thao xã không gây lãng phí? Đây là câu hỏi chưa có lời giải thỏa đáng. Một cán bộ của ngành Văn hóa đã cho biết đang tính toán về biên chế quản lý các phòng chức năng; đồng thời cần đánh giá lại hiệu quả của các công trình văn hóa, thể thao xã để từ đó mới có những đề xuất về đầu tư, hoạt động của các công trình trên cho phù hợp, tránh gây lãnh phí. Xã NTM không thể thiếu các trung tâm văn hóa - thể thao.

Song, nhiều cư dân NTM đặt vấn đề: Có cần phải xây dựng các trung tâm văn hóa - thể thao xã quy mô đến thế không; 1 trung tâm văn hóa - thể thao xã có cần phải đầy đủ 5 phòng chức năng không…? Thế nhưng, trong điều kiện hiện nay, để các trung tâm trên hoạt động hiệu quả, đơn vị sử dụng cần nỗ lực nâng cao hoạt động hơn nữa của trung tâm.

Cùng với đó, các ngành, các cấp tích cực hỗ trợ các xã nâng chất hoạt động của các trung tâm xã; đồng thời tăng kinh phí hoạt động, bố trí 1 biên chế phụ trách quản lý trung tâm để nơi đây thực sự là trung tâm văn hóa, giải trí, thể thao của xã, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân trên địa bàn.

NGÔ PHÚ ĐÔNG

.
.
.