Thứ Ba, 20/06/2017, 09:03 (GMT+7)
.

Hình ảnh người phụ nữ trong thơ Lê Ái Siêm

Xưa nay, hình ảnh người phụ nữ luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các giới văn nghệ sĩ. Từ đời thực, họ bước vào những trang viết với muôn ngàn chân dung sống động, cùng đủ đầy sắc thái cung bậc cảm xúc. Với nhà thơ Lê Ái Siêm cũng vậy! Thấp thoáng trong thơ ông luôn có hình ảnh những người mẹ, người chị, người em gái… Họ là những phụ nữ hết sức gần gũi trong đời thường, được ông thể hiện qua giọng thơ trìu mến, thiết tha và những tình cảm chân thành nhất.

Minh họa: Lê Duy
Minh họa: Lê Duy

Khắc họa nỗi đau của những bà mẹ mất chồng, mất con trong 2 cuộc kháng chiến, nhà thơ Lê Ái Siêm viết:

Những bà má đành ru con trong gió
Đành gọi con trong nhang khói nhà mình.
(Những bà má miền Nam viếng Bác)

Những bà mẹ cả đời chỉ biết âm thầm hy sinh cho chồng con, âm thầm tiễn chồng con ra trận, rồi lại âm thầm hát ru trong gió, âm thầm gọi tên chồng con trong nhang khói nhà mình. Chỉ 2 câu thơ nhưng đầy xúc động, đã khái quát lên đức tính hy sinh và vẻ đẹp của bao thế hệ phụ nữ.

Chiến tranh đi qua, nhưng nỗi đau vẫn còn đó. Bên cạnh những bà mẹ âm thầm hy sinh là hình ảnh của những người chị, người vợ góa bụa. Nỗi đau, nỗi cô đơn của một cô giáo sau cuộc chiến tranh bất chợt hiện lên trong không gian tĩnh mịch của “đêm”, của “lớp học khiếm thị”, trong “ngôi nhà thiếu ánh đèn”, nơi có “tàu cau treo lệch vầng trăng khuyết” trong bài thơ Chị vật vờ như chiếc bóng:

Chị trở về cắm nén nhang lên bàn thờ
Nén nhang cháy ba mươi mùa đông
Ba mươi mùa đông
Cày những đường hằn vầng trán chị.

Đây là bài thơ trong chùm 3 bài đoạt giải Nhất của Cuộc thi Thơ ĐBSCL năm 2003. Có lẽ bài thơ đã chạm được vào trái tim người đọc không chỉ vì những hình ảnh thân thuộc đầy thương yêu, mà còn là những tình cảm hết sức tinh tế và đầy sẻ chia của tác giả.

Qua khảo sát, người viết nhận thấy, bên cạnh nhiều bài thơ mang cảm hứng lịch sử, sự chiêm nghiệm về những đổi thay của vùng đất tác giả đang sống, Lê Ái Siêm còn viết khá nhiều thơ tình, nhất là những bài thơ tình chiếm hơn nửa trong tập thơ “Tiếng vọng”. Tuy là thơ tình, nhưng ta bắt gặp trong đó nhiều suy nghĩ về kiếp nhân sinh, về những dâu bể cuộc đời, những phận người nhỏ bé với những dư vị chua xót, bẽ bàng.

Thơ tình của Lê Ái Siêm thường có nhân vật trữ tình là “anh” và đối tượng trữ tình là “em” xuyên suốt trong rất nhiều bài thơ. Đó là những tình cảm hết sức hồn nhiên và trong sáng của chàng trai mới lớn, của những năm tháng đầy tươi đẹp đã xa:

Rồi gió không mang hương qua vòm
                        ô cửa nữa
Đôi mắt em lặng lẽ nơi nào
Mây buông thả lòng trời xa hút
Trăng rất tròn một dấu chấm câu.
(Gởi gió)

Những ký ức tuổi thơ, kỷ niệm của những mối tình đầu ấy nhưng một tiếng vọng cứ ngân nga mãi trong lòng, khiến ta không sao quên được:

Có thể là em
Cất tiếng gọi ta từ tấm bé
Cất tiếng gọi ta thời chưa ta nữa
Để ta đi nghe tiếng vọng quanh đời.
(Tiếng vọng)

Nếu hình ảnh người phụ nữ trong chiến tranh được khắc họa bằng sự hy sinh, nỗi đau mất mát và ý chí kiên cường, thì giữa đời thường, vẻ đẹp của người phụ nữ toát lên trong lao động. Hình ảnh những người con gái tảo tần với má lúm đồng tiền hiện lên trong cái nắng, cái gió và cát bỏng miền Trung đầy ám ảnh:

Cát bỏng trời em gánh cá về không?
Anh làm hoa lông chông dẫn đường
                    cho em chạy
Hoa ngỗ nghịch ngày xưa cắp một lúm                              đồng tiền.
(Hoa lông chông)

Nói về thơ Lê Ái Siêm, tiến sĩ Đỗ Lai Thúy nhận định: “Thơ Lê Ái Siêm già dặn, ngổn ngang những suy tư. Có lẽ quá giàu suy nghĩ nên anh nhìn đâu cũng thấy đối tượng cần phải suy nghĩ...”. Phải chăng vì thế mà những câu thơ tình của nhà thơ cũng đầy những nỗi niềm khắc khoải:

Anh vẫn dành cho em câu thơ
Nửa đời người chưa kịp viết
Mười năm em
Gió mùa như chim đã tha đi đâu hết
Chỉ để lại cho anh vài giọt nắng chiều.
(Câu thơ)

Trăn trở, chiêm nghiệm về cuộc sống, Lê Ái Siêm nhận ra những thay đổi, những giá trị đang mất đi và đau đáu nỗi niềm trước hiện thực cuộc sống. Nhà thơ viết về những phụ nữ phải lấy chồng xa xứ vì cuộc mưu sinh:

Em không trở về
Xứ người xa lắm
Đô la tìm đều đặn người thân.
(Phố chợ)

Nhà thơ Võ Tấn Cường cho rằng: “Tư duy thơ của Lê Ái Siêm giàu tính triết lý, nhưng không phải là thứ triết lý khô khan, mà là sự tan chảy của trí tuệ và sự thăng hoa cảm xúc của trái tim...”. Quả vậy, trong trường ca “Hoa dại”, chúng ta bắt gặp những người con gái lỡ đặt chân vào chốn bùn nhơ mà vẫn huyễn hoặc mình là một loài sen “không vướng bùn tanh dù nhờ bùn tanh để sống”, hay cố làm con đom đóm “để biết mình không đồng lõa màn đêm”. Với “Hoa dại”, Lê Ái Siêm đã thể hiện hết sở trường của mình, nhà thơ đã có những chiêm nghiệm về giá trị con người và quyền lực của đồng tiền trong cuộc sống hiện đại.

Tiếng mẹ ru đứt ngày gió bão
Mẹ buông con tìm hạt gạo đất người
[…]
Gió cứ đi tấp táp phận người
Em cứ lớn bên dòng kinh ươn thối
Cứ nõn tơ như không gì phá nổi
Và gió cứ đi tấp táp phận người.
(Hoa dại)

Có thể nói, hình ảnh người phụ nữ trong thơ Lê Ái Siêm được tác giả khai phá và khắc họa ở rất nhiều cung bậc khác nhau, từ quá khứ cho đến hiện đại, từ những phụ nữ có tên tuổi cụ thể cho đến những phụ nữ vô danh, những phụ nữ với vẻ đẹp bên ngoài cho đến vẻ đẹp tâm hồn, và cả những phụ nữ lỡ lầm dưới đáy xã hội… đều được tác giả dành những tình cảm chân thành, đầy cảm thông và sẻ chia. Đọc thơ Lê Ái Siêm, ta cảm nhận tâm hồn ông luôn dạt dào cảm xúc, dạt dào những nghĩ suy về cuộc sống hằng ngày, về những chuyện lớn, chuyện nhỏ quanh mình. Thậm chí, những điều tưởng là chuyện thoảng qua, nó trở nên lắng sâu và dường như ngưng đọng lại trong thơ ông… Phải chăng, chính điều ấy đã tạo nên sức hút đặc biệt và những nét rất riêng trong thơ Lê Ái Siêm?

TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA

.
.
.