Thứ Sáu, 26/11/2021, 10:31 (GMT+7)
.

Kỳ vọng sẽ nối tiếp mạch nguồn "văn hóa soi đường cho quốc dân đi"

Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng diễn ra ngày 24-11 được xem là “Hội nghị Diên Hồng” của toàn ngành Văn hóa. Nhiều đồng chí nguyên lãnh đạo, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang và cán bộ làm công tác văn hóa, văn học - nghệ thuật của tỉnh phấn khởi, chia sẻ về tính thiết thực và hiệu quả từ Hội nghị; và kỳ vọng, qua Hội nghị này sẽ nối tiếp mạch nguồn “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY NGUYỄN THANH HIỀN:
Cần nhận thức đầy đủ giá trị của “tài nguyên văn hóa”

 

Thực tiễn đã chứng minh, trong quá trình phát triển của mỗi địa phương, nếu không gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống thì khó mà phát triển được. Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh Tiền Giang trong công tác tuyên truyền, giáo dục đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về văn hóa.

Biểu hiện cụ thể nhất là các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động của cấp ủy thực hiện các nghị quyết của Đảng về văn hóa và đề án của UBND tỉnh liên quan đến văn hóa đã được cấp ủy và chính quyền các cấp cụ thể hóa, mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa ngày càng cao trong nhân dân.

Tuy nhiên, quá trình bảo tồn, trùng tu, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng còn những hạn chế nhất định, việc khai thác “tài nguyên văn hóa” trong quá trình xây dựng và phát triển của một ít địa phương trong tỉnh còn nhiều “lúng túng”, bất cập.

Tôi cho rằng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc có ý nghĩa rất quan trọng, bởi thông qua Hội nghị này, chúng ta có dịp đánh giá lại những công việc đã làm được, những việc chưa làm được; đồng thời, giúp cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển của đất nước, địa phương hay ở mỗi nếp nhà của con người Việt Nam; giúp mỗi địa phương nhận thức đầy đủ hơn về giá trị của “tài nguyên văn hóa”…

Tôi mong rằng, sau khi lãnh hội ý kiến của các trí thức, nhà khoa học, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và kinh nghiệm từ các tỉnh bạn, đặc biệt là phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị này, mỗi địa phương, nhất là những nơi có các “tài nguyên văn hóa” nhận định lại, nhận thức đầy đủ hơn và biết mình có lợi thế gì về văn hóa để có giải pháp phát triển từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

NGUYÊN TỈNH ỦY VIÊN, NGUYÊN GIÁM ĐỐC SỞ VH-TT&DL TIỀN GIANG NGUYỄN NGỌC MINH:
Phải thừa nhận còn có những giá trị văn hóa chưa được khai thác xứng tầm tiềm năng

 

Tiền Giang là một trong những tỉnh được hình thành từ rất sớm ở vùng đất Nam bộ, nên các giá trị về văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể của tỉnh rất đa dạng, phong phú. Điển hình như văn hóa phi vật thể có các loại hình văn hóa dân gian, đờn ca tài tử, cải lương, văn hóa thờ cúng ở các đình, miếu và thờ cúng ông bà tổ tiên… Văn hóa vật thể, có nhiều di tích lịch sử - văn hóa: Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, Chiến thắng Ấp Bắc; các lăng Trương Định, Thủ Khoa Huân, Hoàng Gia; chùa Vĩnh Tràng; đình Long Hưng; di tích khảo cổ Óc Eo - Gò Thành...

Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa; nhân dân gìn giữ các giá trị nguyên bản, các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; Nhà nước đầu tư xây dựng thêm nhiều hạng mục phụ trợ ở các di tích văn hóa, tạo điểm nhấn thu hút du khách du lịch gần xa. Nhiều di sản lịch sử - văn hóa của tỉnh không chỉ góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho nhân dân, mà đã tạo được sự quan tâm đối với bạn bè trong nước và quốc tế.

Song, nói về việc khai thác các “tài nguyên văn hóa” của tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung, phải thừa nhận còn có nơi những di tích, những giá trị văn hóa chưa được khai thác xứng tầm tiềm năng và yêu cầu hiện nay. Vì vậy, việc lãnh đạo Đảng, Nhà nước tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là rất thiết thực.

Dù đã nghỉ hưu, nhưng tôi vẫn luôn dõi theo sự phát triển trên lĩnh vực văn hóa của tỉnh. Kỳ vọng rằng, từ Hội nghị này, Tiền Giang tiếp thu, vận dụng nhiều giải pháp để phát triển, khai thác hiệu quả hơn nữa các “tài nguyên văn hóa” của tỉnh nhà.

NGHỆ NHÂN ƯU TÚ, SOẠN GIẢ NGUYỄN HUỲNH ANH, CHỦ TỊCH HỘI VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT TỈNH:
Tin tưởng ở tiền đồ phát triển văn hóa đất nước trong thời gian tới

 

Trong văn hóa thì văn học - nghệ thuật (VH-NT) là loại hình đặc biệt, tinh tế, thể hiện khát vọng chân - thiện - mỹ của con người. Như vậy, có thể nói, VH-NT là một trong những động lực to lớn, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Thời gian qua, thực hiện chủ trương, quan điểm “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết 23 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, lực lượng văn nghệ sĩ cả nước nói chung, văn nghệ sĩ tỉnh Tiền Giang nói riêng đã ra sức sáng tạo nhiều tác phẩm vừa theo hướng VH-NT hiện đại, tiên tiến của thế giới, vừa chú ý gìn giữ bản sắc văn hóa của truyền thống dân tộc; nhiều loại hình VH-NT đã được đầu tư phát triển… Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này giúp chúng ta tin tưởng ở tiền đồ phát triển văn hóa đất nước trong thời gian tới.

TRƯỞNG PHÒNG VĂN HÓA VÀ THÔNG TIN TP. MỸ THO DƯƠNG THỊ HƯƠNG:
Nỗ lực trong công tác tham mưu, đề xuất và tổ chức hoạt động văn hóa

 

Được tham dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc qua trực tuyến, bản thân rất vui, vì được lắng nghe nhiều tham luận, đặc biệt là nội dụng phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị.  Qua đó, bản thân hiểu hơn về những thành tựu, hạn chế, khó khăn trong thời gian qua và những thử thách đối với văn hóa trong thời gian tới.

Từ đó, giúp cán bộ văn hóa nói chung, bản thân nói riêng phải nỗ lực, quyết tâm nhiều hơn nữa trong công tác tham mưu, đề xuất và tổ chức hoạt động văn hóa ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn, để TP. Mỹ Tho xứng tầm với bề dày lịch sử - văn hóa hơn 340 năm hình thành và phát triển, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

THU HOÀI (lược ghi)

.
.
.