Chủ Nhật, 09/05/2021, 22:55 (GMT+7)
.
Thiết chế văn hóa cơ sở: Tìm hướng đi, cách làm hiệu quả

Bài 1: Khai thác chưa xứng tầm

(ABO) TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO, NHÀ VĂN HÓA ĐƯỢC NHẤN MẠNH NHƯ MỘT PHẦN KHÔNG THỂ THIẾU TRONG HỆ THỐNG THIẾT CHẾ VĂN HÓA CƠ SỞ, GIỮ VAI TRÒ QUAN TRỌNG TRONG VIỆC PHỔ BIẾN, NÂNG CAO TRI THỨC, ĐÁP ỨNG NHU CẦU VĂN HÓA CỦA NGƯỜI DÂN. NHỮNG NĂM QUA, TIỀN GIANG ĐÃ NỖ LỰC ĐỀ RA NHIỀU GIẢI PHÁP PHÙ HỢP, HƯỚNG MỞ ĐỂ HỆ THỐNG THIẾT CHẾ VĂN HÓA CƠ SỞ KHÔNG PHẢI LÀ “VỎ BỌC”. SONG, ĐỂ DUY TRÌ CÁC HOẠT ĐỘNG VÀ KHAI THÁC TỐT CÁC THIẾT CHẾ VĂN HÓA, TRÁNH LÃNG PHÍ THÌ VẪN CÒN NHIỀU VIỆC PHẢI LÀM…

Nhiều năm nay, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang luôn xác định phải đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở, mà cụ thể là các Trung tâm Văn hóa - Thể thao (TTVH-TT), Nhà văn hóa (NVH) xã, phường, thị trấn. Song, việc triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương trên gặp không ít khó khăn.

ĐẦU TƯ QUY MÔ

Trên cơ sở quán triệt Nghị quyết 33 ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và các quan điểm chỉ đạo của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ mới, những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Tiền Giang tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tập trung xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.

Cụ thể, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 26/2012 quy định một số chính sách về xây dựng và phát triển TTVH-TT xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 33 ngày 6-4-2011 về Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Theo đó, để được công nhận là xã nông thôn mới, các xã phải xây dựng thành công tiêu chí số 6 (xây dựng Nhà văn hóa - NVH, TTVH-TT). Đặc biệt, ngày 17-10-2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2507 phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển TTVH-TT xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”...

Trung bình mỗi TTVH-TT xã được đầu tư với kinh phí khoảng 3 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu ra mắt xã nông thôn mới.
Trung bình mỗi TTVH-TT xã được đầu tư khoảng 3 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu ra mắt xã nông thôn mới.

Kết quả, số lượng các NVH, TTVH-TT không ngừng được tăng lên. Nếu năm 2015 có 72 TTVH-TT, NVH xã, phường, thị trấn, thì đến nay toàn tỉnh có khoảng 140 TTVH-TT, 32 NVH xã, phường, thị trấn. Tính bình quân mỗi TTVH-TT, NVH xây dựng khoảng 3 tỷ đồng thì nguồn vốn ngân sách cấp trên 500 tỷ đồng đầu tư cho hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở.

Từ khi các TTVH-TT, NVH được đầu tư khang trang, không những đã tạo diện mạo mới cho từng xã, phường, thị trấn, mà hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao cũng cải thiện, phục vụ có hiệu quả nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân, tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh trên địa bàn, tạo được hiệu quả xã hội tích cực.

Các thiết chế văn hóa từng bước phát huy vai trò là nơi tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giáo dục đạo đức, nếp sống văn hóa, bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật, thể thao, nâng cao dân trí; bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế nhất định.

KHAI THÁC CHƯA HẾT CÔNG NĂNG

Mặc dù Tiền Giang quan tâm chỉ đạo, ngành VHTTDL đã có nhiều nỗ lực nhưng việc khai thác các thiết chế văn hóa cơ sở vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn. Trong đó, vấn đề từ tỉnh đến cơ sở loay hoay nhiều năm qua là làm sao để hội tụ 4 yếu tố: Cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, quy chế hoạt động, nguồn kinh phí để các TTVH-TT, NVH hoạt động mà không gây lãng phí.

Bởi thực tế, đã có nhiều công chức Văn hóa - Xã hội và đại biểu HĐND tỉnh, huyện phản ánh không ít TTVH-TT, NVH xã, phường, thị trấn được đầu tư khang trang nhưng chưa khai thác hết công năng, gây lãng phí ngân sách.

Năm 2017, Ban Văn hóa - Xã hội - HĐND tỉnh đã tổ chức khảo sát thực tế tại nhiều TTVH-TT, NVH xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát cho thấy, trên địa bàn tỉnh đang tồn tại một nghịch lý là trong khi số lượng TTVH-TT, NVH tăng lên thì hiệu quả hoạt động lại có phần sút giảm. Việc xây dựng và vận hành các thiết chế văn hóa mới chỉ đáp ứng được phần nào.

Nội dung hoạt động của nhiều TTVH-TT, NVH xã, phường, thị trấn và công tác quản lý, vận hành thiết chế này hiện vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, thể hiện qua tình trạng nhiều TTVH-TT, NVH xã đang tồn tại một cách lay lắt, hoạt động đơn điệu; nhiều công trình chỉ “xây lên để đó”, thường xuyên “cửa đóng then cài”, gây lãng phí.

Nhiều địa phương cũng thừa nhận xây dựng TTVH-TT để đáp ứng tiêu chí ra mắt xã nông thôn mới làm cho một số nơi tồn tại thực trạng phổ biến của các thiết chế văn hóa “có vỏ, rỗng ruột”. Không ít ý kiến băn khoăn, nếu không kịp thời tìm được lời giải thì bài toán hoạt động không hiệu quả của hệ thống này sẽ vẫn tồn tại như những thách thức. Vấn đề này cũng đã được đại biểu HĐND tỉnh chất vấn tại các kỳ họp HĐND tỉnh.

Theo phân tích của lãnh đạo ngành VHTTDL, hoạt động của một số TTVH-TT, NVH xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân chính là do kinh phí hoạt động còn hạn hẹp (khoảng từ 20 đến 25 triệu đồng/năm/TTVH-TT, NVH xã, phường, thị trấn); chưa huy động được các nguồn lực xã hội phục vụ cho hoạt động văn hóa - thể thao tại địa phương; sự giúp sức của các ngành, đoàn thể theo cơ chế lồng ghép, phối hợp hoạt động chưa thật hiệu quả.

Bên cạnh đó, các cán bộ chuyên môn của TTVH-TT, NVH xã phường, thị trấn không được hưởng chế độ phụ cấp và bồi dưỡng nên hoạt động mang tính thời vụ, phong trào, không tổ chức được các hoạt động mang tính định kỳ hằng tuần, hằng tháng, hằng quý nhằm tạo thói quen sinh hoạt văn hóa - thể thao của nhân dân tại địa phương. Từ đó gây lãng phí cơ sở vật chất - trang thiết bị do Nhà nước trang cấp ở các TTVH-TT, NVH xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho nhân dân địa phương.
Từ khi được đầu tư xây dựng, các TTVH-TT, NVH tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao nhưng chưa có tính định kỳ, vẫn chưa khai thác hết công năng của thiết chế văn hóa cơ sở.

Trước thực trạng trên, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt vấn đề này. Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2018 trên lĩnh vực du lịch và đánh giá hoạt động TTVH-TT, NVH xã, phường, thị trấn, UBND tỉnh đã giao ngành VHTTDL tháo gỡ những khó khăn, vướng ở đâu gỡ ở đó. Tỉnh sẵn sàng đồng hành, bằng mọi giải pháp phải làm cho ra mô hình TTVH-TT mẫu trong năm 2019, từ đó nhân rộng ra toàn tỉnh.

HOÀI THU

(Còn tiếp)

 

.
.
.