Thứ Ba, 17/01/2017, 20:03 (GMT+7)
.

Đôi nét về điệu hò, điệu lý hát ru Gò Công

Trong quá trình sưu tầm văn hóa phi vật thể, chúng tôi được biết về thể loại các điệu hò, điệu lý, hát ru Gò Công tồn tại chủ yếu bằng truyền khẩu từ đời này sang đời khác, được người dân chuyển tải bằng lời nói, một số rất ít nghệ nhân ghi chép lại để truyền cho con cháu. Có thể thấy:

Minh họa: Lê Duy
Minh họa: Lê Duy

Hò là thể loại dân ca gắn liền với lao động sản xuất, chiếm đa phần trong loại hình ngữ văn dân gian. Trong đó, hò cấy Gò Công là một điệu hò mái ngắn và có thể coi là điệu hò cổ còn được bảo lưu trong tỉnh Tiền Giang. Hò cấy Gò Công được chia thành: Hò đối đáp, hò hội, hò đậu, có đông người tham dự và được sử dụng trong các buổi cấy lúa, điển hình là hò đối đáp, được phổ biến hầu khắp các nơi ở vùng Gò Công. Câu hò dưới đây là một ví dụ.

Nam: Giếng nước trong xanh người bạn                       lành khó kiếm,
Dạo chơi cũng hiếm chọn lựa khi nào.
Anh giả đò đi cấy, để ghé vào thăm em.
Nữ: Em bước xuống ruộng sâu lòng sầu tất dạ
Tay cầm nắm mạ mà nước mắt hai hàng
Bớ anh ơi! Đừng làm lỡ chuyến đò ngang
Sông kia cạn nước, đừng để thiếp với chàng phải biệt ly…

Lý là điệu hát của giới bình dân, chủ yếu là nông dân, hát trong lúc lao động, ru con, vui chơi giải trí... Khi hát, những lời mang nội dung nào thì lấy ngay nội dung đó hoặc mấy chữ đầu câu để đặt tên cho điệu lý. Ở vùng Gò Công còn lưu giữ một số điệu lý như:

*  Lý con sáo:
“Ai đem con sáo tình bằng qua sông qua sông (ú hư ừ hư)
Cho nên tình bằng con sáo (í ơ rường ơ) con sáo sổ lồng này xa mà bay xa. Con sáo sổ lồng mà bay xa”...
*  Lý cống chùa: Phảng phất một phong cách diễn xướng mang tính nghi lễ.

“Tai nghe tiếng trống khắp đình làng, mõ chuông (cái mà) kêu boong boong ớ boong. Cất tiếng lên đàn trường hương khói, nam mô phượng (tự) trống trong chùa kêu cắc cắc tung tung ông La Đa bà Rị tụng rù rì van vái đẹp đôi (á nam mô cái á nam mô)”…

* Lý dầu dừa:
“Tay bưng một dĩa dầu dừa,
 Dọi anh ba dọi giơ đầu xức cho…”.
* Lý trái mướp:
“Xanh xanh dây mướp leo rào
Người dưng mới gặp biết chào làm sao”
“Chiều chiều gọt mướp nấu canh
Thấy anh qua lợi bỏ hành cho thơm…”.

Hát ru có công dụng ru cho trẻ ngủ, người ru chủ yếu là phụ nữ, thường mượn lời ru để nói lên thân phận của mình, để tâm sự. Cũng như giai điệu ru miền Nam nói chung, ở vùng Gò Công, tiết điệu ru là vận tiết của thơ, nhưng để kéo dài câu ru, người ta thường hát đệm những tiếng ầu ơ ví dầu.

“Ví dầu tình bạn muốn thôi
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra…”.
“Ví dầu cầu Bến Lợi mới xây
Đắp đường rầy xe lửa chạy về Tân Tây thăm nàng…”.

Hiện các điệu lý, câu hò, hát ru Gò Công nói riêng và Tiền Giang nói chung đang được ngành Văn hóa sưu tầm, bổ sung vào kho tàng văn hóa quý báu vốn có của dân tộc ta.

NGUYỄN MẠNH THẮNG

.
.
.