Thứ Năm, 04/03/2021, 17:38 (GMT+7)
.

Áo dài - bản sắc văn hóa Việt

 (ABO) Cùng với tiếng nói, chữ viết, trang phục cũng được xem là một yếu tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc. Trong tâm thức của người Việt, áo dài là biểu tượng, hồn cốt của phụ nữ Việt, gắn bó với đời sống của người Việt Nam trong suốt dòng chảy lịch sử. Trang phục áo dài đã trở thành nét văn hóa sống động, đại diện cho văn hóa Việt Nam cần gìn giữ và phát huy.

Tượng trưng cho tính cách phụ nữ Việt

Theo nguồn tư liệu sưu tập được từ Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, sự xuất hiện của áo dài bắt nguồn từ áo giao lĩnh (năm 1744) - là kiểu dáng sơ khai nhất của áo dài Việt Nam. Áo giao lĩnh còn được gọi là áo đối lĩnh, được may rộng, xẻ hai bên hông, cổ tay rộng, thân dài chấm gót. Thân áo được may bằng 4 tấm vải kết hợp mặc cùng thắt lưng màu và váy đen. Đây là kiểu áo cổ chéo gần giống với áo tứ thân.

Vào thời gian này, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã lên ngôi và cai quản vùng đất phía Nam. Miền Bắc được cai quản bởi chúa Trịnh, người dân ở đây mặc áo giao lĩnh, trang phục mang nét tương đồng với người Hán. Nhằm phân biệt giữa Nam và Bắc, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã yêu cầu tất cả phụ tá của mình vận quần dài bên trong một chiếc áo lụa. Bộ váy này kết hợp giữa trang phục người Hán và Chămpa. Có thể đây là hình ảnh của bộ áo dài đầu tiên. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhận định, cứ liệu này chỉ mang tính tương đối. Đến nay, chưa có nhà nghiên cứu nào có thể xác định chính xác lịch sử áo dài và thời điểm xuất hiện của áo dài.

Thiết kế của NTK Cẩm Minh
Thiết kế của NTK Cẩm Minh tôn thêm nét duyên dáng cho người phụ nữ Việt.

Song, áo dài từ lâu đã là trang phục truyền thống và là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Trải qua từng thời kỳ phát triển của lịch sử, áo dài luôn không ngừng biến đổi với nhiều kiểu dáng, chất liệu từ hiện đại đến phá cách nhưng vẫn đảm bảo tôn được vẻ đẹp dịu dàng truyền thống của người phụ nữ Việt. Có thể nói, dù thế nào thì chiếc áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt vẫn giữ được nét uyển chuyển, gợi cảm, kín đáo mà không trang phục nào mang lại được.

áo dài nét văn hóa truyền thống Việt
Áo dài không chỉ tôn dáng mà còn thể hiện tính cách phụ nữ Việt.  

Theo Chủ tịch Viện Trang phục Việt Lê Sĩ Hoàng, áo dài Việt Nam dường như đã trở thành biểu tượng đẹp của văn hóa khi nhắc đến Việt Nam. Loại trang phục được yêu mến không phân biệt giới tính, tuổi tác, vóc dáng. Một trang phục đi suốt từ quá khứ đến hiện tại và tiếp tục được sử dụng trong tương lai, đó không chỉ là niềm tự hào của dân tộc, mà còn là sự ngưỡng mộ của thế giới khi được một lần ngắm nhìn.

Hơn thế, còn là sự thể hiện rõ nét đặc điểm tính cách của người phụ nữ Việt Nam, đẹp một cách tế nhị, kín đáo, mặc chiếc áo dài không chỉ thấy được cái đẹp của ngoại hình, mà còn thấy được cái dịu dàng, ý tứ đạo đức bên trong. Có lẽ vì thế áo dài là một trong số ít những trang phục truyền thống đáp ứng được yêu cầu của một thời đại mới, lại vừa duy trì được bản sắc dân tộc. Áo dài vẫn đầy tính thuyết phục với sự chọn lựa tôn vinh vẻ đẹp của người mặc, bên cạnh sự đa dạng phong phú các loại Âu phục hiện đại đang được thế giới đều mặc.

áo dài nét văn hóa truyền thống Việt
NTK Cẩm Minh trong bộ áo dài truyền thống.

Nhiều hoạt động lan tỏa bản sắc văn hóa áo dài Việt

Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc”. Đây là hội thảo khoa học quốc gia đầu tiên về trang phục áo dài được tổ chức với quy mô lớn tại Việt Nam.

Tại hội thảo này, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa nghệ thuật, nhà thiết kế thời trang và các nghệ nhân làm áo trình bày và thảo luận những vấn đề lịch sử, chức năng, giá trị văn hóa, xã hội, nghệ thuật của trang phục áo dài Việt Nam. Hội thảo đã đánh giá đầy đủ về những khía cạnh lịch sử, tập quán sử dụng, chức năng, giá trị văn hóa, xã hội, nghệ thuật và bản sắc văn hóa của áo dài Việt Nam. Tại diễn đàn này, các chuyên gia nhận diện về cộng đồng cũng như các trung tâm hình thành và lan tỏa tập quán mặc áo dài; đề xuất các giải pháp nâng cao nhận thức về giá trị của trang phục áo dài nói riêng, di sản văn hóa phi vật thể nói chung trong đời sống đương đại.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu tại hội thảo, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, áo dài ngày càng khẳng định là bộ trang phục đại diện cho sắc phục Việt Nam, của người Việt Nam, do người Việt Nam sáng tạo và cách tân cho phù hợp với nhu cầu sử dụng trong xã hội hiện đại. Áo dài giờ đây không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, mà còn đại diện cho văn hóa Việt Nam, bản sắc dân tộc Việt Nam ra thế giới. Vì vậy cần tiếp tục quảng bá, tuyên truyền để nâng cao ý thức cộng đồng, bảo vệ bản sắc văn hóa trong trang phục áo dài, tránh những “sáng tạo”, biến tấu thái quá, làm suy giảm vẻ đẹp kín đáo, nền nã của chiếc áo dài truyền thống.

Áo dài Cẩm Minh thiết kế áo dài hưởng ứng
Áo dài Cẩm Minh thiết kế áo dài hưởng ứng "Tuần lễ áo dài năm 2021".

Thời gian qua, nhằm phát huy các giá trị văn hóa của áo dài Việt, từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều hoạt động thiết thực như: Giới thiệu trưng bày trang phục truyền thống phụ nữ Việt Nam và phụ nữ quốc tế (2004); Áo dài “Quốc sắc thiên hương” (2011), Hội thảo “Hồn Việt trong tà áo dài đương đại” (2014); Việt Nam dáng vóc trường tồn (2020). Hoạt động trình diễn, tương tác trải nghiệm với áo dài; phát động “Tuần lễ Áo dài”...  góp phần khơi dậy niềm tự hào cũng như tôn vinh tà áo dài Việt Nam.

Áo dài Cẩm Minh thiết kế áo dài hưởng ứng
Áo dài Cẩm Minh dự kiến tung ra bộ sưu tập áo dài về di tích văn hóa tỉnh Tiền Giang, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước con người Tiền Giang ra quốc tế.

Nhà thiết kế (NTK) Cẩm Minh (đường Trần Hưng Đạo, TP. Mỹ Tho), chia sẻ: “Áo dài Việt Nam là trang phục truyền thống của phụ nữ Việt, đã nổi tiếng ở nhiều nước trên thế giới. Được thầy tôi là NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam truyền cảm hứng về nét đẹp của áo dài Việt cùng với những giá trị văn hóa mà áo dài mang lại cho Việt Nam, tôi càng tự hào khi lựa chọn áo dài để phát triển sự nghiệp. Hiện chúng tôi đang phối hợp với Hội LHPN tỉnh Tiền Giang quảng bá áo dài cũng như hình ảnh phụ nữ Tiền Giang. Theo đó, tôi thiết kế cho chị em của Hội LHPN tỉnh bộ sưu tập áo dài hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài” năm 2021. Thông qua hoạt động này, chúng tôi mong muốn lan tỏa văn hóa nét đẹp áo dài Việt đến với chị em phụ nữ trong và ngoài tỉnh Tiền Giang”.

Ngoài ra, NTK Cẩm Minh dự kiến sẽ thiết kế cho ra những bộ sưu tập về các di tích văn hóa tỉnh Tiền Giang, tham gia trình diễn tại các sự kiện văn hóa, du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh áo dài Việt Nam cũng như là nét văn hóa con người Tiền Giang ra bạn bè quốc tế trong thời gian tới…

GIA TUỆ

 

.
.
.