Thứ Năm, 25/05/2023, 08:20 (GMT+7)
.

Về thăm thị trấn vùng biển

Nếu như trước đây, Vàm Láng được biết đến là một làng biển còn hoang sơ, hẻo lánh, thì hiện nay, vùng đất này đã “thay áo mới”, đang chuyển mình từng ngày, trở thành thị trấn sầm uất, nhộn nhịp của huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Phát huy những tiềm lực, lợi thế sẵn có, hiện tại chính quyền và nhân dân thị trấn Vàm Láng nỗ lực phấn đấu xây dựng đô thị biển đầu tiên của tỉnh Tiền Giang.

Về thị trấn Vàm Láng những ngày cuối tháng 5, chúng tôi mới cảm nhận được sự “thay da, đổi thịt” từng ngày của vùng đất vốn dĩ còn nhiều khó khăn trước đây. Hệ thống đường sá được xây dựng, nâng cấp khang trang sạch đẹp, cùng với những dãy phố san sát; đời sống của nhân dân nơi đây ngày càng khấm khá, sung túc…

VÀM LÁNG KHI XƯA

Vàm Láng là đơn vị hành chính cấp thị trấn nằm ở phía Đông Bắc (Bắc kinh Trần Văn Dõng), trên bờ Nam cửa sông Soài Rạp đổ ra Biển Đông, thuộc vùng đất Gò Công, xưa kia là vùng đất sình lầy, rừng rậm, hoang vu, sông sâu biển rộng, có nhiều thú dữ và chim muôn. Cuối thế kỷ XVII, Nhà Bác học Lê Quý Đôn đã ghi lại: “Phủ Gia Định, đất Đồng Nai từ các cửa biển Cần Giờ, Lôi Lạp (Soài Rạp), Cửa Tiểu, Cửa Đại trở vào, toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm; sông ngòi chằng chịt, đất đai sình lầy và nhiều thú dữ...”.

Thị trấn Vàm Láng đang phát triển từng ngày.
Thị trấn Vàm Láng đang phát triển từng ngày.

Theo quyển “Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân thị trấn Vàm Láng”, từ năm 1756, vùng đất Gò Công được thể hiện trên bản đồ Việt Nam với tên là Lôi Lạp (còn gọi là Soài Rạp) và được ghép vào tổng Kiến Hòa thuộc châu Định Viễn, dinh Long Hồ. Năm 1779, tổng Kiến Hòa thuộc dinh Trường Đồn. Năm 1781, dinh Trường Đồn đổi thành dinh Trấn Định.

Dưới triều Nguyễn, năm 1808, dinh Trấn Định được đổi thành trấn Định Tường, các tổng được nâng lên thành huyện thì vùng đất Vàm I.áng thuộc phường Toàn Phước (sau là Kiểng Phước), tổng Hòa Bình, huyện Kiến Hòa, phủ Kiến An, trấn Định Tường, Gia Định thành (Gia Định thành lúc này là toàn cõi Nam bộ).

Sau ngày 30-4-1975, qua nhiều lần tách, nhập địa giới hành chính, xã Vàm Láng có các tên gọi Phước Vĩ, Kiểng Phước, Kiểng Lễ, thuộc huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Tháng 4-1979, huyện Gò Công được chia thành 2 huyện Gò Công Đông và Gò Công Tây, xã Kiểng Lễ được tách ra thành 2 xã Kiểng Phước và Vàm Láng. Đến năm 2010, xã Vàm Láng được Chính phủ phê duyệt điều chỉnh địa giới hành chính một phần diện tích và nhân khẩu về xã Kiểng Phước và thành lập thị trấn Vàm Láng.

Về địa danh Vàm Láng, thì những cư dân cố cựu đất Gò Công lý giải rằng: Phía ngoài con rạch Cần Lộc đổ ra sông lớn Soài Rạp rồi thông ra biển có một phần nước rộng và sâu gọi là “Vàm”. Cách họng Vàm một khoảng có một “hà lãng” (chỗ nước rộng mênh mông) với nhiều rừng cây dày đặc hai bên bờ, nên có nhiều con nai đến uống nước, vì thế hồi xưa chỗ này còn gọi là “Láng Lộc”, người dân địa phương gọi là Vàm Láng.

Còn theo quyển “Gò Công - thao thức dấu xưa” của nhà nghiên cứu Phan Thanh Sắc, người có nhiều nghiên cứu về vùng đất Gò Công cho rằng: Vàm Láng ngày xưa từ thời vua Gia Long (năm 1802) là đất hoang vu, rừng rậm, đầy thú dữ. Vàm Láng ở phía Bắc của thôn Kiểng Phước có cái vàm của con rạch Cần Lộc chảy ra sông Soài Rạp và chảy ra biển cách vài ngàn thước.

Rạch Cần Lộc hẹp nhưng sâu, từ vàm chảy về Nam đến chợ Bến Ngoài của làng Kiểng Phước sau này. Nhờ con rạch Cần Lộc mà người dân Kiểng Phước nói chung, Vàm Láng nói riêng làm ngư nghiệp, ghe đánh cá về chợ Bến Ngoài, rồi phân phối đi các chợ Gò Công, đời sống ngư dân không ngừng phát triển, hình thành cảng cá lớn nhất khu vực Gò Công.

VÀM LÁNG HÔM NAY

Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, UBND huyện Gò Công Đông, tinh thần đoàn kết, đồng thuận của chính quyền và nhân dân, Vàm Láng đang từng bước chuyển mình, trở thành thị trấn đông đúc, sầm uất và nhộn nhịp. Năm 2020, thị trấn Vàm Láng được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị. Tận dụng lợi thế biển, những năm qua, thị trấn Vàm Láng đã tập trung đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế biển, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân.

Nghề biển được xem là kinh tế chủ đạo của người dân thị trấn Vàm Láng.
Nghề biển được xem là kinh tế chủ đạo của người dân thị trấn Vàm Láng.

Là thị trấn ven biển của huyện Gò Công Đông, Vàm Láng có hơn 70% dân số sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy hải sản, với khoảng 476 phương tiện đánh bắt gần bờ và xa bờ, hằng năm mang về đất liền hơn 20.000 tấn hải sản các loại. Riêng trong quý I năm 2023, sản lượng khai thác thủy sản đạt 3.406 tấn. Ngành chế biến cá khô sử dụng khoảng 5.000 tấn hải sản nguyên liệu, giá trị trên 50 tỷ đồng; đồng thời, cung cấp cho thị trường trên 2.000 tấn khô các loại. Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân mỗi năm đều tăng, tạo việc làm cho gần 3.000 lao động có nguồn thu nhập ổn định.

Song song với đó, thị trấn Vàm Láng có 117 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 17 công ty, doanh nghiệp, đã vận động thành lập 1 hợp tác xã khai thác thủy sản, 18 tổ hợp tác thủy sản, 1 tổ hợp tác vệ sinh môi trường. Tổng doanh thu của các tổ hợp tác khoảng 81 tỷ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 36 tỷ đồng/năm.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, công tác giảm nghèo đạt được kết quả tích cực, đời sống người dân ngày được nâng lên, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư xây dựng đã làm thay đổi đáng kể diện mạo thị trấn.

Tình hình chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh của thị trấn được giữ vững. Đặc biệt, các cấp ủy đảng, chính quyền thị trấn Vàm Láng ngày càng đổi mới phương thức hoạt động; vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và hội, đoàn thể được củng cố phát huy, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị.

Chị Lê Thị Lan, một người dân ngụ tại địa phương cho biết: “So với trước đây, đời sống gia đình đã khấm khá lên rất nhiều nhờ vào biển. Mỗi ngày, đi làm khô tiền công khoảng 300 ngàn đồng cộng với thu nhập từ chồng đi biển cũng đủ trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học và có chút ít dư dả”.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Vàm Láng Huỳnh Thanh Toàn cho biết; “Tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn thị trấn trong những tháng đầu năm tiếp tục được giữ vững, ổn định. Trong thời gian tới, thị trấn Vàm Láng tiếp tục phát huy nguồn lực các thành phần kinh tế, hoàn thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng, chất lượng đô thị để phát triển bền vững, góp phần không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân vùng biển và ven biển”.

Vàm Láng hôm nay đang từng ngày chuyển mình mạnh mẽ. Hy vọng rằng, với những bước đi vững chắc, chiến lược đúng đắn, trong tương lai không xa, thị trấn Vàm Láng sẽ trở thành đô thị biển đầu tiên của tỉnh Tiền Giang.

GIA TUỆ - V.PHƯƠNG

.
.
.