Thứ Tư, 15/06/2022, 09:01 (GMT+7)
.

Cù lao Ngũ Hiệp xưa và nay

Là một trong những cù lao lớn nằm ở hạ lưu sông Tiền thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cù lao Ngũ Hiệp được thiên nhiên ưu ái ban tặng đất đai màu mỡ, nước ngọt quanh năm, không khí trong lành, mát mẻ… Ban đầu, cù lao có tên Trà Tân, sau đó đổi thành Năm Thôn vì nơi này có 5 thôn, rồi Ngũ Hiệp. Đây là nơi 3 con sông lớn hội tụ là sông Tiền, sông Ba Lai và sông Hàm Luông, dòng nước cuồn cuộn chảy, bồi đắp phù sa nên cây cối quanh năm tươi tốt, xóm làng trù phú.

Trong quá trình hình thành và phát triển, cù lao Ngũ Hiệp trải qua nhiều bước thăng trầm với nhiều biến cố. Nay cù lao Ngũ Hiệp nổi danh là “vương quốc sầu riêng” của tỉnh Tiền Giang.

CÙ LAO NĂM THÔN - MỘT THỜI CƠ CỰC

Ban đầu, cù lao này có tên là Trà Tân, vì nó nằm chắn ngang vàm rạch Trà Tân. Cũng có lúc gọi là cù lao Kiến Lợi, là tên một tổng, bao trùm gần hết diện tích huyện Cai Lậy ngày nay. Vào cuối thế kỷ XVIII, trên cù lao lập 5 làng là An Thủy Đông, An Thủy Tây, Hòa An, Long Phú và Tân Sơn nên có tên Năm Thôn.

Cầu Ngũ Hiệp - niềm mơ ước bao đời của người dân Ngũ Hiệp đã trở thành hiện thực.                                                                                                                           Ảnh: MINH THÀNH
Cầu Ngũ Hiệp - niềm mơ ước bao đời của người dân Ngũ Hiệp đã trở thành hiện thực. Ảnh: MINH THÀNH

Xưa kia, vùng Năm Thôn nổi tiếng là nơi có nhiều vườn cây trái sum sê. Đây cũng là nơi từng bị quân Xiêm tàn phá, cướp bóc khi chúng sang xâm lược nước ta vào năm 1785. Năm 1862, thực dân Pháp ép triều đình nhà Nguyễn nhường cho chúng 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường, nhân dân trên cù lao không chịu sống dưới quyền cai quản của ngoại xâm nên đã bỏ làng quê sang vùng đất khác sinh sống.

Từ 5 làng trù phú, đến năm 1864 trên cù lao chỉ còn 6 gia đình cư trú, canh tác 36 ha. Bấy giờ trong hàng ngũ sĩ quan thực dân Pháp có tên Taillefer, lợi dụng đất vắng chủ đã chiếm 300 ha đất và tự xưng là “tiểu vương quốc”, không cho thực dân Pháp lập bộ máy chính quyền trên cù lao để hắn nắm trọn quyền. Người dân phải làm xâu, đóng thuế cho hắn. Hành động của hắn khiến chính quyền thực dân Pháp không bằng lòng, nhưng vẫn làm ngơ chấp nhận, vì muốn dùng hắn làm mũi tấn công chĩa vào triều đình Việt Nam còn cai quản đất Vĩnh Long và cũng muốn dùng Taillefer làm thí điểm để rút ra cách cai trị thích hợp.

Cầu Ngũ Hiệp - cây cầu mơ ước đã thành hiện thực

Năm 2020, Tiền Giang tổ chức Lễ thông xe cầu Ngũ Hiệp, nối vùng đất được xem là “vương quốc sầu riêng” với đất liền, là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với người dân cù lao đã bao đời phải “đò giang cách trở”, trợ lực để xã bứt phá vươn lên trong phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 1868, vụ mùa trên cù lao thất bát và người dân không chịu nổi sự hà khắc của tên Taillefer nên đã bỏ trốn khá nhiều. Tên phụ tá của hắn lãnh tiền đi mua lúa gạo, ôm tiền trốn mất, hắn gửi đơn kiện đến Thống đốc Nam kỳ. Chính quyền thực dân bấy giờ đã chiếm xong 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ, vai trò “làm thí điểm” của Taillefer coi như đã chấm dứt, vì vậy hắn bị xử thua kiện. Năm 1871, hắn sạt nghiệp, bán đất cù lao lại cho Đốc phủ Trần Bá Lộc.

Trần Bá Lộc nắm trọn quyền sanh sát trên đất cù lao từ năm 1871 đến 1899, sau đó giao lại cho con trai hắn là Trần Bá Thọ. Khi mua lại cù lao Năm Thôn, Trần Bá Lộc đã chấp nhận cho chính quyền thực dân Pháp lập lại một làng trên cù lao, đặt tên Ngũ Hiệp. Năm 1909, Trần Bá Thọ sạt nghiệp và tự tử. Theo sự thỏa thuận trong gia đình, cù lao Ngũ Hiệp được bán cho vợ chồng Đốc phủ Lê Văn Mầu.

Từ ngày cù lao Ngũ Hiệp về tay vợ chồng Đốc phủ Mầu, việc đầu tiên của Đốc phủ Mầu là giải tán hội tề xã để nắm trọn quyền hành. Về mặt văn hóa, hắn xóa sạch đình chùa trên cù lao, ép mọi người phải theo đạo Thiên chúa. Do bóc lột nông dân mà vợ chồng Đốc phủ Mẫu trở nên một trong những người giàu có nhất trong vùng thời bấy giờ. Sau cuộc Nam kỳ khởi nghĩa, uy thế của Đốc phủ Mầu bị giảm sút. Tuy nhiên, mãi đến sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, người dân Ngũ Hiệp mới thực sự làm chủ mảnh đất của mình.

“VƯƠNG QUỐC SẦU RIÊNG”

Ngày nay, đến Tiền Giang, nói đến “vương quốc sầu riêng” thì ai cũng nghĩ ngay là cù lao Ngũ Hiệp. Câu chuyện cù lao này trở thành “vương quốc sầu riêng” bắt đầu từ nhiều về năm trước. Những năm 1985 - 1986, Ngũ Hiệp “loay hoay” với nhiều mô hình trồng cây ăn trái, trong đó cây chuối già chiếm ưu thế nhờ có thị trường xuất khẩu, nhưng việc tiêu thụ ngày càng bấp bênh. Vì lẽ đó, một số hộ dân chuyển qua trồng tiêu, nhưng cũng không mang lại hiệu quả, vì không hợp với thổ nhưỡng của cù lao.

Sầu riêng Ngũ Hiệp nổi tiếng thơm ngon.                                                               Ảnh: N.L
Sầu riêng Ngũ Hiệp nổi tiếng thơm ngon. Ảnh: N.L

Làm nhiều, nói ít, ông Hai Tôn (một trong những nông dân sau này có thương hiệu “Vua sầu riêng”) từ xã Tam Bình (huyện Cai Lậy) sang cù lao Ngũ Hiệp lập vườn từ năm 1960, là người đầu tiên đem giống sầu riêng khổ qua vàng, khổ qua xanh sang trồng trên đất cù lao. Đây là giống sầu riêng của ông Chánh bái Mẫn ở làng Tam Bình, trồng vào khoảng năm 1930. Sau năm 1975, đất cù lao cũng bị cuốn theo phong trào tập đoàn sản xuất nông nghiệp, trái sầu riêng ít người nhắc đến, bởi lẽ thời bao cấp gạo còn không đủ ăn. Ông Hai Tôn thì vẫn lặng lẽ chăm sóc những gốc sầu riêng với tâm trạng “bỏ thì thương, vương thì tội”.

Rồi thiên nhiên tình cờ mang lại cho ông một bài học kinh nghiệm đắt giá. Đó là, năm 1978 nước triều dâng làm bể bờ bao, khiến ông phải vất vả bơm nước ra, không ngờ sầu riêng bị sốc ra hoa đậu trái rất nhiều. Sau vụ lở đê này, ông mới nghĩ ra kỹ thuật xiết nước, rồi dùng ni lông đậy gốc cho cây sầu riêng ra hoa trái vụ. Từ đó, ông Hai Tôn đầu tư trồng sầu riêng khổ qua vàng, khổ qua xanh thành vườn chuyên canh, cho năng suất từ 20 - 30 tấn/ha, giá bán trên thị trường luôn cao, cho hiệu quả gấp 3 - 4 lần trồng lúa năng suất cao. Nhờ cây trồng này mà ông có “tiếng tăm” ở miệt vườn Ngũ Hiệp.

Rất nhiều nông dân trong vùng đã làm theo ông Hai Tôn ở Ngũ Hiệp, tích cực chuyển đổi sản xuất từ vườn tạp sang chuyên canh sầu riêng và đều thành công, trở thành những điển hình làm giàu. Từ năm 2000 trở lại đây, có rất nhiều nông dân ở xã Ngũ Hiệp đã mạnh dạn chuyển đổi các giống sầu riêng khổ qua vàng, khổ qua xanh sang trồng các giống sầu riêng mới chất lượng cao như: RI 6, Monthong, Chuồng bò..., có nhiều ưu điểm như cơm dày, hạt lép, phẩm chất ngon, luôn được thị trường trong nước và nước ngoài ưa chuộng, người trồng bán được giá cao.

Hơn thế nữa, sầu riêng đã được xác định là 1 trong 7 loại cây trồng chủ lực của tỉnh. Riêng xã cù lao Ngũ Hiệp hiện có hơn 1.500 ha vườn chuyên canh sầu riêng, chiếm hơn 98% diện tích đất nông nghiệp của xã. Những năm qua, xã đã tập trung chuyển giao khoa học - kỹ thuật, vận động nông dân trồng các giống sầu riêng chất lượng cao, với sản lượng mỗi năm đạt gần 50.000 tấn. Đặc biệt, nhiều nông dân nắm vững kỹ thuật xử lý cây ra hoa nghịch vụ và rải vụ “đón” giá nên mau chóng làm giàu.

LINH CHI (tổng hợp)

.
.
.