Thứ Sáu, 01/05/2020, 15:29 (GMT+7)
.

Những kỷ niệm với Nhật Linh

Nhật Linh (đồng chí Phạm Văn Phong, nguyên Trưởng phòng Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang) lâm bệnh rồi đột ngột ra đi cách nay trăm ngày, để lại sự ngỡ ngàng, bàng hoàng trong bạn bè văn nghệ. Từ nay, trong những chuyến đi thực tế, ở  hàng ghế sau cùng sẽ không còn bộ ba: Quang Huy, Nhật Linh, Vũ Tuấn với những câu chuyện tiếu lâm đường xa và những tràng cười rộ; không còn bộ tam Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Sáng tác Trẻ: Linh, Nghĩa (hiện là Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh), Châu (phóng viên Báo Ấp Bắc, mất năm 2017) lang thang chụp rêu, đá, hoa dại vùng cao. Trong mất mát hụt hẫng, ai đó nói như an ủi: Giờ Nhật Linh và Minh Châu chắc “gặp nhau” rồi, không chừng sẽ có một CLB Sáng tác Trẻ được lập ra…

Đồng chí Phạm Văn Phong (bìa trái) và đại diện lãnh đạo tỉnh đến chúc mừng Báo Ấp Bắc nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6-2018.
Đồng chí Phạm Văn Phong (bìa trái) và đại diện lãnh đạo tỉnh đến chúc mừng Báo Ấp Bắc nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6-2018.

Lần đầu Nhật Linh tới trụ sở Hội Văn nghệ cũ (số 6, đường Lê Lợi, TP. Mỹ Tho) trông dáng nhỏ nhắn, áo sơ mi trắng quần xanh, y như học sinh trung học. Linh xưng là tác giả bài “Quê tôi ngày ấy” và thổ lộ: “Nghe mấy anh chị nói bài của em được đăng, em mừng quá. Hổm rày gửi đi, em trông dữ lắm”. Khi tôi bảo Nhật Linh lên lầu gặp bộ phận Trị sự để nhận báo biếu và nhuận bút, Linh cười bẽn lẽn: “Có nhuận bút nữa hả chị?”. Tôi nói: “Có, nhưng không nhiều”. Linh rụt rè: “Có thể cho em thêm báo mà không nhận nhuận bút, được không?”. Tôi chỉ dẫn: “Em cứ lãnh nhuận bút, rồi qua bộ phận phát hành mua thêm báo”.

Chốc sau, chàng trai trẻ từ tầng 1 trở xuống, ôm theo chồng tạp chí, vẻ mặt hí hửng. Tôi hỏi: “Mua hết luôn nhuận bút hả”. “Dạ, mua về cho mấy đứa em và tặng bạn bè. Tụi nó mà biết bài của em được đăng đứa nào cũng mừng...”. Tôi cũng vui lây, không ngờ một bài đăng trên báo mà lan tỏa niềm vui tới vậy. Cũng trong buổi gặp đó, tôi biết Linh tốt nghiệp trung học phổ thông mấy năm rồi, nhưng do nhà ở xã vùng sâu không có điều kiện lên đại học, đang là cộng tác viên của đài truyền thanh huyện. Tôi khuyến khích: “Em viết chuyện miền quê sinh động lắm, viết tiếp nghen!”. Nhật Linh ngập ngừng: “Em làm thơ hồi học bậc trung học cơ sở, có dịp em sẽ đưa chị xem tập thơ của em”.

Không lâu sau Linh ghé, đưa cho tôi quyển thơ chép trong vở học trò. “Chị  đọc rồi góp ý dùm em. Chắc chị sẽ chê vì em bị ảnh hưởng thơ Xuân Diệu, Huy Cận rất nhiều. Em mê thơ tình Xuân Diệu lắm...”. Quả nhiên, cả tập toàn thơ tình. Tôi chọc: “Bộ yêu nhiều lắm hả?”. Linh giải thích: “Toàn tưởng tượng không hà”. Thời gian này Linh được đài truyền thanh huyện cho đi dự tập huấn về công tác truyền thanh ở tỉnh, nên hay ghé tòa soạn Hội Văn nghệ tỉnh (nay là Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh). Tôi đưa cho Linh nhiều tập thơ của các tác giả thơ có tên tuổi. “Em đọc sẽ thấy mỗi người có cách thể hiện riêng. Thơ em có thể hay hoặc dở nhưng phải là của em, đừng là “cái bóng” của người khác” - tôi dặn dò.

Lâu không thấy Linh ghé chơi. Rồi một chiều muộn Linh tới, đưa cho tôi xấp giấy bọc trong túi ni lông. “Chị coi, giờ em viết “khác” trước lắm”. Trong hơn chục bài thơ của Linh, có những dòng làm tôi ngạc nhiên và xúc động: “Một chiều tôi về bất chợt / Cánh rừng bạc trắng trong mưa / Cành hoang chim non gọi mẹ / Run run chiếc lá cuối mùa /Lũ về… nước tràn bãi mía / Trắng ngần luống khóm, vuông khoai…”.

Sau đó, thơ của tác giả trẻ Nhật Linh được đăng tải liên tục trên tạp chí Văn nghệ, đặc san Văn nghệ Trẻ Tiền Giang. Không chỉ làm thơ, Nhật Linh còn xuất hiện với nhiều bài phóng sự đồng quê đặc sắc. Trong những năm cuối của thập niên 90, ở Tiền Giang có một cây bút “làm mưa làm gió” ở thể loại này là Nguyễn Chi.

Thấy Nhật Linh có nhiều thơ về đồng bưng, rau dại khá ấn tượng, tôi gợi ý: “Viết phóng sự đồng quê đi!”. Nhật Linh phân vân: “Nhắm được không chị?”. Tôi động viên: “Sao lại không. Cũng đề tài đó, quan sát, thêm chi tiết, nhân vật...”. Bài phóng sự đầu tiên của Nhật Linh viết về đọt choại, một thứ rau dại ở vùng đồng bưng từng là nguồn sống của người dân nghèo thuở đầu khai phá, tuy chưa đạt sự nhuần nhuyễn, hấp dẫn như ngòi bút Nguyễn Chi, nhưng cũng tạo nhiều ấn tượng. Được khích lệ, Nhật Linh say mê lặn lội khắp ngã đồng bưng viết tiếp hàng loạt phóng sự về những cánh đồng năn, đồng khóm, đồng khoai mỡ, những rau đắng, điên điển, bông súng, ốc đắng, cá rô non, những sinh hoạt của người đồng bưng, giã bàng, đương đệm…, đã góp phần làm phong phú thêm nội dung của Văn nghệ Trẻ.

Còn nhớ, khi CLB Sáng tác Trẻ thành lập, Nhật Linh là thành viên nòng cốt trong Ban Chủ nhiệm. Nhà ở vùng sâu (xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước), Nhật Linh phải đạp xe mấy chục cây số  trong điều kiện đường sá chưa được mở mang, xuống TP. Mỹ Tho trong những dịp hội họp. Khi báo Văn nghệ Trẻ, diễn đàn của CLB xuất bản, Nhật Linh còn phụ giúp biên tập, in báo và cả đi bán báo.

Cùng với Phúc Huy, Quốc Đạt,  Minh Châu, Quốc Vũ, Chí Mỹ…, Nhật Linh đã góp nhiều công sức trong việc gầy dựng, duy trì và phát triển hoạt động của CLB Sáng tác Trẻ buổi ban đầu. Cái thuở ban đầu đầy kỷ niệm. Kỷ niệm đi in báo, bán báo, đi thực tế, đi tặng quà học trò nghèo vùng sâu… Nhớ những chuyến đi thực tế về đồng bưng, Nhật Linh luôn là người tiền trạm, lo chu đáo từ phương tiện ghe đò, tới những bữa cơm đặc sản quê nghèo.

Nhớ những trái khóm ngọt, những bó rau đắng, đọt choại luôn theo chân Chủ nhiệm CLB Sáng tác Trẻ Nhật Linh mỗi dịp hội họp, quà quê đầy ắp chân tình. Sau này, mỗi khi có dịp ngồi lại với nhau, Nhật Linh hay nói với tôi: “Hồi đó cực mà vui ghê há chị. Em vẫn còn giữ đủ bộ Văn nghệ Trẻ, từ số đầu tiên…”.

THU TRANG

.
.
.