Thứ Sáu, 28/04/2023, 09:09 (GMT+7)
.

Giỗ Tổ Hùng Vương - nét đẹp văn hóa có sức sống mãnh liệt của người Việt Nam

Từ ngàn đời nay, đối với mỗi người dân nước Việt, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã trở thành một biểu tượng tinh thần, mang bản sắc văn hóa độc đáo, kết thành ý thức nguồn cội, nghĩa đồng bào và trở thành yếu tố nội lực tạo nên sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

TÔN VINH DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ ĐẠI DIỆN CỦA NHÂN LOẠI

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành bản sắc văn hóa trong đời sống tinh thần của cộng đồng. Thờ cúng Hùng Vương, thờ cúng thủy tổ của dân tộc là biểu tượng kết nối giữa quá khứ với hiện tại, biểu hiện cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc và truyền thống biết ơn tổ tiên, nơi hội tụ tinh thần đưa các thế hệ con cháu về cùng một cội nguồn.

Hằng năm, tại Bảo tàng Tiền Giang đều tổ chức trang trọng Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, đáp ứng nhu cầu đến dâng hương, tưởng niệm các Vua Hùng của nhân dân tỉnh nhà.
Hằng năm, tại Bảo tàng Tiền Giang đều tổ chức trang trọng Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, đáp ứng nhu cầu đến dâng hương, tưởng niệm các Vua Hùng của nhân dân tỉnh nhà.

Giỗ Tổ Hùng Vương và việc tổ chức tế lễ, rước, cầu cúng, các sinh hoạt diễn xướng văn hóa dân gian đã được cộng đồng gìn giữ, duy trì, bảo tồn cho đến ngày nay. Năm 1995, Giỗ Tổ Hùng Vương trở thành ngày lễ lớn trong năm. Năm 2007, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (Mùng 10 tháng 3 âm lịch). Ngày 6-12-2012, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã chính thức ghi danh tín ngưỡng “Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Kể từ đó, không chỉ người dân ở tỉnh Phú Thọ, các vùng miền trong cả nước mà cả cộng đồng quốc tế nhận thức sâu sắc thêm về sức sống của di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống tinh thần. Không chỉ các hoạt động lễ, hội trong dịp Giỗ Tổ đã được nâng lên tầm quốc gia, mà những nghi thức thờ cúng Hùng Vương ở các cộng đồng địa phương cùng với tín ngưỡng phồn thực, diễn xướng dân gian thể hiện niềm ước vọng cầu mưa thuận gió hòa, cầu bình an cũng được nhận thức như là những di sản văn hóa đặc biệt Quốc gia.

Bảo tàng tỉnh Tiền Giang tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023 với nhiều hoạt động phong phú

Theo chương trình, về phần lễ, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương sẽ diễn ra vào ngày 28-4 (mùng 9 tháng 3 âm lịch), theo đó, từ 16 giờ 30 phút đến 16 giờ 45 phút: Lễ Cúng tế do Hội đình Điều Hòa - TP. Mỹ Tho thực hiện; từ 17 giờ bắt đầu chương trình chính giỗ. Ngày 29-4 (mùng 10  tháng 3 âm lịch): Từ 7 giờ 30 đến 17 giờ, Bảo tàng tỉnh phục vụ nhân dân đến dâng hương Quốc Tổ Hùng Vương.

Về phần hội, Bảo tàng tỉnh Tiền Giang tổ chức nhiều hoạt động để phục vụ khách tham quan gồm các chuyên đề được trưng bày trong khuôn viên Bảo tàng như:  Lịch sử, văn hóa, xã hội Tiền Giang trước năm 1930; Lịch sử Tiền Giang từ khi có Đảng lãnh đạo; Lịch sử Khu 8; Di sản văn hóa qua các thời kỳ tại Tiền Giang; Lịch sử Khai hoang Đồng Tháp Mười và ngọt hóa Gò Công; Trưng bày hiện vật ngoài trời: Súng thần công, tàu thuyền, khẩu pháo, hầm bí mật và các hiện vật Óc Eo và các hiện vật về nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Bảo tàng còn trưng bày các chuyên đề mới như: “Di sản văn hóa Tiền Giang”; “Mỹ Tho xưa qua hình ảnh”; “Sưu tập Đèn và sưu tập Bàn ủi”; Trưng bày và Hội thi hoa lan (diễn ra sáng ngày 28-4 đến sáng 30-4); chưng nghi tác phẩm: “Lưỡng Long” tại cổng chính Bảo tàng; tổ chức gói, nấu bánh ít truyền thống (ngày 28-4).

Có thể nói, Giỗ Tổ Hùng Vương là một hình thức biểu hiện tình yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam gắn với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, thể hiện sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, là điểm hội tụ của văn hóa tâm linh của người Việt Nam từ bao đời nay. Đây cũng là một tín ngưỡng độc đáo, minh chứng cho nếp sống đầy bản sắc và bản lĩnh, trở thành biểu tượng cho ý chí và tinh thần của dân tộc Việt Nam trên chặng đường dựng nước và giữ nước trong suốt hàng nghìn năm lịch sử.

“Con người có tổ, có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn”, truyền thống đạo hiếu đã đúc kết qua hàng ngàn năm, để đến ngày nay, triệu triệu con tim Việt Nam trong và ngoài nước cùng hướng về Đất Tổ thiêng liêng để thành kính tưởng nhớ công ơn dựng nước của các Vua Hùng. Giữ gìn, xây dựng và phát triển hệ giá trị văn hóa dân tộc là vấn đề sống còn, như đồng chí Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong thông điệp tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”.

Với 15 di sản phi vật thể đã được UNESCO ghi danh, Việt Nam là một trong số những quốc gia giàu tài nguyên văn hóa trong cộng đồng hết sức độc đáo trên thế giới. Các di sản văn hóa này cùng với hệ giá trị đậm đà bản sắc đã được hun đúc, định hình nên hồn cốt Dân tộc qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước.

Tự hào được kế thừa những di sản văn hóa quý báu từ các thế hệ tiền nhân, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đầu tư nguồn lực cho nghiên cứu, phục dựng và trùng tu các di sản văn hóa; kêu gọi con cháu dòng máu Lạc Hồng trên mọi miền Tổ quốc cũng như đồng bào ta ở nước ngoài cùng chung tay, góp sức phát huy các giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và các di sản phi vật thể khác.

GÓP PHẦN LÀM NÊN SỨC MẠNH KHỐI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC

Thờ cúng Hùng Vương không phân biệt huyết thống, dòng họ, không phân chia địa lý, vùng miền, dân tộc điều đó làm nên giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam, làm nên sức mạnh khối đoàn kết dân tộc. Có lẽ trên thế giới chưa có nơi nào cả nước lại có tín ngưỡng thờ tổ tiên chung như dân tộc Việt Nam. Từ xưa đến nay, hằng năm, Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức với nghi lễ trang trọng, cả phần lễ và phần hội đều mang đậm chất dân gian truyền thống và được tiến hành trên tinh thần tự giác, có sự tạo điều kiện của Nhà nước.

Hội thi gói, nấu bánh ít truyền thống là hoạt động thường xuyên tại Bảo tàng tỉnh trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương.
Hội thi gói, nấu bánh ít truyền thống là hoạt động thường xuyên tại Bảo tàng tỉnh trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương.

Cùng với nghi lễ thờ cúng, hàng loạt các hoạt động văn hóa dân gian như: Rước kiệu truyền thống, tổ chức Hát Xoan, đánh trống đồng, thi giã bánh dày, gói bánh chưng… được phục dựng nguyên bản làm cho Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng ngày càng gắn với tín ngưỡng, không gian văn hóa truyền thống và gắn với rất nhiều phong tục tập quán, tạo môi trường cho Tín ngưỡng thờ Vua Hùng được gìn giữ và lưu truyền, thể hiện sự phong phú của kho tàng văn hóa dân gian về thời đại các Vua Hùng. Qua đó, khẳng định thờ cúng Hùng Vương là một tín ngưỡng bản địa, là hiện tượng văn hóa có sức sống mãnh liệt, sức lan tỏa lâu bền trong cộng đồng người Việt.

Ngày nay, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa phổ biến trong đời sống của đông đảo người Việt Nam, từ Đền Hùng - Trung tâm thực hành nghi lễ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã có sự lan tỏa mạnh mẽ không chỉ đến các di tích thờ Hùng Vương, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, mà còn lan rộng ra các di tích thờ Hùng Vương trong và ngoài nước.

Những không gian tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ấy chính là những bằng chứng sinh động và đầy sức thuyết phục về sự lưu truyền và phát triển của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong cộng đồng người Việt. Các di tích và địa điểm thờ tự Vua Hùng ở khắp nơi luôn được người Việt bảo tồn, gìn giữ và xây dựng là minh chứng cụ thể và sinh động, khẳng định giá trị tâm linh bền vững trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng.

Hiện nay, trên cả nước có hơn 1.400 di tích, riêng tỉnh Phú Thọ - vùng đất cội nguồn dân tộc có khoảng 350 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương. Từ Đất Tổ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lan tỏa, trở thành tập quán của cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước. Người Việt Nam ở mọi miền đất nước và ở nước ngoài sáng tạo những không gian thờ cúng Hùng Vương riêng, xin chân nhang, đất, nước từ Đền Hùng về thờ cúng ông Tổ của dân tộc. Đây là đức tin tín ngưỡng thuần Việt đã vượt qua mọi thời đại để trở thành biểu tượng cho khát vọng trường tồn, độc lập tự chủ lâu dài, vĩnh viễn và ước mơ về sự phồn vinh của quốc gia, dân tộc.

Ngày nay, ngoài địa điểm chính là Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương còn được tổ chức ở nhiều địa phương khác trên khắp cả nước, trong đó nhiều tỉnh, thành đã đầu tư xây dựng các công trình lớn phục vụ cho đồng bào thăm viếng, tri ân công đức các Vua Hùng như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Huế, Kiên Giang... Chính từ không gian văn hóa rộng lớn này, trong tâm thức bao đời, ý thức dân tộc, ý thức lịch sử, ước nguyện cộng đồng trong tư duy văn hóa người dân qua hàng nghìn năm, luôn luôn hòa quyện một cách tự nhiên, hình thành nên một lẽ sống, một đạo lý tri ân, kết tinh thành dòng chảy bất tận trong đời sống văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam.

LINH THỦY (tổng hợp)
 

.
.
.