Thứ Hai, 24/01/2022, 14:18 (GMT+7)
.

Tản mạn về tết Nam bộ

Phong tục đón tết ở Nam bộ không cầu kỳ với nhiều nghi thức nhưng vẫn thể hiện sự chỉn chu, tươm tất và mang nét độc đáo, thú vị riêng. Những phong tục bình dị ấy là sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại, thể hiện tính cách điển hình của người dân Nam bộ. Một mùa xuân mới đang đến, nhắc đến văn hóa tết xưa, nhằm nâng cao ý thức bảo tồn bản sắc truyền thống độc đáo của dân tộc.

Mỗi dịp Tết Nguyên đán,  người dân Nam bộ thường  chăm sóc, mua sắm mai  để chưng tết với ước mong  cả năm gia đình được  may mắn, bình an.  Ảnh: Thu Hoài
Mỗi dịp Tết Nguyên đán, người dân Nam bộ thường chăm sóc, mua sắm mai để chưng tết với ước mong cả năm gia đình được may mắn, bình an. Ảnh: Thu Hoài

Người Nam bộ vốn chủ yếu xuất phát từ lưu dân vùng Ngũ Quảng, khi vào quê mới sinh sống mang theo phong tục, tập quán của quê nhà. Giống như ở bản quán, không khí tết bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, tức ngày đưa ông Táo về trời. Trước ngày 29 tết, tất cả các lu, hũ chứa gạo, chứa nước, muối phải được đổ đầy để mong một năm đủ đầy. Nhà cửa phải được quét dọn sạch sẽ, ngăn nắp. Trong ngày đón giao thừa, mọi người đều trang bị cho mình một bộ quần áo mới, tắm rửa gội đầu sạch sẽ, tiền để trong túi với hy vọng cả năm đều mới mẻ, sung túc, đủ đầy - là ước mong của những người đi khai hoang mở cõi.

Vùng đất Nam bộ thời mở cõi hoang vắng, lưu dân đến đây thường nương tựa vào nhau để khai phá đất mới, hỗ trợ nhau khi tối lửa, tắt đèn nên tình cảm, ơn nghĩa qua lại đậm sâu, nhân dịp tết biếu quà cảm ơn, thắt chặt tình làng nghĩa xóm thường là sản vật trong nhà, như: Cặp gà, chai rượu, bánh mứt các loại… Chính vì vậy, quà biếu tết ngày xưa có ý nghĩa về mặt tinh thần, trong đó gói ghém tình cảm giữa người trao và người nhận, không mang ý nghĩa vật chất, vụ lợi.

Đối với người Nam bộ, 3 ngày tết là 3 ngày vui chơi, ăn uống, thăm viếng, chúc mừng nhau những điều mới mẻ, tốt lành, đặc biệt là chúc tết và trao lì xì. Theo quan niệm của người Nam bộ “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, “đầu xuôi đuôi lọt” nên trong 3 ngày tết cũng có một số tục kiêng kỵ với hy vọng cầu mong khởi đầu của năm mới được suôn sẻ. Họ cho rằng, nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, thuận lợi vào những ngày đầu năm thì cả năm đó, cuộc sống, công việc cũng sẽ được như ý.

Chẳng hạn, các tập tục kiêng kỵ trong ngày tết vẫn thể hiện rõ cho đến ngày nay, như: Kiêng kỵ quét nhà, trước tết các gia đình đều quét dọn nhà cửa sạch sẽ, bởi theo quan niệm nếu quét nhà là sẽ hất tài lộc ra khỏi cửa. Hay không giặt quần áo vào Mùng 1, Mùng 2, bởi theo tín ngưỡng dân gian, hai ngày đầu năm là ngày sinh của thủy thần nên cần kiêng giặt quần áo để không mạo phạm đến thần, dẫn đến gặp xui xẻo.

Tương tự, 3 ngày tết không làm đổ vỡ đồ dùng, người Việt quan niệm đổ vỡ đồ dùng trong nhà như bát đĩa, ấm chén, gương trong ngày đầu năm báo hiệu cho sự chia lìa, đổ vỡ nên rất kiêng kỵ. Ngoài ra, người xưa kiêng nói điều xui xẻo, không tranh cãi, bất hòa vào những ngày tết… Các tục lệ này trước đây cho là mê tín nhưng thực ra có yếu tố tâm lý (cũng là khoa học), tất cả đều hướng đến mong ước những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với bản thân, gia đình, cộng đồng trong năm mới nên nhiều gia đình hiện nay vẫn thực hiện.

Để giữ Tết cổ truyền và các phong tục, văn hóa gia đình Nam bộ trước sự du nhập văn hóa của thời hội nhập theo xu hướng “hòa nhập mà không hòa tan”, cần tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa tốt đẹp các ngày lễ, tết trong mỗi gia đình, nhà trường và xã hội, sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu đầy đủ và có ý thức giữ gìn những tinh hoa dân tộc.

Giữ gìn nét đẹp văn hóa của Tết Nam bộ là trách nhiệm không của riêng ai, cần bỏ đi những hủ tục rườm rà, nhưng vẫn giữ lại những phong tục mang ý nghĩa tốt đẹp của tết xưa. Đồng thời, cần phải phê phán, đấu tranh loại bỏ những hủ tục lạc hậu trong dịp Tết Nguyên đán, như: Hoạt động mê tín dị đoan; nạn cờ bạc, rượu chè; các lễ hội phản cảm, tốn kém…

Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang đến rất gần. Trong bối cảnh dịch Covid-19 tại một số nơi vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron. Mỗi người cần có ý thức tự giác thực hiện các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Xác định những hoạt động vui chơi, thăm hỏi, liên hoan hay du xuân phù hợp với tình hình thực tế, điều kiện sức khỏe của bản thân, gia đình hay bạn bè, đồng nghiệp,... từ đó cân nhắc và có quyết định phù hợp, đảm bảo phòng, chống dịch là việc rất nên làm.

Có như vậy, tất cả chúng ta mới đón một cái Tết cổ truyền bình an, hạnh phúc, thực sự vui vẻ và trọn vẹn.

NGUYỄN MINH PHÚC

.
.
.