Thứ Hai, 04/07/2022, 10:47 (GMT+7)
.

Nhà thơ trẻ Lê Tuyết Lan: Đam mê và "liều lĩnh" với văn chương

Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X-2022 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại TP. Đà Nẵng vừa khép lại, với những kỳ vọng về sự bứt phá và dấn thân trong sáng tạo của các cây bút văn học trẻ hôm nay. Tham dự hội nghị, tỉnh Tiền Giang ngoài nhà thơ trẻ Trúc Thanh (Báo Ấp Bắc đã có bài phỏng vấn), còn có Lê Tuyết Lan - cây bút trẻ ở huyện Chợ Gạo dự với tư cách là đại biểu của tỉnh Bình Dương, nơi cô đang sinh sống và làm việc; là một trong những gương mặt thơ trẻ có nhiều sáng tạo đáng chú ý trong thời gian gần đây.

Bắt đầu sáng tác từ năm 2019, sau gần 3 năm miệt mài với văn chương, Lê Tuyết Lan đã có trong tay “gia tài” là 2 tập thơ và 1 tập truyện ngắn. Điều đáng nói là, cả 3 tập sách này do cô tự đầu tư in tác phẩm, tự tìm cách quảng bá và phát hành - công việc hết sức “liều lĩnh”; bởi ai cũng biết, việc bán sách văn học, nhất là các tập thơ gặp nhiều khó khăn.

Cô bộc bạch: “Vì tôi  quá yêu văn chương. Lúc đầu, tôi hoàn toàn chưa chuẩn bị gì về kinh tế và không lường hết những khó khăn khi tự in sách, nhưng tôi vẫn quyết định xuất bản, bởi đó là khao khát của tôi. Tôi muốn qua tác phẩm đầu tay dùng làm chỗ dựa tinh thần bản thân và có thể bộc bạch với bè bạn những tâm tư, tình cảm của mình…”. Và cô đã làm được.

Cả 3 tập sách của cô đã được nhiều độc giả đón nhận và có những phản hồi tích cực. Quan trọng hơn cả là những ý kiến của độc giả có thể giúp tác giả nhận ra những điểm mạnh, điểm yếu của mình để điều chỉnh cho những tác phẩm tiếp theo.

Bên cạnh đó, là những giải thưởng đầu tay, như Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Huỳnh Văn Nghệ tỉnh Bình Dương lần VI (2016 - 2020) cho tập thơ “Vết bầm giấc mơ”; Tặng thưởng “Thơ 1-2-3” của trang Văn học Sài Gòn… là động lực để cổ vũ Lê Tuyết Lan tiếp tục dấn thân trong công việc sáng tác.

Bìa 2 tập thơ của Lê Tuyết Lan đã được xuất bản.
Bìa 2 tập thơ của Lê Tuyết Lan đã được xuất bản.

Lê Tuyết Lan sinh ngày 12-6-1995 tại một vùng quê của huyện Chợ Gạo. Từ nhỏ cô đã trải qua nghịch cảnh ly tan, buộc phải rời quê lên tỉnh Bình Dương làm công nhân để kiếm sống và dành dụm tiền phụng dưỡng bà nội ở quê nhà. Rồi một ngày cô “bén duyên” với thơ.

“Trong sự chênh chao và cô đơn của tuổi trẻ, tôi tìm đến văn chương như một người bạn. Tôi say sưa viết và cảm thấy mình nhẹ nhàng hơn trong tâm hồn, được là mình, được sẻ chia; và cứ thế tôi mượn chữ để làm niềm an ủi và chỗ dựa” - cô bộc bạch.

Hiện nay, hầu hết những cây bút trẻ đều phải “tự thân vận động” như Lê Tuyết Lan, nhưng để tác phẩm đến được với độc giả là cả một hành trình gian truân. 3 tác phẩm khá đầy đặn trong 3 năm theo đuổi sáng tác của Lê Tuyết Lan là một hiện tượng văn học trẻ khá thú vị.

Đến bây giờ, khi tên tuổi đã được định hình, cô chia sẻ: “Thời gian tôi gặp nhiều khó khăn nhất là khi quyết định in tập thơ đầu tay. Ngoài tập bản thảo sơ sài soạn thảo trên điện thoại, hầu như tôi chẳng có gì khác.

Có thể do còn trẻ nên tôi hơi liều lĩnh và bất chấp trước những lời cảnh báo của không ít người rằng tác phẩm của một tác giả mới toanh sẽ ít người quan tâm mua đọc, tìm đọc… Thế nhưng, đến lúc này, thật may mắn là tôi vẫn còn đầy nhiệt huyết, đang cố gắng nhiều hơn để viết và mong muốn xuất bản những “giấc mơ riêng” của mình”.

Được mời tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần này, với Lê Tuyết Lan, đó là một sự thành công, một dấu ấn cho niềm đam mê sáng tác của cô. Tại hội nghị, cô được gặp gỡ, được bộc bạch suy nghĩ của mình và nhận ra chính mình trong số những người bạn đồng hành.

“Vì sao chúng ta viết” là chủ đề xuyên suốt được Ban Tổ chức đặt ra tại hội nghị, đó cũng là câu hỏi để những tác giả trẻ tự tìm câu trả lời, tự xác định vai trò và trách nhiệm của mình qua mỗi trang viết.

“Ban đầu tôi viết vì muốn đưa mình ra khỏi bóng tối của đau thương và giúp mình khao khát sống nhiều hơn. Càng viết càng hăng say, những bài viết được cộng tác, những tập thơ được đón nhận, khi đó tôi biết mình cần phải can đảm bước ra quá khứ, và tôi đã có thể cho mình lý do để sống, để viết.

 Lê Tuyết Lan và Nhà thơ Hữu Việt, Trưởng ban Nhà Văn trẻ tại hội nghị.
Lê Tuyết Lan và Nhà thơ Hữu Việt, Trưởng ban Nhà Văn trẻ tại hội nghị.

Từ những ngày đầu khi bén duyên nghiệp viết, tôi đã viết say sưa và dành tất cả tiếng lòng mình trong từng con chữ. Những ngày đầu khi bước chân vào con đường này, tôi chỉ có duy nhất là niềm đam mê; và thậm chí cho đến thời điểm này cũng vậy” - Lê Tuyết Lan chân thành bộc bạch.

Cũng theo Lê Tuyết Lan, lực lượng sáng tác văn học trẻ hiện nay khá đa dạng và nhiều triển vọng. Là một tác giả trẻ, cô mong muốn Hội Văn học - Nghệ thuật các địa phương cần có thêm nhiều hoạt động nhằm thu hút, phát hiện và có kế hoạch bồi dưỡng những tác giả trẻ. Song song đó, cần tạo điều kiện để các cây bút trẻ phát huy hết tài năng của mình.

Các cây bút trẻ ở nhiều lứa tuổi và vùng, miền khác nhau rất cần chia sẻ đam mê và động viên nhau trên con đường sáng tác, điều mà những năm qua Ban Văn trẻ của Hội Nhà văn làm rất tốt thông qua Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc được tổ chức 5 năm/lần.

Nói về thơ Lê Tuyết Lan, Nhà thơ Phan Hoàng nhận định: “Đằng sau câu chữ vừa giản dị vừa lạ lẫm, đôi khi rậm rạp và mơ hồ, bàng bạc trong thơ Lê Tuyết Lan nỗi buồn sâu kín, khát khao cuộc sống sum họp gia đình, nỗi nhớ quê hương da diết…”.

Sau 2 tập thơ “Vết bầm giấc mơ” và “Đã chín mùa quên” do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2021 được giới chuyên môn lẫn độc giả đánh giá tốt, Lê Tuyết Lan bất ngờ rẽ hướng sang thể loại truyện ngắn với tập “Bán máu”, NXB Văn học 2022.

Gần đây, cô còn viết cả giới thiệu, phê bình sách. Có vẻ cô đang tìm tòi, thể nghiệm chính mình, đang xác định thế mạnh ở nhiều thể loại văn chương. “Tôi luôn mong mình “mới” hơn, viết tốt hơn và không lập lại chính mình” - Lê Tuyết Lan chia sẻ.

Mới vừa rời vạch xuất phát và đang ở giai đoạn tăng tốc, con đường văn chương của Lê Tuyết Lan còn dài. Và chúng ta có quyền hy vọng, chờ đợi những điều mới mẻ được khai phóng bởi đam mê và sự “liều lĩnh” trong văn chương từ Lê Tuyết Lan.

LÊ VĂN

.
.
  • Chăn ga gối đệm Forever chính hãng
.