Thứ Sáu, 03/06/2022, 09:41 (GMT+7)
.

Lan tỏa thông tin tích cực trên mạng xã hội

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến tháng 1-2021, Việt Nam có hơn 72 triệu người sử dụng mạng xã hội (MXH), chiếm 73,7% dân số; số người sử dụng MXH truy cập bằng điện thoại khoảng 71,4 triệu, chiếm 98,8% người sử dụng MXH. Trung bình mỗi ngày người Việt Nam vào MXH khoảng 2 giờ 18 phút. Bên cạnh mặt tích cực, MXH tồn tại không ít những yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xã hội, lợi ích cộng đồng, thậm chí cả an ninh quốc gia.
 

THỰC TRẠNG

MXH là dịch vụ kết nối các thành viên cùng sở thích với nhau, không phân biệt không gian và thời gian, trên cơ sở sử dụng các tiện ích như: Chat, email, phim ảnh, chia sẻ file, blog và xã luận trên Internet. Sự phát triển của nó cùng với việc bùng nổ các thiết bị truy cập đã tạo cơ hội cho MXH có sức lan tỏa các thông tin tích cực trong và ngoài nước.

Là loại hình truyền thông cá nhân đa phương tiện mới trên Internet có sức hấp dẫn, lôi cuốn nhiều người tham gia, nhất là giới trẻ, MXH tích hợp được nhiều ứng dụng tối ưu của một số loại hình truyền thông trên mạng Internet.

Vì thế, MXH đã và đang đáp ứng tốt nhu cầu truyền tải thông tin và chia sẻ thông tin của người dùng MXH, đem lại nhiều tiện ích cho người sử dụng và số lượng người truy cập càng nhiều; qua đó, có những thông tin tích cực tác động sâu, rộng đến đời sống xã hội, đóng góp nhất định vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân, như: Đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin, hưởng thụ văn hóa của nhân dân; góp phần phản biện chính sách; định hướng dư luận xã hội; phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng bá sản phẩm; thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế; đồng thời, MXH cũng là công cụ đắc lực giúp cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền trên tất cả các lĩnh vực, đã tác động sâu, rộng đến đời sống xã hội của người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích và mặt tích cực, công tác quản lý MXH, đặc biệt là các MXH xuyên biên giới đang bộc lộ nhiều mặt trái đáng lo ngại. Tình trạng tổ chức, cá nhân lợi dụng MXH để nói xấu, công kích, bôi nhọ tổ chức, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân; quảng cáo, thông tin sai sự thật về sản phẩm; thông tin thiếu chuẩn mực đạo đức, trái với thuần phong mỹ tục đã ảnh hưởng tiêu cực, gây nhiều hệ lụy cho xã hội.

Đặc biệt là, lợi dụng MXH và các loại hình truyền thông mới trên Internet, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị đã tán phát nhiều thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc tình hình đất nước, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tác động, ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước...

TĂNG CƯỜNG CÁC THÔNG TIN TÍCH CỰC

Để nắm bắt kịp thời xu hướng phát triển mạnh mẽ và sâu sắc của công nghệ truyền thông nhằm phát huy những thành tựu và ưu điểm, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, tiếp tục phát triển báo chí, truyền thông trong thời kỳ mới, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra chủ trương “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.

Thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông. Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên Internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục” (1).

Bên cạnh đó, trong quá trình nghiên cứu, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cần lưu ý phát huy cao độ vai trò của hoạt động báo chí, xuất bản trong công tác tuyên truyền, góp phần giáo dục, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta; thực hiện vai trò giám sát, phản biện việc triển khai thực hiện; nâng cao nhận thức, phát huy năng lực, tính sáng tạo trong tổ chức thực hiện, đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống.

Thời gian tới, MXH sẽ trở thành kênh thông tin quan trọng trong đời sống xã hội đối với người dân. Việc liên tục cập nhật những tiến bộ mới nhất trong nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo cho việc phát triển nền tảng công nghệ, các MXH đang ngày càng thông minh hơn và mang lại nhiều tiện ích lớn hơn cho người sử dụng.

Không dừng lại ở việc cung cấp thông tin từ người dùng, MXH đang thực sự lớn mạnh và bước vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, từ việc liên lạc, kết nối đến sử dụng MXH như một công cụ hữu ích cho việc học tập, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh… Đồng thời, MXH đáp ứng nhu cầu quan trọng của cuộc sống con người, là tạo lập các mối tương tác, tạo điều kiện để mỗi người có thể thể hiện suy nghĩ, tâm tư, sở thích, biểu lộ tình cảm, trao đổi, chia sẻ trải nghiệm; tham khảo ý kiến, trình bày quan niệm về vấn đề nào đó của xã hội hoặc của cá nhân...

Tính kết nối, chia sẻ gắn liền với mỗi cá nhân đã làm cho thông tin trên MXH hết sức phong phú. Các tiện ích của MXH ngày càng thu hút nhiều người, tạo ra môi trường mở giúp giao lưu, liên kết. Từ các tiện ích đó, nhiều cơ quan báo chí, truyền thống lập trang Facebook của báo để mở rộng thông tin đến bạn đọc.

Tóm lại, việc sử dụng MXH đòi hỏi phải có những kiến thức nhất định về pháp luật nói chung và pháp luật về không gian mạng nói riêng. Để tiếp tục đứng vững và phát triển trước sự cạnh tranh từ truyền thông xã hội, truyền thông công dân, báo chí, phát thanh, truyền hình chính thống vẫn phải sử dụng nhiều hơn thế mạnh của mình là chất lượng thông tin, đặc biệt trong thời đại mà tin giả “face news” đang bùng nổ như hiện nay.

TẤN QUÂN

(1) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, tr.146.

 

.
.
.