Thứ Tư, 20/07/2016, 14:08 (GMT+7)
.

"Sứ giả cảm xúc" Hồ Văn Cường quán quân "Thần tượng âm nhạc nhí 2016"

Đêm đầu tiên (24-4) xuất hiện trên màn ảnh nhỏ bài hát Lý đất giồng và Bà Năm, Hồ Văn Cường (13 tuổi, ngụ ấp Phú Trung, xã Long Bình, huyện Gò Công Tây) đã tạo được ấn tượng đậm nét bằng chất giọng dân ca ngọt ngào ở Chương trình “Thần tượng âm nhạc nhí 2016” (VietNam Idol Kids 2016).

Trải qua các vòng thi: Hát với micro (không đàn), hát với đàn piano, vòng Studio, rồi Gala 1 đến Gala 7 (chung kết xếp hạng), thí sinh hát dân ca này luôn dẫn đầu số khán giả bình chọn.

Gia đình Quán quân Hồ Văn Cường chụp ảnh lưu niệm với Ban Giám khảo sau phút đăng quang.
Gia đình Quán quân Hồ Văn Cường chụp ảnh lưu niệm với Ban Giám khảo sau phút đăng quang.

DẤU ẤN ĐẬM NÉT TRÊN ĐƯỜNG CHINH PHỤC ĐỈNH CAO “ÂM NHẠC NHÍ”

Phải chăng, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cậu học trò nhỏ này đã phải dùng giọng ca thiên phú của mình để mua vui cho thực khách trong những đám tiệc, kiếm tiền phụ giúp ba mẹ, qua đó góp phần vun đắp tình yêu quê hương, yêu cuộc sống, giúp em chinh phục hàng triệu trái tim khi nghe em hát, chạm vào từng “ngõ ngách tâm hồn” của 3 vị giám khảo: Tóc Tiên, Văn Mai Hương và Isaac. Họ đã nhiều đêm trào nước mắt khi nhận xét về thí sinh dân ca này.

Với niềm cảm xúc dâng trào khi nghe Cường hát liên khúc Lòng mẹ - Bông hồng cài áo trong đêm Gala 2, giám khảo Tóc Tiên đã phong em danh hiệu “Sứ giả cảm xúc”.

Còn giám khảo Văn Mai Hương thì cho rằng: “Giọng hát của Cường như có ma lực cảm xúc cuốn người nghe theo em. Cường là một viên ngọc chưa được mài giũa, tin rằng em sẽ là một ngôi sao…”. Với giám khảo Isaac, đã thốt lên: “Tôi lo lắng cho em, không biết em có tự tin khi lần đầu tiên bước ra một sân khấu lớn…

Tôi nghe nói, em biết ca vọng cổ, nhưng tôi không thể ngờ rằng em đã hát vọng cổ ngọt ngào đến thế… Người ta có thể học hát, nhưng không thể học cái cảm xúc được, vì nó xuất phát từ trái tim, tâm hồn của nghệ sĩ. Cường hát đầy cảm xúc, khiến tôi nghẹn ngào nhớ quê khi nghe em hát…”.

Từ ca khúc Áo mới Cà Mau rồi Về miền Tây, Còn thương rau đắng mọc sau hè, liên khúc Lòng mẹ - Bông hồng cài áo, Hát từ trái tim (vọng cổ), đến Sa mưa giông và Tiền Giang quê em, mỗi lần Cường xuất hiện là khán giả đồng loạt reo vang: “Hồ Văn Cường! Hồ Văn Cường!” và những tràng pháo tay vỡ òa theo em từng đoạn nhạc…

Từng Gala đi qua, thí sinh Cường như “lột xác”, trưởng thành, nhưng cậu bé vẫn giữ cái chất mộc mạc của “nắng hạ”, của “khoai lang, dưa gang” trong Lý đất giồng; cái tình quê của “chim nhớ lá rừng”, của “hai chị em tóc bạc như nhau” (Còn thương rau đắng mọc sau hè), của hình ảnh bà Năm, của cha, của mẹ, của đứa bé cất tiếng gọi chơi vơi “Cha ơi! Sao cha chưa về, nhà trên, bếp dưới vắng tanh... Mẹ còn dầm mưa…” (Sa mưa giông).

Trong Gala 4, sau khi em hoàn thành bài hát Sa mưa giông, giám khảo Văn Mai Hương đã nói: “Nhiều tin nhắn của khán giả gửi cho cô và hỏi rằng: Sao Cường chỉ hát dân ca và những bài hát mang âm hưởng dân ca?”.

Cô bảo rằng, cuộc thi này cho phép các em có quyền tỏa sáng bằng những gì mình có, hát những gì mình thích… Cường đã chinh phục khán giả bằng giọng ca, chứ không vì hoàn cảnh. Thật ra, Cường hát được một số bài bản cải lương, hát tốt vọng cổ và những bài nhạc có giai điệu rộn ràng khi đi hát đám cưới…

Giám khảo Isaac động viên: “Cường hãy tự tin giữ thế mạnh của mình, hát dân ca, hay bài hát mang âm hưởng dân ca…, làm sao đừng mất cái chất ngọt ngào và xúc cảm của tâm hồn…”.

Tiếp tục đêm Gala 5 (tốp 6), thí sinh Hồ Văn Cường phải đối mặt với các đối thủ: Bảo Trân, Thiên Tùng, Jayden, Gia Khiêm. Các bạn này được học nhạc từ nhỏ, ngoài tài ca hát còn biết chơi nhạc cụ và vũ đạo giỏi…

Ở Gala 5, thí sinh phải thể hiện ca khúc mang âm hưởng dân ca, Hồ Văn Cường đã thể hiện bài hát Tiền Giang quê em và Gala 6 với ca khúc Nắng có còn xuân, giai điệu dân ca Bắc bộ đương đại, rộn ràng (ca khúc mà ca sĩ Quang Linh đã làm xao xuyến tâm hồn người yêu âm nhạc), thế nhưng Cường đã không “sao y bản chính” của người đi trước, mà làm mới mình với làn điệu dân ca sôi động.

Cường đã thoát khỏi những trĩu nặng, u buồn mà vui tươi, hồn nhiên và có chút lả lơi, lúng liếng, lém lỉnh, gọi mời đầy sức sống. Ban Giám khảo đã thật sự hài lòng về em và khẳng định em rất xứng đáng bước vào vòng chung kết, rất xứng đáng với tình cảm mà khán giả dành cho em.

Ở Gala 7, theo thông tin ban đầu, Cường đứng sau Bảo Trân số lượng khán giả bình chọn, điều đó không áp đảo tinh thần Hồ Văn Cường. Cậu bé đã chia sẻ trước khi vào đêm chung kết: “Ngôi vị Quán quân con không quan trọng, bởi vì khi đến đây con nghĩ mình sẽ không đủ sức để vào chung kết, vì hồi ở quê con hát theo bản năng, bây giờ con được các cô chú giải thích, chỉ bảo nên con hát có cảm xúc hơn. Là thí sinh luôn dẫn đầu số lượng bình chọn, con sẽ cố gắng hát thật hay để không phụ lòng khán giả đã yêu mến con!”.

Đêm chung kết còn lại 4 thí sinh: Hồ Văn Cường, Bảo Trân, Jayden và Gia Khiêm, mỗi thí sinh một phong cách. Hồ Văn Cường vẫn giữ nguyên chất mộc mạc như hình bóng anh nông dân thật thà của cha, nét chân quê của mẹ để rồi sau bài hát Còn thương rau đắng mọc sau hè đến ca khúc Bà Năm, thí sinh Hồ Văn Cường đã làm rung động hàng triệu trái tim, cả khán phòng vỗ tay, Ban Giám khảo bật dậy… trong tiếng hô vỡ òa trong nước mắt bởi tình cảm trong giọng hát của em và hình bóng bà Năm (Nghệ sĩ Ưu tú Phi Điểu minh họa) như hai tâm hồn đa cảm chạm vào nhau và đẩy cảm xúc dâng tràn tột đỉnh.

Thí sinh Hồ Văn Cường đã tạo nên dấu chấm son lung linh trong lịch sử của cuộc đời mình và cả trong lịch sử “Thần tượng âm nhạc nhí”, là niềm tự hào của chúng ta, bởi em đã thay chúng ta giật dậy hồn dân tộc bởi chất giọng dân ca chân phương của mình.

BA MẸ LÀ QUÊ HƯƠNG…

Những ngày này, cái tên Hồ Văn Cường như thân quen và “nóng sốt”, nên hỏi thăm bé Hồ Văn Cường hát dân ca là hầu như dân xứ Gò đều biết. Chúng tôi về Long Bình giữa ngày nắng hạ, phượng nở đỏ ven đường, đồng lúa xanh nõn nà, gặp anh Hồ Nhật Lịnh, Trưởng ấp Phú Trung, xã Long Bình, được anh vui vẻ đưa chúng tôi đến nhà của bé Cường. Thấy anh cùng họ Hồ nên hỏi có bà con với Cường không? Anh cười: “Nói có, bà con cười, vì  cháu nó nổi tiếng nên bắt quàng làm họ!”.

Rồi anh kể về gia cảnh của Cường: “Ba mẹ Cường rất siêng năng, nhưng đất nhà không được nửa công, vừa để cất nhà, vừa trồng trọt. Họ làm mướn, công việc bấp bênh nên năm lớp 6 Cường đã phải đi hát phục vụ đám tiệc kiếm tiền phụ ba mẹ. Cường giống ba mẹ em ở đức tính hiền lành, chăm chỉ, hàng xóm ai cũng thương…”.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà trống trơn, có dấu hiệu xuống cấp, anh Hồ Văn Mười cất giọng buồn buồn: “Cháu đi học thêm. Cô giáo cháu có đứa cháu làm ở TP. Hồ Chí Minh biết được cuộc thi này nên hỏi Cường muốn đi thi không? Cường xin tôi với mẹ nó. Trong túi không tiền, thấy con háo hức nên vợ chồng bàn nhau đi vay 500.000 đồng, rồi má nó dẫn con đi theo thằng cháu của cô giáo cho tới nay”.

Nói đến đây, anh Mười bật khóc, nước mắt tràn ra gương mặt sạm nắng. Anh nhớ con quá! Bởi lẽ, gia đình anh nghèo, nhưng từ trước tới giờ họ luôn quấn quít bên nhau, nay chỉ một mình, mong đến tối chủ nhật để bật tivi nhìn con hát cho đỡ nhớ. Sau hồi cảm xúc lắng xuống, anh Mười chậm rãi:

“Đi làm mướn, bán cải gom được hơn 2  triệu đồng, chủ nhật rồi (đêm Gala 4), tôi thuê chiếc xe 30 chỗ ngồi chở bà con trong nhà và chòm xóm lên cổ vũ cho con trai vui. Tưởng lên được gặp con trai, không ngờ lên tới, con đã vào phòng cách ly khán giả để hóa trang chuẩn bị hát. Khi về, không thể chờ con trai ra được, đành phải về cùng bà con mình vì đã quá khuya”.

Chị Đặng Thị Kim Ngọc, 46 tuổi, hàng xóm của bé Cường vui vẻ nói: “Thằng Cường đi từ hôm 13-4 cùng má nó, nên tôi nhổ cải giùm để anh Mười đi bán. Chủ nhật nào tụi tôi cũng mở truyền hình chờ coi thằng Cường hát. Nghe nói nó được ca sĩ Phi Nhung nhận làm con nuôi, ai cũng mừng!...”.

Qua điện thoại, chị Võ Thị Ngọc Thu (mẹ Cường) cho chúng tôi biết: “7 giờ Cường tập tới 17 giờ. Không quen với máy lạnh, thêm nhớ nhà và tập ca nhiều nên Cường bị viêm họng, khàn giọng, nhưng em vẫn tập hát cho thật tốt. Những lúc rảnh, Cường điện thoại về dặn ba ăn cơm nhiều, ngủ sớm để giữ gìn sức khỏe…”.

Nhìn đôi bàn tay khô cứng, mười móng chân bị phèn bám đậm đặc và làn da sạm nắng của anh Mười khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Có lẽ hình ảnh này của cha đã tạo nên xúc cảm chân thành trong giọng hát của Hồ Văn Cường?!

Đêm chung kết (Gala 7), bà con ấp Phú Trung, xã Long Bình hùn tiền thuê chiếc xe 50 chỗ ngồi cùng anh Mười lên TP. Hồ Chí Minh ủng hộ bé Cường. Anh chia sẻ: “Dù con trai đã 6 lần đứng đầu số lượng khán giả bình chọn, nhưng ở vòng chung kết này tôi hồi hộp lắm. Khi nghe kết quả con trai mình là Quán quân, bé Cường đứng trên sân khấu ngẩn ngơ, còn vợ chồng tôi sau phút bồi hồi, đã nắm tay nhau chạy lên ôm con và cả 3 cùng khóc!...”.

Cha Cường cùng đoàn cổ động viên quay về, anh chìm ngập trong niềm vui cùng những lời bình luận đầy tự hào của bà con. Đêm đã chuyển sang một ngày mới và vài hôm nữa Cường sẽ trở về xóm nhỏ thực hiện ước mơ như bé đã từng chia sẻ với giám khảo Tóc Tiên: “Sau cuộc thi này, con sẽ tiếp tục đi học…”.

Chúng ta mong Quán quân “Thần tượng âm nhạc nhí 2016” Hồ Văn Cường sẽ giữ mãi cái chất của mình để góp phần làm sống lại những làn điệu dân ca.

NGỌC LỆ

.
.
.