Thứ Tư, 02/09/2020, 14:56 (GMT+7)
.
ĐÌNH AN ĐỨC ĐÔNG:

Di tích lịch sử cách mạng

Theo địa bạ thời Minh Mạng, làng An Đức Đông được thành lập vào những năm đầu của thế kỷ XIX, lúc bấy giờ gọi là thôn An Đức Đông. Đến thời Thiệu Trị, nhân dân lập đình thờ Thành hoàng làng và các vị thần linh mà nhân dân tín ngưỡng, lấy tên làng An Đức Đông đặt tên cho đình, từ đó có tên đình An Đức Đông cho đến nay.

Hiện đình An Đức Đông tọa lạc tại tổ 8, ấp 1, xã Trung An, TP. Mỹ Tho; nằm cách trụ sở UBND xã Trung An 500 m về hướng Đông, cách trung tâm TP. Mỹ Tho 5 km về hướng Tây, đường đi đến di tích bằng ô tô rất thuận tiện.

1.jpg
 

Do ảnh hưởng của 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, đình bị địch đốt phá nhiều lần, đã được nhân dân xây cất lại để làm nơi thờ cúng các vị thần linh, Thành hoàng làng. Hiện đình đã được trùng tu lại khang trang, nhưng vẫn giữ được dáng dấp ban đầu.

KIẾN TRÚC ĐÌNH

Đình được xây dựng theo kiểu chữ tam (≡ ), gồm ba phần: Vỏ ca (nơi để hát bội vào những dịp cúng lễ của đình), vỏ quy (nơi quy tụ trước khi vào chánh  điện làm lễ) và chánh điện ,nơi thờ chính của đình. Vỏ ca là ngôi nhà xây dựng theo kiểu tứ trụ, mái hình bánh ú lợp Fibrô xi măng, 4 cột cái đúc bằng bê tông, các cột hàng hiên vuông.

Trên 4 cột cái có 2 đôi câu đối viết vào thân cột: Chúc vạn thọ mong ân thánh đức / Niệm thần ân vật táng dân khang; Hiển thiên thu vĩnh hộ lê dân / Ngưỡng thánh đức ân phò cảm ứng.

Vỏ quy là ngôi nhà nối liền vỏ ca và chánh điện, cột bê tông mái lợp Fibrô xi măng. Qua vỏ quy là chánh điện (chánh tẩm), nơi thờ thần Thành hoàng của đình. Chánh điện được xây dựng theo kiểu tứ trụ, mái  bánh ú lợp Fibrô xi măng. Trên 4 cột cái của chánh điện đắp nổi 4 con rồng bằng xi măng.

DI TÍCH LỊCH SỬ CÁCH MẠNG

Đình An Đức Đông không chỉ có những giá trị về văn hóa tâm linh, mà còn ghi dấu các sự kiện kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Theo Hồ sơ di tích lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Tiền Giang và các vị lão thành cách mạng: Vào cuối thập niên 20 của thế kỷ XX, đình An Đức Đông là điểm hẹn của nhiều người yêu nước từ Tam Hiệp, Chợ Giữa, Xoài Hột, Long Hưng (huyện Châu Thành) thường lui tới hội họp với những nhà yêu nước của địa phương để bàn việc cứu nước.

Đầu năm 1931, nhân kỷ niệm 1 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, những người trong vùng tập hợp nhân dân tại đình để tuyên truyền Cương lĩnh của Đảng. Lá cờ đỏ búa liềm được treo trên cây dương của đình suốt một tuần lễ, bọn tề làng không dám vào gỡ, chờ khi lính quận càn vào chúng mới dám kéo xuống. Lúc bấy giờ có ông Năm Cầm và Bảy Cầm là hạt nhân cách mạng của địa phương.

Tháng 11-1940, Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra ở khắp nơi trong tỉnh và ở làng Long Hưng. Các cán bộ cốt cán đã tập hợp nhân dân tại đình treo cờ đỏ búa liềm và kéo ra cùng nhân dân làng Trung Lương tại chùa Ông đi thị uy địch, đoàn biểu tình tiếp tục đến miễu Cây Vông rồi giải tán.

Giặc khủng bố gắt gao, ông Bảy Cầm đưa gia đình lánh nạn xuống Phụng Hiệp (Cần Thơ), ông Năm Cầm phải trốn tránh giặc trong làng. Năm 1945, Nhật đảo chánh Pháp, ông Năm Cầm tập hợp quần chúng tại nhà và tại đình An Đức Đông bàn việc cứu nước. Lúc này Đình An Đức Đông trở thành nơi tập luyện võ nghệ của lực lượng Thanh niên Tiền phong của xã chuẩn bị giành chính quyền.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đình An Đức Đông trở thành nơi hội họp và tổ chức các lớp học bình dân cho nhân dân trong xã. Tháng 10-1945, thực dân Pháp quay lại đánh chiếm tỉnh Mỹ Tho, đình An Đức Đông trở thành trung tâm kháng chiến của xã Trung An.

Đầu năm 1946, Tỉnh ủy Mỹ Tho và Huyện ủy Châu Thành cử nhóm cán bộ do đồng chí Nguyễn Hữu Tín (Bảy Thường) làm trưởng nhóm và Nguyễn Minh Giác (Hai Giác), Nguyễn Trừng Thanh (Hai Lương), Nguyễn Văn Diệp… về đây hoạt động.

Các đồng chí đã lấy đình An Đức Đông làm điểm hội họp. Nhiều đại hội tổ chức tại đây, như Đại hội thành lập đoàn thể Nông dân, Phụ nữ, Thanh niên, Mặt trận Việt Minh… Suốt 2 năm 1946 - 1947, đình là trụ sở của Ủy ban Hành chánh kháng chiến và Mặt trận Việt Minh xã.

Tết Nguyên Đán 1947, hơn 300 đồng bào xã về dự mít tinh, làm lễ mừng xuân và nghe phổ biến lệnh toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau đó kéo đi biểu tình thị uy. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, do ở gần đồn bót giặc nên chúng thường xuyên ruồng bố, càn quét tìm cách tiêu diệt lực lượng cách mạng, vì vậy đình An Đức Đông trở thành điểm hẹn và hội họp bí mật của  xã…

Đình An Đức Đông được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử cách mạng vào tháng 12-2009, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.

NGUYỄN MẠNH THẮNG

.
.
.