Thứ Hai, 08/08/2022, 09:43 (GMT+7)
.
SẮC VÓC CÙ LAO TRÊN SÔNG TIỀN

BÀI 1: Tân Long rồi sẽ "hóa Rồng"

Sông Tiền, dòng sông trĩu nặng phù sa mang lại sự trù phú cho những vùng đất mà nó chảy qua. Ở Tiền Giang, trên dòng sông này đã hình thành nên các cù lao mang đậm nét văn hóa của vùng sông nước miền Tây. Mỗi cù lao được hình thành gắn liền với những đặc trưng riêng đi cùng với những thăng trầm của lịch sử.

Từ một vùng đất hoang sơ cho đến nơi “đất lành chim đậu” của người dân thập phương, giờ đây cồn Tân Long (nay là phường Tân Long, TP. Mỹ Tho) đã có sự chuyển mình, đổi thay trên nhiều phương diện.

THĂNG TRẦM CÙNG LỊCH SỬ

Theo sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, cồn Tân Long hay còn gọi là cồn Rồng nằm trong quần thể cù lao trên sông Tiền gồm: Long, Lân, Quy, Phụng. Cồn này bắt đầu nổi lên vào năm 1788, có dáng như con rồng nên khi vua Gia Long qua đây đã đặt tên là Long Châu, dân gian gọi nôm na là cồn Rồng. Cồn Rồng dài 2 dặm, làm thành một cái la tinh trấn giữa thủy khẩu, che kín trấn sở, ngăn đón sóng cồn, nghiễm nhiên làm chỗ danh thắng. Các nhà địa lý cho rằng, cửa sông mà có cồn cát nổi lên che kín thì chỗ ấy ắt thịnh.

Cồn Tân Long nhìn từ trên cao.
Cồn Tân Long nhìn từ trên cao.

Trong thời kỳ Pháp thuộc cho đến năm 1946, nơi đây chỉ toàn là cỏ cây, lau sậy, cảnh vật hoang vắng. Tuy đối diện với tỉnh lỵ Mỹ Tho, chỉ cách con sông nhỏ chưa đầy 400 m, nhưng hầu như bị chia cắt. Do đó, thực dân Pháp sử dụng làm chỗ cách ly, thu gom những người bị bệnh phong ở khắp nơi trong các tỉnh Nam kỳ về ở và cho xây ở phía đuôi cồn một bệnh viện quản lý, chữa trị. Do đó, cồn Rồng còn có tên là cồn Cùi. Đến năm 1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, đã đưa những người cùi về trại phong Quy Hòa (TP. Quy Nhơn), cồn Rồng lại bị bỏ trống.

Cồn Tân Long là vùng đất bằng phẳng, trải dài hơn 3 km theo hướng Đông - Tây, chỗ rộng nhất chưa đến 500 m. Trước đây, đầu cồn kéo dài tận đến nhà khách Chương Dương, còn đuôi cồn kéo dài tới gần Vàm Kỳ Hôn. Tuy nhiên, do bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng nên chiều dài của cồn bị thu hẹp đi rất nhiều. Cơ sở điều trị những người bị bệnh phong cùi ở cuối cồn cũng bị sạt lở xóa xổ.

Nuôi trồng thủy sản  cũng là một trong những  thế mạnh của Tân Long.
Nuôi trồng thủy sản cũng là một trong những thế mạnh của cồn Tân Long hiện nay.

Sinh sống từ nhỏ ở cồn Tân Long, ông Trần Công Khanh (68 tuổi) đã chứng kiến sự đổi thay của vùng đất này. Theo ông Khanh, cồn Tân Long là vùng “đất lành chim đậu” nên một thời nơi đây tập trung rất đông người dân tứ xứ đến làm ăn, sinh sống. Ông Khanh nhớ lại, trước năm 1975, do đất nước trong giai đoạn chiến tranh nên nhiều người từ các nơi tìm về Tân Long để tìm cuộc sống bình yên. Sau năm 1975, qua thống kê, người dân của 21 tỉnh của chế độ cũ đều có mặt tại nơi đây. Dân số của Tân Long thời điểm này trên 10.000 người. “Hồi đó, ở đây hầu như là đường đất, nhỏ hẹp, nhưng do dân đông nên sáng ngày xe đạp chạy không lọt” - ông Khanh kể.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, người dân các tỉnh sinh sống ở cồn Tân Long trở về quê khôi phục sản xuất. Từ đó, dân số ở cồn Tân Long giảm nhiều. Sau ngày đất nước thống nhất, người dân Tân Long bắt đầu tăng gia sản xuất. Với đặc tính vùng đất phù sa, nên phát triển vườn cây ăn trái là thế mạnh của cồn Tân Long lúc bấy giờ.

Trong ký ức của ông Khanh, những năm đầu sau giải phóng, vùng đất này chủ yếu là vườn tạp. Thực hiện chủ trương của Nhà nước tập trung trồng cây gì, nuôi con gì để nâng cao mức sống người dân, lúc này ở đây có khoảng 1, 2 hộ trồng nhãn lồng, sau đó nhân rộng ra các hộ dân xung quanh và hình thành vùng chuyên canh. “Từ khoảng năm 1980, người dân đốn hết vườn tạp, trồng chuyên canh cây nhãn lồng. Thời điểm vàng son, giá nhãn lồng lên đến 20.000 đồng/kg, bán một giỏ nhãn 45 kg là mua được 1 chỉ vàng” - ông Khanh hồi tưởng lại.

Ông Khanh chỉ vị trí đuôi cồn trước kia hiện đã bị sạt lở.
Ông Khanh chỉ về hướng vị trí đuôi cồn Tân Long trước kia hiện đã bị sạt lở.

Cù lao Tân Long trước những năm 2000, còn nổi tiếng với nghề đánh bắt hải sản xa bờ. Nhiều đội tàu đánh bắt hải sản bằng lưới vây, lưới đèn, câu mực với hàng chục chiếc mang khát vọng làm giàu, không ngại sóng gió vươn khơi, bám biển. Trong ký ức của ông Ngô Văn Ngon vẫn còn như in hình ảnh 2 con tàu của gia đình ngày đêm đi tìm luồng cá, hòa lẫn hành trình gian nan, đó là những mùa vui, tiếng cười rộn rã khi tàu cập bến.

Ông Ngon cho biết, thời điểm đó, biển cá nhiều nên đánh bắt được mùa. Sau đó, Nhà nước tạo điều kiện cho người dân vay vốn đóng tàu, mua sắm ngư cụ nên phong trào đánh bắt hải sản ở Tân Long phát triển mạnh. Thời điểm vàng son, nơi đây có khoảng 80 ghe lưới quàn. “Thời điểm đó, ở Tân Long phát triển mạnh nghề đánh bắt hải sản. Người dân từ các nơi tập trung về đây để đi biển. Nhờ đánh bắt hải sản và các dịch vụ hậu cần nghề biển, nhiều người dân địa phương mới có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang” - ông Ngon kể.

VÀ NHỮNG ĐỔI THAY

Cùng với sự phát triển của TP. Mỹ Tho, năm 2004, xã Tân Long chuyển thành phường Tân Long có 4 khu phố: Tân Thuận, Tân Hà, Tân Hòa, Tân Bình; diện tích khoảng 60 ha. Đến nay, toàn phường có 3.074 nhân khẩu, dân cư tập trung chủ yếu ở phía bắc cồn, vườn tược tập trung ở mạn Nam.

Dưới sự đầu tư của Nhà nước, giờ đây Tân Long như “khoác” lên mình tấm áo mới. Hệ thống đường giao thông ở cồn được quan tâm xây dựng, nâng cấp. Tỉnh cũng quan tâm xây dựng bờ kè chống sạt lở, từng bước chỉnh trang đô thị tạo điều kiện thuận lợi cho đời sống của người dân. Khi xây dựng bờ kè kéo theo đó là việc xây dựng công trình công cộng, thu hút các nhà đầu tư, giúp phục vụ đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn.

Nói về định hướng phát triển cho Tân Long, Chủ tịch UBND phường Tân Long Lai Thu Thủy cho biết, giai đoạn 2020 - 2025, phường sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực dịch vụ, nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là hoạt động du lịch. Hiện nay, trên địa bàn Tân Long đã có một số hộ dân đầu tư phát triển du lịch theo hướng nhà hàng sân vườn để liên kết với các khu du lịch khác.

Trong thời gian tới, phường sẽ tiếp tục kiến nghị với cấp trên đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ nhằm tạo sự kết nối với các địa phương lân cận để kết nối phát triển du lịch. Đồng thời, tiếp tục tập trung chỉnh trang đô thị, cải tạo cảnh quan môi trường để thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch,  kinh tế.

Có thể nói, Tân Long có nhiều lợi thế trong phát triển thương mại, dịch vụ, đặc biệt là phát triển du lịch với những dự án, định hướng trong tương lai, hy vọng rằng cồn Tân Long sẽ hiện thực hóa giấc mơ “hóa rồng” đúng với tiềm năng, lợi thế và tên của mình.

Ý PHƯƠNG - HÀ NAM

(Còn tiếp)

.
.
Liên kết hữu ích
.