Thứ Hai, 17/02/2020, 20:43 (GMT+7)
.

Đêm văn nghệ không có tiếng vỗ tay

Đã là một buổi biểu diễn văn nghệ thì ít nhiều cũng có tiếng vỗ tay tán thưởng của khán giả, nhưng đêm diễn cách đây hơn 30 năm thì hoàn toàn không, mặc dù có đến 2 tiểu đoàn quân tình nguyện Việt Nam ngồi xem Đội Tuyên văn (Đoàn Văn công) của Tỉnh đội Tiền Giang biểu diễn.

Đội Tuyên Văn Tỉnh đội Tiền Giang phối hợp với Đội Văn nghệ Đoàn Quân sự 9903  biểu diễn xung kích phục vụ cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Giồng Dứa, tại phum Xếp-bờ-Rây, xã Bờ-Rây-Ngân, huyện Kravanh, tỉnh Pursat, Campuchia ngày 2-1-1985.
Đội Tuyên Văn Tỉnh đội Tiền Giang phối hợp với Đội Văn nghệ Đoàn Quân sự 9903 biểu diễn xung kích phục vụ cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Giồng Dứa, tại phum Xếp-bờ-Rây, xã Bờ-Rây-Ngân, huyện Kravanh, tỉnh Pursat, Campuchia ngày 2-1-1985.

Đó là khoảng thời gian diễn ra Chiến dịch mùa khô 1984 - 1985 trên địa bàn tỉnh Pursat, Campuchia. Từ tháng 10 đến tháng 12-1984, ở khu vực huyện Ba Can, lực lượng quân tình nguyện của ta và bạn đã phối hợp đánh tan 1 tiểu đoàn Pôn Pốt và 1 tiểu đoàn Sê-Rây-Ka. Sau khi làm chủ tình hình, ta bàn giao địa bàn cho lực lượng địa phương.

Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn 514 của Tỉnh đội Tiền Giang với Tiểu đoàn 37 tỉnh Pursat tiếp tục truy quét tàn quân. Riêng 2 Tiểu đoàn Trương Định và Rạch Gầm của Tỉnh đội Tiền Giang, cuối tháng 1-1985 nhận nhiệm vụ tham gia mặt trận biên giới Thái Lan K5. Đây là công trình phòng thủ chiến lược trên phần biên giới do tỉnh Pursat đảm nhiệm, không cho địch  tuồn lực lượng, vũ khí vào nội địa.

Cũng thời gian này, nhằm khích lệ, động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ đang làm nghĩa vụ giúp bạn tại tỉnh Pursat kết nghĩa, Tỉnh đội Tiền Giang đã điều Đội Tuyên văn (viết tắt là Đội) sang phục vụ văn nghệ trong những ngày giáp tết, do Đại úy Lê Hồng Lâm, Trưởng ban Tuyên huấn chỉ huy; Trung úy Huỳnh Kim Bảng, Đội phó. Đội có khoảng 30 đồng chí. Lúc ấy tôi là Thiếu úy, Trợ lý Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Đoàn Quân sự 9903, được chỉ huy giao nhiệm vụ hướng dẫn Đội đến các điểm phục vụ văn nghệ cho bộ đội theo lịch đã xếp sẵn.

Thời tiết đất bạn rất khắc nghiệt, ngày thì nóng như nung lửa, đêm thì lạnh buốt xương. Đã xác định chuyến đi sẽ có nhiều khó khăn, gian khổ, các thành viên trong Đội đều nỗ lực phục vụ với tinh thần rất cao, liên tục phục vụ nhiều điểm trên địa bàn tỉnh Pursat. Nơi nào tình hình an ninh đảm bảo thì diễn ban đêm, chương trình kéo dài từ 2 đến 3 giờ. Nơi nào tình hình phức tạp, hoặc ở các chốt nhỏ lẻ thì diễn xung kích ban ngày, thời gian từ 1 giờ đến 1 giờ 30 phút.

Suốt 2 tuần lễ, ngày nào Đội cũng diễn từ 2 đến 3 điểm. Đến đâu Đội cũng được bộ đội các chốt đón chào nồng nhiệt. Mặc dù điều kiện ăn uống hết sức thiếu thốn, nhưng bộ đội các chốt luôn nhường những món ăn ngon nhất cho anh em trong Đội, ưu tiên các diễn viên nữ.

Ngược lại, các thành viên trong Đội rất đồng cảm với những khó khăn, gian khổ của bộ đội nơi chiến trường, trước và sau khi biểu diễn đều dành thời gian tiếp cận ân cần thăm hỏi, trò chuyện như người thân lâu ngày mới gặp. Khi rời đơn vị, Đội lại nhận thêm nhiệm vụ mang thư và quà về cho gia đình những người lính tiền phương.

Một ngày cuối tháng 1-1985, Đội hành quân vào Phum-ô, một xã thuộc huyện Ba Can, tỉnh Pursat. Phương tiện hành quân gồm 1 xe GMC chở sân khấu lắp ráp, máy móc, đạo cụ... phục vụ biểu diễn; 1 xe Hải Âu chở cán bộ, diễn viên. Đường sá lúc ấy gập ghềnh, lắm “ổ voi”, mãi đến 18 giờ Đội mới đến được khu vực Phum-ô. Đến nơi, ai lo việc nấy.

Các diễn viên nam nhanh chóng lắp ráp sân khấu, bố trí âm thanh, ánh sáng; nữ thì tranh thủ hóa trang. Sân khấu được xây dựng tựa lưng vào vườn cây tạp, mặt quay ra hướng cánh đồng. Đêm ấy không có trăng, nên khoảng 19 giờ trời đã tối như mực. Mọi người tập trung hoàn tất công việc chủ yếu dựa vào ánh đèn pin của từng cá nhân.

Chúng tôi cảm nhận được cái lạnh đang tăng dần theo từng cơn gió. Có đồng chí nào đó nôn nóng hỏi: “Sao gần 20 giờ rồi mà không thấy ai tới xem hết vậy cà!?”. Giữa không gian tối đen và lạnh buốt ấy, chúng tôi bỗng nghe tiếng xào xạc của nhiều bước chân giẫm lên gốc rạ khô, tiếng va chạm lách cách của kim loại.

Lúc đầu những âm thanh ấy rất mơ hồ, như tiếng gió lay cây cỏ, nhưng càng lúc càng rõ dần, rõ dần. Tiếng động ấy đến kề bên chúng tôi thì đột nhiên mất hẳn. Khi chiếc máy phát điện nổ giòn, những bóng đèn sân khấu đồng loạt sáng lên, trước mắt chúng tôi hiện ra một đoàn quân với súng đạn, ba lô chỉnh tề, ngồi thẳng hàng dưới mặt ruộng khô, mắt sáng ngời hướng về sân khấu.

Lúc ấy đồng chí trinh sát mới cho chúng tôi biết đây là lực lượng của 2 Tiểu đoàn Trương Định và Rạch Gầm đang trên đường hành quân ra biên giới Thái Lan làm nhiệm vụ. Lực lượng đông như vậy nhưng không hề có một tiếng xì xào, kiên nhẫn ngồi yên chờ xem văn nghệ.

Tiết mục mở màn buổi biểu diễn như một đốm lửa nhỏ thắp lên giữa đêm đông. Đốm lửa ấy to dần, to dần rồi bùng lên mãnh liệt. Chương trình văn nghệ được sắp xếp như lời tự tình của quê hương, dẫn dắt bộ đội về với quê hương Tiền Giang thân yêu, nơi có con đò, chiếc cầu ao bên cánh võng đong đưa và lời ru của mẹ…

Những bài ca cổ ngọt ngào hương cây trái, nói lên tâm sự người con gái tảo tần, chung thủy nơi quê nhà luôn nhớ về các anh, đợi các anh về; những hành khúc hào hùng, thúc giục các anh chắc tay súng…

Tôi đứng ở góc cánh gà nhìn xuống, ánh đèn sân khấu soi rõ từng nét biểu cảm trên khuôn mặt của các anh. Những gương mặt tưởng đã chai sạn vì khói lửa chiến trường đang dâng trào cảm xúc. Nhìn vào đôi mắt các anh, lúc thì toát lên niềm nhớ nhung xa xăm như có khói, lúc thì đanh lại căm hờn bè lũ Pôn Pốt dã man, lúc ngời lên hạnh phúc cùng đôi môi nở nụ cười thật tươi... Nhưng tuyệt nhiên không có tiếng vỗ tay!?

Có lẽ hoàn cảnh buổi biểu diễn ấy hoàn toàn khác với những buổi biểu diễn thông thường, bởi không đơn thuần là một buổi biểu diễn văn nghệ nhằm thỏa mãn đời sống tinh thần cho khán giả, mà hơn thế, có ý nghĩa là một buổi họp mặt, rồi chia tay không rơi nước mắt, bằng những lời ca, điệu múa, đầy chất bi hùng.

PHAN HIẾU LỄ

.
.
.