Thứ Tư, 30/10/2019, 16:06 (GMT+7)
.

Bạn biết gì về tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho?

Học giả Vương Hồng Sển ghi lại khá nhiều mẩu chuyện, câu ca dao lưu truyền trong dân gian liên quan đến tuyến xe lửa này, như câu ca dao tả cảnh ga Bến Thành ở Sài Gòn xôn xao mỗi khi xe lửa từ Mỹ Tho về đến:

 Ngày 20-7-1885, chuyến tàu đầu tiên xuất phát từ ga Sài Gòn, vượt sông Vàm Cỏ Đông đến ga  cuối cùng tại Mỹ Tho với hành khách là các công dân Pháp.
Ngày 20-7-1885, chuyến tàu đầu tiên xuất phát từ ga Sài Gòn, vượt sông Vàm Cỏ Đông đến ga cuối cùng tại Mỹ Tho với hành khách là các công dân Pháp.

“Mười giờ tàu lại Bến Thành
Súp lê vội thổi, bộ hành lao xao”.

1. Công trình Đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho được xây dựng vào đầu năm 1881, do Công ty Eiffel trực tiếp thi công, tổ chức quy mô với nhiều nhà thầu, thi công khẩn trương trong 4 năm, có mặt nhiều kỹ sư cầu đường từ Pháp sang, với 11.000 nhân công bản xứ được huy động.

Khó khăn lớn nhất của các hãng thầu thi công tuyến đường sắt này là nó đi qua vùng đất thấp và bùn lầy, thêm hàng chục con sông lớn nhỏ, trong đó đáng kể nhất là sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây.

Tuyến đường sắt này có chiều dài hơn 70 km, có 15 ga, từ ga Sài Gòn (Công viên 23-9 hiện nay) đi qua An Đông, Phú Lâm, An Lạc, Bình Điền. Khi qua Quốc lộ 1, xe lửa dừng lại ở các ga: Bình Điền, Bình Chánh, Gò Đen, Bến Lức, Cầu Voi, Tân An, Tân Hương, Tân Hiệp, Trung Lương và đến ga cuối Mỹ Tho nằm cạnh sông Tiền (khu vực tượng đài Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân ngày nay).

Đây là tuyến đường sắt đầu tiên của Việt Nam và cả Đông Dương. Chi phí công trình hơn 12 triệu franc, vật liệu xây dựng đưa từ Pháp sang. Tuyến đường sắt này một thời đã in dấu bao kỷ niệm của người dân vùng đất Phương Nam.

Năm 1885, đầu tàu hơi nước Le Myre De Vilers xuất phát từ ga Sài Gòn đến Mỹ Tho mất hết 4 giờ. Song song với việc đề xuất sử dụng phà, hãng Eiffel của Pháp thiết kế và chế tạo 2 cây cầu sắt Bến Lức (bắc qua sông Vàm Cỏ Đông) và cầu Tân An (bắc qua sông Vàm Cỏ Tây).

Thế nhưng 2 cây cầu chưa chế tạo xong, giải pháp dùng phà được sử dụng để đưa xe lửa qua 2 con sông. Các kỹ sư người Pháp đã thiết kế 2 đường lên xuống phà cho xe lửa thật hoàn hảo, trong suốt hơn 1 năm xe lửa qua phà mà không xảy ra bất cứ trục trặc gì.

Thời điểm ấy, 4 giờ đồng hồ cho 72 km là một sự kiện vĩ đại, một thành tựu khoa học kỹ thuật (vì cuối thế kỷ XIX từ Sài Gòn đi Mỹ Tho bằng đường thủy, xuất phát từ cảng Nhà Rồng, trên tàu thủy của hãng Nam Vang phải mất trên 12 giờ).

Tháng 5-1886, cầu Bến Lức và Tân An được xây dựng hoàn chỉnh, việc sử dụng phà mới chấm dứt. Thủy lộ khởi từ cảng Nhà Rồng, trên sông Lòng Tàu, ra cửa Cần Giờ, cặp biển, vào cửa sông Tiền hoặc qua cửa Soài Rạp, Rạch Lá, kinh Chợ Gạo để tới Mỹ Tho, đường đi thật nhiêu khê.

Ban đầu, khi xe lửa còn qua 2 chiếc phà và chạy bằng đầu máy hơi nước, thời gian hành trình mất 3 tiếng rưỡi. Sau khi cầu Bến Lức và cầu Tân An thông xe, rồi đầu máy kéo được thay thế hệ mới, mạnh hơn, thời gian hành trình rút xuống còn 2 tiếng rưỡi, rồi chưa tới 2 tiếng, tương đương với thời gian đi ô tô từ Mỹ Tho tới chợ Bến Thành ngày nay.

Tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho hoạt động đến thập kỷ 50 của thế kỷ XX. Thời kỳ này, xe hơi phát triển mạnh, hệ thống đường bộ Sài Gòn - Mỹ Tho cũng được đầu tư nên người dân chuyển dần sang đi đường bộ để thuận tiện hơn.

Có những ngày, cả đoàn tàu chỉ vài chục người đi, dẫn đến thua lỗ. Năm 1958, tuyến đường sắt này đã bị chính quyền Ngô Đình Diệm cho ngừng hoạt động, kết thúc 73 năm tồn tại.

2. Hình ảnh quan khách “áo quần bảnh bao” trên toa xe lửa đầu tiên xuyên Nam bộ hầu hết là những “ông Tây, bà Đầm”. Ông Tây thì đầu đội nón cối trắng hoặc vàng kiểu thuộc địa, diện nguyên bộ kaki trắng hoặc áo veste đuôi tôm giữa trời nóng đổ lửa. Bà Đầm thì váy xòe, mũ rơm đính hoa, tay che dù kiểu thế kỷ XVIII, tươi mát và rực rỡ.

Ký ức của người dân Nam bộ thời đó về tuyến xe lửa này còn lưu lại như sau: Vé xe lửa hồi đó rẻ lắm, học sinh cũng đi được; chị chạy chợ, bác nông dân cũng ngồi thong dong; còn công chức Sài Gòn có thể đi xe lửa xuống Mỹ Tho làm hoặc ngược lại là bình thường.

Nhờ có nó, người Mỹ Tho có thể lên Sài Gòn mang theo sản vật địa phương cung ứng cho các chợ. Người Sài Gòn xuống Mỹ Tho giải quyết những công việc hằng ngày.

Trên tàu có nhiều hạng ghế nhưng đông nhất là hạng ghế bình dân. Không riêng gì người nghèo, cả người giàu, trí thức cũng thích ngồi hàng ghế này để nghe các cô buôn hàng “tám” đủ thứ chuyện. 

Lẫn trong tiếng các cô gái “ngọt như mía” có cả tiếng gà vịt kêu quang quác, tiếng heo kêu eng éc, mùi thơm dầu dừa xức tóc của các cô quyện lẫn mùi khói than của đầu máy xe lửa hơi nước và cả mùi thơm nồng của thúng ổi xá lị, bó rau thơm...

Người ta đồn rằng, Hắc công tử và Bạch công tử là một trong những vị khách thường xuyên của tuyến đường sắt này. Nhà bác học Trương Vĩnh Ký cũng là vị khách thường xuyên mua vé khi về Bến Tre, lên Sài Gòn dạy học tại ngôi trường mang tên ông  - Pétrus Ký (tức Trường chuyên Lê Hồng Phong ngày nay).

3. Theo những ghi chép của Tiến sĩ Nguyễn Phúc Nghiệp trong “Những ghi chép về lịch sử văn hóa Tiền Giang” có ghi: Lúc bấy giờ, hàng hóa và hành khách từ Sài Gòn bằng đường xe lửa chỉ mất khoảng 3 giờ là đã đến ga Mỹ Tho. Sau đó, hành khách và hàng hóa sẽ xuống bến tàu ở sát nhà ga để đi khắp nơi ở miền Tây Nam bộ bằng tàu thủy. Lúc ấy, có tuyến tàu thủy Mỹ Tho - Cái Bè - Vĩnh Long - Sa Đéc khởi hành ngay sau khi xe lửa Sài Gòn đến Mỹ Tho. Ngoài ra, ở Mỹ Tho cũng có nhiều tuyến tàu thủy khác tỏa đi khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), kể cả Phnom Penh (Campuchia).

Đi kèm theo nhà ga Mỹ Tho và bến tàu thủy Mỹ Tho là các dịch vụ khác như sửa chữa máy móc, đóng tàu ghe, ăn uống, buôn bán, nhà trọ…

Nhất là vào khoảng năm 1915 -1916, ông Trần Chánh Chiếu, một nhà tư sản dân tộc yêu nước, là một trong những người phát động phong trào chống Pháp, có tên gọi là phong trào Minh Tân, lập Minh Tân khách sạn ở sát nhà ga xe lửa Mỹ Tho để phục vụ cho những người lỡ tàu xe hoặc chờ đón xe lửa cần phải nghỉ qua đêm.

Và cũng nhờ có bến tàu thủy, nhà ga xe lửa mà thương mại ở Mỹ Tho phát triển mạnh. Chợ Mỹ Tho, chợ Hàng Bông buôn bán nhộn nhịp, gần như hoạt động suốt cả ngày lẫn đêm với khối lượng hàng hóa dồi dào, phong phú.

Chính những điều đó đã góp phần làm cho sản xuất của Mỹ Tho có những bước tiến đáng kể, được xem là một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của khu vực ĐBSCL thời bấy giờ.

Cũng phải kể đến một số đặc sản của Mỹ Tho nhờ tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho mà vang danh khắp nơi như: Hủ tiếu Mỹ Tho, kẹo chuối Mỹ Tho, mận Hồng Đào Trung Lương… Cải lương, một bộ môn nghệ thuật mới được ra đời đầu thế kỷ XX, một phần cũng nhờ vào tuyến đường xe lửa này mà nổi tiếng gần xa.

Được biết, khi gánh cải lương của Thầy Năm Tú chưa lên Sài Gòn - Chợ Lớn biểu diễn, thì người hâm mộ, nhất là giới thượng lưu, trung lưu thường đi xe lửa xuống Mỹ Tho xem cải lương, rồi đến khách sạn Minh Tân ngủ qua đêm, để sáng hôm sau điểm tâm bằng hủ tiếu Mỹ Tho, mua vài gói kẹo chuối làm quà, rồi lên xe lửa trở về Sài Gòn.

HỒNG LÊ

(tổng hợp)

.
.
.