Thứ Tư, 13/11/2019, 15:25 (GMT+7)
.

Ao làng quê tôi

Từ thuở khai hoang lập ấp, ở vùng Gò Công quê tôi nói riêng, các vùng khác nói chung, các ao làng là nguồn nước phục vụ sinh hoạt của bà con qua nhiều thế hệ. Cụ ông Lâm Văn Phước, năm nay đã 80 tuổi, ngụ ấp Bình Đông Trung, xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây cho biết: Ông sinh ra đã có ao làng. Ngày đó, kinh, rạch trong làng ít. Từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 âm lịch năm sau là thời điểm hạn hán, nước sông nhiễm mặn, vì vậy ấp nào cũng có ao làng chứa nước để bà con trong ấp dùng chung. Ao làng có ao có tên và cũng có ao không có tên.

Tại xã Bình Nhì, có ao bà Ý. Theo tương truyền, bà đã xuất tiền mua đất để đào ao, nên bà con lấy tên bà đặt tên cho ao. Cũng có trường hợp tên ao gắn với tên các cây cổ thụ mọc xung quanh ao như: Ao Dầu, ao Gừa… Mỗi ao làng đều có những quy ước khác nhau để giữ cho nước ao làng luôn trong, sạch.

Ao Dầu có quy định phụ nữ gánh nước phải vo quần lên khỏi đầu gối, không cho ống quần chạm nước ao. Ao ông Thung và nhiều ao khác trong xã thì quy định tắm, gội phải trên đất liền, không cho nước chảy xuống ao; muốn cho trâu, bò uống nước, người chủ phải múc nước đổ vào ảng ngoài đồng, nếu để trâu, bò xuống ao uống nước thì chủ của nó bị phạt tiền.

Với cụ ông Trần Văn Bá, năm nay 79 tuổi, cũng ở ấp Bình Đông Trung, xã Bình Nhì: Nhắc đến ao làng là nhắc đến những kỷ niệm với đong đầy tình làng, nghĩa xóm. Ông còn nhớ như in, từ khoảng 30 năm trước, con trai, con gái chừng 15 - 16 tuổi đã biết gánh nước ở ao làng để phụ giúp gia đình. Trong ngày, buổi sáng sớm và chiều mát là thời điểm ao làng có nhiều người gánh nước nhất. Mỗi lần đi gánh nước, người này rủ người kia, ao làng rộn rã tiếng cười, nói của bà con trong làng.

Có hôm, thanh niên trai tráng trong làng xếp hàng dài từ 5 - 7 người dưới cầu ao, múc từng thùng nước đầy ắp chuyền lên bờ cho chị em phụ nữ gánh về. Cũng từ ao làng, đã có những mối tình chân chất nảy sinh giữa các cặp trai gái trong làng với nhau. Có năm trời hạn kéo dài, nước ở ao rút cạn, làng tổ chức bắt cá, vét ao. Mỗi nhà cử 1 người cùng chung tay vét từng thau bùn chuyền lên bờ và sau đó chia nhau từng con cá, con tôm...

Ông Bá cho biết thêm, trước giải phóng, để gánh nước ở ao làng, mỗi nhà thường có cặp thùng thiếc làm bằng thùng dầu lửa hiệu con Sò, cặp móc bằng sắt và cây đòn gánh. Mỗi lần gánh, 2 thùng được khoảng 40 lít nước. Sau khi múc nước đầy thùng, người dân sẽ xé lá chuối tươi bỏ vào 2 thùng nước để nước không tràn ra ngoài. Người nào gánh nước lâu năm sẽ có kinh nghiệm gánh để nước ít đổ ra ngoài.

Từ xưa đến nay, cùng với chính quyền sở tại, các ao làng luôn có Bổn hựu trông coi, gìn giữ. Bổn hựu thường có 4 - 5 vị, do bà con nhân dân trong ấp bầu ra, gồm chánh hồi, phó hồi, phó thủ bổn và thủ bổn.

Trong đó, chánh hồi và phó hồi sẽ do các bậc cao niên đảm nhận và ít có sự thay đổi; còn phó thủ bổn và thủ bổn sẽ có nhiệm kỳ 1 năm. Trong lễ cúng ao, cúng miếu Bà, bà con trong ấp sẽ bình bầu lại phó thủ bổn và thủ bổn. Với người dân xã Bình Nhì, ngày 15 và 16-2 âm lịch hằng năm đã trở thành ngày hội.

Trong 2 ngày này, bà con dân làng gần xa cùng nhau tụ hội, góp tiền, góp công, góp sức chuẩn bị heo quay, hoa, trái cây và dâng chè xôi để tổ chức lễ cúng, với các nghi lễ gồm: Trò lễ, hát bóng và nhạc; trong đó, 3 năm hát bóng sẽ được đáo lệ một lần.

Trong lễ cúng, Bổn hựu thay mặt bà con trong làng cầu xin một năm mưa thuận gió hòa, nhân dân được mùa, làng xã ấm êm. Ngoài ra, trong những ngày rằm lớn (rằm tháng Giêng, tháng Bảy và tháng Mười), Bổn hựu và bà con dân làng đến thắp hương, cúng chè, xôi, trái cây bày tỏ lòng thành.

Qua cùng năm tháng, ao làng không chỉ là nơi lưu giữ, gắn bó với bao kỷ niệm của nhiều thế hệ bà con nhân dân, mà ở đó còn chứa đựng nhiều nét đẹp văn hóa, lịch sử của huyện Gò Công Tây. Chính vì vậy, với nhiều người dân xã Bình Nhì, gìn giữ ao làng cũng chính là gìn giữ những hình ảnh gần gũi, thân quen để giáo dục con cháu và thế hệ mai sau về tình yêu quê hương, đất nước, tình làng nghĩa xóm và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

QUỐC NAM

.
.
.