Thứ Tư, 11/03/2020, 13:53 (GMT+7)
.
DI TÍCH BẾN ĐÒ PHÚ MỸ:

"Địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng

Làng Phú Mỹ nằm ở vùng ven của Đồng Tháp Mười, được lập khá sớm (vào cuối thế kỷ XVIII). Ngày xưa, làng Phú Mỹ thuộc tổng Hưng Xương, huyện Kiến Hưng, phủ Kiến An, trấn Định Tường. Thời Minh Mạng, làng thuộc tổng Hưng Nhơn, huyện Kiến Hưng, phủ Kiến An, tỉnh Định Tường. Trong làng có chợ Thầy Yến, mang tên một thầy thuốc Bắc, tên Yến, đã có công lập chợ. Ngày nay, làng Phú Mỹ là xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.

Bia căm thù tại Di tích Bến đò Phú Mỹ  là địa điểm “về nguồn” của đoàn viên, thanh niên trong tỉnh.
Bia căm thù tại Di tích Bến đò Phú Mỹ là địa điểm “về nguồn” của đoàn viên, thanh niên trong tỉnh.

LỊCH SỬ CHỢ THẦY YẾN

Theo “Lịch sử Đảng bộ xã Phú Mỹ”, vào thế kỷ XVII, ông tổ của các dòng họ người Việt ở các tỉnh miền Trung vào khu vực ngã ba Láng Cát, nơi tương đối cao, bằng phẳng, có nhiều con rạch giao nhau thuận lợi cho giao thông thủy để định cư và khai hoang lập nghiệp. Khu vực chợ Thầy Yến (nay là chợ Phú Mỹ) được xác định là nơi cư dân đến sinh sống đầu tiên tại Phú Mỹ. Năm 1808, làng Phú Mỹ chính thức được thành lập. Theo các vị bô lão của vùng, tên gọi Phú Mỹ thể hiện mong muốn thiết tha của những người mở đất.

Trong số những di dân đến khai phá vùng đất Phú Mỹ, có thầy Yến, thầy Liễn thuộc tầng lớp trí thức Nho học, đã mở trường dạy chữ Hán, chữ Nôm và hành nghề bốc thuốc. Khi lưu dân đến định cư ngày một đông, nhu cầu trao đổi hàng hóa ngày càng nhiều, mỗi sáng người dân thường tụ tập trên bờ kinh gần nhà thầy Yến để mua bán.

Thấy vậy, thầy Yến cất ngôi nhà nho nhỏ để dân có chỗ trú nắng, mưa. Dần dần nơi đây trở thành chợ. Đến năm 1896, tề làng buộc thầy Yến bán khu đất có chợ cho chính quyền để xây dựng chợ, với tên gọi chợ Phú Mỹ. Tuy nhiên, người dân quanh vùng vẫn quen gọi là chợ Thầy Yến để ghi nhớ công lao của người đã lập chợ đầu tiên.

Những năm đầu thế kỷ XX, chợ Thầy Yến rất sung túc, ghe chở hàng các loại từ Đồng Tháp xuống đây mua bán tấp nập. Dân các xã lân cận: Hưng Thạnh, Tân Hòa Thành, Mỹ An Phú (tỉnh Long An) cũng đi chợ Thầy Yến, vì hàng hóa ở đây phong phú, các món đặc sản của vùng Đồng Tháp Mười rẻ hơn nhiều so với các chợ khác.

Di tích Bến đò Phú Mỹ thuộc xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước, nằm cách Quốc lộ 1 khoảng 10 km và cách TP. Mỹ Tho khoảng 22 km về phía Tây. Di tích Bến đò Phú Mỹ là di tích lịch sử cách mạng, nơi ghi dấu tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta vào những năm 1947 -1949.

Ngày 20-7-1994, di tích bến Đò Phú Mỹ được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
 

KÝ ỨC ĐAU THƯƠNG

Từ khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta (năm 1945), chúng bắt đầu thực hiện việc bình định, lập đồn bót khắp nơi, kể cả những vùng hẻo lánh. Chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của chúng bị thất bại. Từ năm 1947, thực dân Pháp quay về bình định vùng chiếm đóng, tuyển mộ thêm ngụy quân, củng cố hệ thống đồn bót và ra sức khủng bố những người yêu nước.

Tại xã Phú Mỹ, bọn phản động đội lốt tôn giáo (trong phái Cao Đài Tây Ninh), được sự trợ giúp của thực dân Pháp, đã trắng trợn gom dân lập căn cứ chống phá cách mạng. Thực dân Pháp cho lập đồn tại bến đò để kiểm soát ghe thuyền ra vào Đồng Tháp Mười - vùng căn cứ cách mạng của tỉnh Mỹ Tho. Đồn này do tên Pháp chỉ huy, bên dưới có nhiều tên giết người không gớm tay.

Ngoài số lính Pháp và lính ngụy, chúng còn bổ sung thêm một đội lính Âu - Phi, có lúc quân số trong đồn lên đến 1 đại đội. Không những thế, thực dân Pháp còn cho bọn phản động đội lốt tôn giáo lập quân đội riêng và cho những người theo chúng mặc sức giết hại đồng bào yêu nước. Đồng bào ở đây luôn sống trong nỗi lo sợ, kinh hoàng. Cán bộ ta hoạt động trong vùng này hết sức khó khăn và nguy hiểm.

Chúng đã dùng búa chặt đầu những đồng chí, những người dân mà chúng tình nghi có quan hệ kháng chiến hoặc không chịu vào lính Cao Đài. Tại bến đò và ngã ba gần bến đò chúng dựng các giàn cây để treo thịt người mà chúng đã giết, có trường hợp chúng đeo đá vào cổ người dân rồi xô xuống kinh gọi là đi “mò tôm”…

Đồng bào ở đây đã chứng kiến những tội ác cực kỳ man rợ của giặc Pháp, nổi cộm nhất là tên giặc Pháp Taillet có biệt danh là “Tây Búa”, do trong người nó lúc nào cũng có lận 1 cây búa nhỏ làm biểu tượng thị uy của nó. Những năm 1948 - 1949 chúng gây tội ác nhiều nhất, hàng chục cán bộ và đồng bào bị chúng đập đầu, mổ bụng… 

Những hình ảnh về “quầy bán thịt người” tại bến đò Phú Mỹ được nhà quay phim Khương Mễ và đồng nghiệp của ông chụp lại khá nhiều. Đáng tiếc nay chỉ còn 1 bức ảnh đã được đăng báo là còn lưu giữ. Dù chỉ là 1 bức ảnh nhưng nó là bằng chứng xác thực để tố cáo tội ác dã man của thực dân Pháp và bọn phản động trong giáo phái Cao Đài Tây Ninh tại vùng Phú Mỹ trong những năm 1947 -1949.

Để trả thù cho đồng bào, đồng chí bị địch giết hại một cách dã man, một số đồng chí công an được cử đến đây để trừ gian diệt ác. Các đồng chí đã giết được một số tên, trong đó đồng chí nữ công an Đặng Thị Mành đã cải trang thành dân thường, có lúc thành một người thiến heo, tay xách túi bàng, miệng thổi ống sáo tò te, la cà khắp thôn xóm, chợ búa, đến cả gần bót giặc; có lúc cải trang thành nhà sư, mặc áo cà sa, đầu cạo nhẵn. Năm 1948, tại chợ Phú Mỹ, đồng chí đã  bắn chết thằng “Tây Búa” rồi trà trộn trong đám đông chạy thoát.

Trong 2 năm 1948 - 1949, Huyện ủy Châu Thành cử nhiều cán bộ Cao Đài vận đến vùng Phú Mỹ công tác, làm cho tình hình vùng này dần trở lại ổn định, đồng bào yên tâm trở về tăng gia sản xuất và ủng hộ kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Năm 1994, tại nơi thực dân Pháp đóng đồn ở bến đò Phú Mỹ trong những năm 1945 - 1954, UBND tỉnh đã cho xây dựng Bia căm thù với 2 mảng phù điêu mô tả sự giết người man rợ của bọn thực dân Pháp và bọn phản động đội lốt tôn giáo đối với đồng bào, đồng chí xã Phú Mỹ.

HÀ ANH

.
.
.